Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong các trường học bán trú, hầu hết các nhà trường đã chú trọng đến các khâu chọn lựa nguồn thực phẩm, chế biến món ăn và chế độ dinh dưỡng… nhằm đảm bảo cho các em học sinh có sức khỏe tốt, phát triển đầy đủ cả về trí lực và thể lực. Đồng thời với trách nhiệm của mình, ngành Y tế cũng đã phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát nhằm nâng cao ý thức cho các cơ sở giáo dục, tạo niềm tin cho các bậc phụ huynh và toàn xã hội.

Cùng Đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Y tế và Trung tâm Y tế tiến hành kiểm tra tại một số trường học tổ chức cho học sinh ăn bán trú trên địa bàn 8 huyện, thành phố trong thời gian vừa qua, chúng tôi nhận thấy, hầu hết các bếp ăn bán trú của các trường đã được xây dựng theo quy định “bếp ăn 1 chiều” từ nơi tiếp phẩm đến quá trình sơ chế, quá trình chuẩn bị nấu rồi chia thức ăn. Nhân viên phục vụ được tập huấn kiến thức về ATTP, khám sức khoẻ, xét nghiệm định kỳ, có trình độ nhất định về sơ chế, nấu ăn cho trẻ em. Công tác quản lý thực phẩm được thực hiện tương đối tốt.

Theo đại diện các nhà trường, đối với các trường tiểu học có tổ chức ăn bán trú, trẻ ăn 1 bữa/ngày, số tiền ăn từ 15.000-16.000đồng/suất ăn; tại các trường mầm non công lập và cơ sở mầm non tư thục, trẻ được ăn 3 bữa/ngày (2 bữa chính là bữa trưa và bữa chiều, 1 bữa phụ lúc trẻ ngủ trưa dậy), số tiền ăn dao động từ 12.000-18.000đồng/ngày tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và sự thống nhất giữa nhà trường và phụ huynh học sinh. Đối với 2 trường mầm non tư thục là Trường Mầm non Mai Thế Hệ (thành phố Ninh Bình) và Trường Mầm non Việt Thắng (thành phố Tam Điệp), trẻ được ăn 4-5 bữa/ngày và số tiền ăn từ 25.000-30.000đồng/trẻ.

Với 32 bếp ăn tập thể được kiểm tra trên địa bàn 8 huyện, thành phố, trong đó có 4 trường tiểu học, 2 trường mầm non tư thục, 2 cơ sở mầm non tư thục và 24 trường mầm non công lập cho thấy, nhìn chung, bếp ăn tập thể tại các trường tiểu học, mầm non đã có ý thức chấp hành các quy định của Nhà nước về ATTP, đa số các cơ sở có đầy đủ thủ tục hành chính về ATTP theo quy định của Nhà nước để kinh doanh dịch vụ ăn uống như: Ký cam kết bảo đảm ATTP; có đầy đủ Giấy xác nhận kiến thức về ATTP theo quy định; thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người quản lý và toàn bộ nhân viên tham gia chế biến, phục vụ ăn uống; nhân viên mang, mặc đầy đủ các trang phục riêng khi tham gia sơ chế, chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch của nhà máy nước để sơ chế, chế biến thực phẩm, một số cơ sở trang bị máy lọc nước R.O để cung cấp nước phục vụ nhu cầu ăn, uống của trẻ; một số trường có vườn trồng rau sạch để phục vụ một phần nhu cầu rau xanh cho trẻ, như Trường Mầm non Tân Thành (huyện Kim Sơn), Trường Mầm non Gia Lập (huyện Gia Viễn), Trường Mầm non Đông Sơn (thành phố Tam Điệp)… Đặc biệt, tại nhiều cơ sở mầm non công lập và tư thục, trong phòng học được bố trí khu vực riêng trang bị đầy đủ phương tiện rửa tay, xà phòng diệt khuẩn, nhà vệ sinh và phương tiện vệ sinh cá nhân cho trẻ. 100% cơ sở có hợp đồng về nguồn cung cấp nguyên liệu thực phẩm, phụ gia dùng trong chế biến thực phẩm nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế, thực phẩm bao gói sẵn dùng trong chế biến đã được công bố, nhãn mác đúng quy định.

Công tác xét nghiệm nhanh cho thấy, đa số không phát hiện các hoá chất độc hại/chất cấm ảnh hưởng tới sức khoẻ có trong nguyên liệu thực phẩm (xét nghiệm 306 mẫu nguyên liệu, thực phẩm các loại test nhanh tại cơ sở: xét nghiệm nhanh phản ứng hồ tinh bột; hàn the; tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật; xét nghiệm nhanh nitrit trong nước, phát hiện có 3 mẫu nước dùng để chế biến dương tính với nitrit và 6 mẫu bát đĩa, dụng cụ ăn uống dương tính với phản ứng hồ tinh bột, kết quả có 9/306 mẫu chưa đạt). Ngoài ra Đoàn kiểm ra lấy mẫu nước chế biến xét nghiệm tại Chi cục, kết quả cho thấy: 3/3 mẫu đạt các chỉ tiêu Clorua và Nitrit; 1/3 mẫu không đạt về chỉ tiêu sắt (kết quả xét nghiệm là 1,974mg/l trong khi theo quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế chỉ cho phép không quá 0,3mg/l).

Theo bà Nguyễn Thị Hường, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh, mặc dù các nhà trường đã rất cố gắng trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ bán trú tại trường nhưng nhiều địa phương điều kiện kinh tế còn khó khăn, chưa có điều kiện về nguồn vốn đầu tư, vì thế điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học cũng như chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ còn hạn chế. Cụ thể như, trong số 32 cơ sở được kiểm tra, có 4 cơ sở vi phạm các điều kiện về bảo đảm ATTP (2 trường tiểu học và 2 trường mầm non), lỗi vi phạm chủ yếu là khu sơ chế, chế biến điều kiện còn hạn chế và chưa có đầy đủ các biện pháp ngăn ngừa côn trùng và động vật gây hại. Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở, yêu cầu cơ sở khắc phục ngay những tồn tại để bước vào năm học mới 2017-2018.

Qua đợt kiểm tra tại các cơ sở trường học bán trú, Chi cục ATVSTP tỉnh đã tổng hợp kết quả, báo cáo Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố; kiến nghị Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành quy chế phối hợp trong quản lý ATTP tại bếp ăn tập thể các trường học trên địa bàn. Yêu cầu UBND các huyện, thành phố quan tâm hơn nữa trong việc bố trí nguồn kinh phí xây dựng cơ sở vật chất và đầu tư mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tại các trường tiểu học, mầm non trên địa bàn. Bên cạnh đó, Chi cục cũng thông báo kết quả tới Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố để giám sát các cơ sở khắc phục những tồn tại mà Đoàn kiểm tra nêu ra, đồng thời tăng cường công tác quản lý đối với bếp ăn tập thể các trường tiểu học, mầm non trên địa bàn. Cùng với đó tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất về ATTP nhằm giúp các cơ sở thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, thực hành tốt các biện pháp bảo đảm ATTP, phòng tránh ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm trong trường học.