Khảo sát tại cộng đồng cho thấy, công tác truyền thông, tư vấn, vận động trực tiếp có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân đối với công tác chăm sóc sức khỏe. Từ đó, truyền thông là phương pháp hữu hiệu nhất nhằm giúp người dân, cộng đồng nhận được thông tin, có kiến thức về sức khỏe, thực hiện các hành vi bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Bà Đinh Thị Thái, xã Gia Minh (Gia Viễn) cho rằng, các hình thức truyền thông bằng miệng của cán bộ y tế thôn, bản và “cái loa” phát thanh hàng ngày của Đài truyền thanh xã khiến bà thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt cho gia đình. Thay vì nấu nướng, ăn uống qua loa, sống đơn giản như ngày trước, gia đình bà chú ý hơn đến ăn chín, uống sôi, ăn sạch, ở sạch, mua sắm được nhiều thiết bị đồ dùng hiện đại trong gia đình như các đồ sinh hoạt bằng điện, nhà vệ sinh tự hoại, khép kín... Đặc biệt, vào thời điểm giao mùa hay nguy cơ xuất hiện dịch bệnh sốt xuất huyết như hiện nay, các gia đình đều lắng nghe, bảo ban nhau cùng dọn dẹp, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trong gia đình để phòng chống bệnh kịp thời, không để dịch bệnh xảy ra.

Bà Lê Thị Thu Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông, giáo dục sức khỏe (TTGDSK) tỉnh cho biết: Công tác TTGDSK nhằm giúp mọi người có kiến thức tối thiểu và cơ bản nhất để họ có thể tự phòng bệnh cho mình, cho gia đình, người thân và cho xã hội; để người dân có thể xử trí đúng khi bị ốm đau, bệnh tật và thay đổi những cách nghĩ, nếp sống có hại cho sức khỏe... Kết quả trong những năm qua, một số loại dịch bệnh xuất hiện trên địa bàn tỉnh, huyện, xã được khống chế kịp thời, chất lượng công tác khám, chữa bệnh được nâng cao, đội ngũ thầy thuốc tại các cơ sở y tế yên tâm với nghề, giảm tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em, thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, từng bước nâng cao sức khỏe, tăng tuổi thọ trung bình cho người dân...

Để có được kết quả đó, Trung tâm TTGDSK tỉnh đã có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức hoạt động để có tầm ảnh hưởng rộng đến cộng đồng dân cư. Hoạt động TTGDSK được triển khai đều đặn thông qua các phương tiện thông tin đại chúng: Truyền hình, phát thanh, báo chí, Internet và các hình thức truyền thông trực tiếp: Tư vấn, thảo luận nhóm, tập huấn, nói chuyện chuyên đề... Trung tâm đã phối hợp với Báo Ninh Bình, Đài PT-TH tỉnh, Đài truyền thanh các huyện, thành phố… mở các chuyên trang, chuyên mục y tế hàng tuần, hàng tháng với hàng chục tin, bài, phóng sự/tháng, chú trọng tới việc tăng thời lượng, thay đổi khung giờ phát sóng, đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng tuyên truyền, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu về kiến thức y học của nhân dân, góp phần đáng kể trong việc cung cấp thông tin, nâng cao hiểu biết và nhận thức của các tầng lớp nhân dân về cách phòng tránh dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe.

Cùng với đó, Trung tâm tiếp tục kiện toàn và củng cố mạng lưới truyền thông từ tỉnh tới cơ sở. Đến nay 100% đơn vị, 100% các trạm y tế xã/phường đã có cán bộ phụ trách công tác TTGDSK tổ chức phòng truyền thông giáo dục sức khỏe. Đặc biệt, nhằm nâng cao hiệu quả công tác truyền thông trực tiếp, Trung tâm đã sản xuất và in, phát hành hàng chục nghìn tờ rơi, áp phích, đĩa băng zôn… có nội dung tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh theo mùa, tiêm chủng mở rộng, phòng, chống tác hại của thuốc lá… cấp phát cho các đơn vị trong toàn ngành và các đài truyền thanh huyện/xã làm tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền. Đồng thời, tại các đơn vị, đội ngũ cán bộ y tế đã tổ chức nhiều buổi truyền thông trực tiếp, phát hàng trăm tin, bài trên hệ thống truyền thanh cơ sở. Phối hợp với các đơn vị trong ngành tổ chức tuyên truyền về các nội dung như: Vệ sinh an toàn thực phẩm; phòng, chống Lao; phòng, chống HIV/AIDS, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Dân số-KHHGĐ, phòng chống tác hại của thuốc lá, chính sách BHYT… Duy trì mô hình điểm về truyền thông giáo dục sức khỏe tại xã Khánh Lợi (Yên Khánh). Tuy nhiên, công tác truyền thông- giáo dục sức khỏe còn gặp không ít khó khăn, do hầu hết cán bộ truyền thông ở tuyến huyện, xã phải kiêm nhiệm nhiều việc nên hoạt động truyền thông còn hạn chế. Tỷ lệ người dân tiếp cận với các thông tin về chăm sóc sức khỏe chưa đạt yêu cầu, hiểu biết và thực hành phòng, chống dịch bệnh chưa cao. Ngoài ra, công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể có lúc, có nơi còn chưa chặt chẽ, kịp thời…

Nhằm nâng cao vai trò truyền thông trong phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, thời gian tới, Trung tâm TTGDSK tỉnh tiếp tục kiện toàn mạng lưới truyền thông từ tỉnh đến cơ sở, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ truyền thông ở các tuyến, đa dạng hóa các kênh thông tin, tranh thủ sự quan tâm của các cấp, các ngành từng bước tăng cường đầu tư trang thiết bị cho hệ thống truyền thông giáo dục sức khỏe từ tỉnh tới cơ sở, triển khai các hoạt động hướng về cộng đồng… góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.