Bệnh sốt xuất huyết (SXH) vẫn đang diễn biến phức tạp với việc xuất hiện thêm những ổ dịch và bệnh nhân mới tại các địa phương trong tỉnh, nhất là trong thời điểm thời tiết hiện nay mưa nắng thất thường, bệnh SXH rất dễ có nguy cơ xảy ra thành dịch. Phóng viên Báo Ninh Bình có cuộc trao đổi với bác sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:
Xem hình
Cán bộ y tế huyện Kim Sơn hướng dẫn người dân về cách phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Phóng viên (PV): Xin bác sĩ cho biết tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên cả nước và tại tỉnh ta?

Bác sĩ Lê Hoàng Nam: SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây nên. Bệnh lây truyền từ người sang người qua vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Bệnh có thể gây thành dịch lớn và nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì nguy cơ tử vong tương đối cao. Theo Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn trên 100.000 trường hợp mắc SXH tại 61/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 26 trường hợp tử vong. Số người mắc SXH tăng nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tại tỉnh ta, từ đầu năm đến nay (5/9/2017) đã phát hiện 452 trường hợp sốt xuất huyết và nghi mắc sốt xuất huyết (14 trường hợp nội tỉnh còn lại là các trường hợp ngoại lai).

PV: Xin bác sĩ có thể cho biết đặc trưng của virus chủng SXH Dengue và nguy cơ phát sinh dịch bệnh?

Bác sĩ Lê Hoàng Nam: Bệnh SXH Dengue (SXHD) là bệnh nhiễm vi rút Dengue (DEN) cấp tính do muỗi truyền và có thể gây thành dịch lớn. Do đặc điểm địa lý, khí hậu khác nhau, ở miền Nam và miền Trung, bệnh xuất hiện quanh năm, còn ở miền Bắc và Tây Nguyên, bệnh thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 11... Thời kỳ ủ bệnh SXH từ 3 đến 14 ngày, trung bình từ 5 đến 7 ngày. Bệnh nhân là nguồn lây bệnh trong thời kỳ có sốt; đặc biệt, 5 ngày đầu là giai đoạn trong máu có nhiều vi rút. Muỗi bị nhiễm vi rút thường từ 8 đến 12 ngày sau khi hút máu có thể truyền bệnh và truyền bệnh suốt đời.

Tất cả mọi người đều có thể bị mắc bệnh SXHD; sau khi khỏi bệnh, sẽ được miễn dịch suốt đời với típ vi rút Dengue gây bệnh đó, nhưng không có miễn dịch với các típ bệnh khác. Nếu bị mắc bệnh lần thứ hai với típ vi rút Dengue khác, bệnh nhân có thể sẽ bị nặng hơn và dễ xuất hiện sốc, do thoát huyết tương và xuất huyết mất máu; nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, có thể bệnh nhân sẽ tử vong. Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người mà do muỗi đốt người bệnh có mang vi rút, sau đó truyền vi rút sang người lành qua vết đốt.

Ở Việt Nam, hai loài muỗi truyền bệnh SXHD là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó quan trọng nhất là Aedes aegypti. Nhận dạng loài muỗi này rất dễ, dân gian thường gọi là muỗi vằn hay muỗi hoa, đốt người vào ban ngày, nhiều nhất là sáng sớm và chiều tối. Hoạt động của muỗi gắn chặt với hoạt động của con người, thích sống gần người, đậu nghỉ trong nhà, trên quần áo, vật dụng có mồ hôi người.

Hiện nay, bệnh SXHD chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Vì vậy, để phòng, chống bệnh SXHD, cách tốt nhất là diệt muỗi trưởng thành, diệt loăng quăng/bọ gậy, loại trừ nơi đẻ của muỗi.

PV: Để đối phó với dịch bệnh sốt xuất huyết, ngành Y tế đã triển khai những hoạt động gì?

Bác sĩ Lê Hoàng Nam: Hiện nay, bệnh SXH chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, để chủ động phòng, chống dịch hiệu quả, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã chủ động tham mưu với Sở Y tế và BCĐ Phòng, chống dịch bệnh của tỉnh một số giải pháp: Tăng cường hoạt động của BCĐ phòng, chống dịch các cấp; chỉ đạo quyết liệt chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tham gia và đầu tư nguồn lực thỏa đáng cho công tác phòng, chống SXH. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nguyên nhân, tác hại của SXH và SXHD trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phối hợp chặt chẽ với Đài PT-TH tỉnh, Báo Ninh Bình, Cổng thông tin giao tiếp điện tử tỉnh và các đơn vị liên quan cung cấp kịp thời kiến thức phòng, chống SXH cho người dân.

Nội dung truyền thông phải nêu bật được triệu chứng của bệnh, phương thức lây truyền, sự nguy hiểm và biện pháp phòng tránh; khai báo với đơn vị y tế khi bản thân, người nhà bị mắc bệnh... Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ lãnh đạo chính quyền các cấp, giáo viên trong các nhà trường, cán bộ y tế làm công tác kiểm soát dịch bệnh các tuyến, y tế thôn bản và cộng tác viên thực hiện dự án phòng, chống SXH tại các xã điểm về công tác truyền thông, giám sát và phòng, chống bệnh SXH. Thường xuyên cập nhật diễn biến của dịch bệnh SXH trên cả nước, của các tỉnh lân cận và trên địa bàn tỉnh để kịp thời tham mưu với Sở Y tế và BCĐ Phòng, chống dịch bệnh của tỉnh đề ra các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, từng bước khống chế, ngăn chặn kịp thời, không để dịch lớn xảy ra, giảm tối đa số người mắc và tử vong khi xảy ra dịch. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, trang thiết bị và kinh phí, sẵn sàng đáp ứng khi có dịch bệnh xảy ra; các cơ sở điều trị chuẩn bị cơ sở vật chất để thu dung bệnh nhân, thuốc, dịch truyền và các phương tiện cấp cứu bệnh nhân, đảm bảo chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa tình trạng sốc và tử vong.

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chỉ đạo giám sát véc tơ để dự báo nguy cơ và tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại 7 ổ dịch đã phát hiện. Duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ giám sát viên đảm bảo 100% ca SXH được giám sát theo quy định.

PV: Thưa bác sĩ, nếu một người bị SXH rồi thì có mắc bệnh trở lại hay không? Có dấu hiệu nào để phân biệt bệnh SXH với các bệnh dịch khác và khi bị SXH, người dân có thể tự theo dõi và điều trị tại nhà hay không?

Bác sĩ Lê Hoàng Nam: Bệnh sốt xuất huyết có các triệu chứng như sốt cao đột ngột, liên tục từ 2 đến 7 ngày và có ít nhất 2 trong các dấu hiệu sau: Biểu hiện xuất huyết có thể như nghiệm pháp dây thắt dương tính, chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam; nhức đầu, chán ăn, buồn nôn; da xung huyết, phát ban; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt; đau vùng gan, ấn vùng gan đau; vật vã, li bì…

Mọi người chưa có miễn dịch đặc hiệu đều có thể bị mắc bệnh từ trẻ sơ sinh cho đến người lớn. Sau khi khỏi bệnh sẽ được miễn dịch suốt đời với típ vi rút Dengue gây bệnh nhưng không được miễn dịch bảo vệ chéo với các típ vi rút Dengue khác. Nếu bị mắc bệnh lần thứ hai với típ vi rút Dengue khác, bệnh nhân có thể sẽ bị bệnh nặng hơn và dễ xuất hiện sốc Dengue. Khi phát hiện mình và người thân trong gia đình có các dấu hiệu nghi mắc SXH, cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tuyệt đối không được tự điều trị tại nhà.

PVTrước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, bác sĩ có những khuyến cáo gì để người dân chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết?

Bác sĩ Lê Hoàng Nam: Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người mà do muỗi đốt người bệnh có mang vi rút sau đó truyền vi rút sang người lành qua vết đốt. Hiện nay, bệnh SXH, SXHD chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh, vì vậy hoạt động diệt véc tơ, đặc biệt là diệt lăng quăng/bọ gậy với sự tham gia tích cực của từng hộ gia đình và cả cộng đồng là biện pháp hiệu quả nhất trong phòng chống SXH. Cụ thể là: Thực hiện vệ sinh môi trường hàng ngày, chủ động loại trừ nơi đẻ của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy. Các dụng cụ chứa nước sinh hoạt phải đậy nắp kín và thau rửa hàng tuần, thả cá và các sinh vật cảnh ăn bọ gậy. Thu gom, loại bỏ dụng cụ phế thải 1 lần/tuần. Những dụng cụ chứa nước không cần thiết, chưa sử dụng cần úp ngược; ngủ màn để tránh muỗi đốt; sử dụng hương trừ muỗi, phun hóa chất diệt muỗi... Đặc biệt, khi phát hiện mình và người thân trong gia đình có các dấu hiệu nghi mắc SXH, cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, giảm nguy cơ tử vong và tránh lây lan thành dịch trong cộng đồng.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ!