Thời gian qua, bệnh tay-chân-miệng đã xảy ra ở nhiều địa phương trong tỉnh. Đối tượng dễ mắc bệnh thường tập trung ở trẻ dưới 5 tuổi, là độ tuổi phần lớn đang được chăm sóc, nuôi dạy tại các trường mầm non
Xem hình

Trường Mầm non Đông Thành (thành phố Ninh Bình) hiện đang chăm sóc, nuôi dạy 359 cháu với 9 nhóm lớp. Tuy khuôn viên nhà trường còn chật hẹp nhưng ở các phòng học đều được bố trí sạch sẽ, khang trang.Cô giáo Vũ Thị Quyên, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Yêu cầu của bậc mầm non phải chăm sóc trẻ để trẻ phát triển một cách toàn diện cả về thể chất và trí tuệ, do đó nhà trường luôn chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, đảm bảo chế độ dinh dưỡng... để trẻ được chăm sóc trong điều kiện tốt nhất. Trong đó, khâu vệ sinh ăn uống, sinh hoạt cho trẻ được chú trọng nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho trẻ, phòng, chống dịch bệnh.

Đối với đồ dùng hàng ngày của trẻ như: bát, thìa, ca uống nước, khăn mặt... được đánh số, ký hiệu riêng cho từng cháu. Trước giờ ăn, các đồ dùng này đều được tráng bằng nước sôi để tiệt trùng, đảm bảo vệ sinh. Khăn mặt của các cháu được giặt, phơi nắng hàng ngày. Đối với đồ dùng học tập, đồ chơi trong từng lớp học cũng được các cô giáo lau, chùi thường xuyên. Cuối tuần các lớp tổng vệ sinh một lần nhằm xây dựng môi trường sạch, đẹp cho mỗi lớp học và cả khuôn viên nhà trường.

Để phòng, chống dịch bệnh cho trẻ, đồng thời cũng để hướng dẫn cho các cháu biết tự vệ sinh cá nhân, các cô giáo đã hướng dẫn cho các cháu lớp 4, 5 tuổi biết cách rửa tay theo quy trình trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Các cháu ở độ tuổi nhỏ hơn thì được cô giáo trực tiếp giúp đỡ. Với cách làm được duy trì thường xuyên như vậy nên nhiều năm qua, Trường Mầm non Đông Thành không để xảy ra dịch bệnh. Bên cạnh đó, nhà trường còn phối hợp tốt với phụ huynh để nắm bắt tình hình sức khỏe của từng trẻ. Khi trẻ nào có dấu hiệu của ốm, bệnh đều được các cô giáo liên hệ với gia đình để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế, cho nghỉ học để tránh lây sang các bạn khác.

Đối với Trường Mầm non Ninh Thắng (huyện Hoa Lư), trước tình hình dịch tay-chân-miệng có diễn biến phức tạp, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức tập huấn cho giáo viên những kiến thức cơ bản về bệnh cũng như các biện pháp phòng chống bệnh tay- chân- miệng. Trong đó, khâu vệ sinh cho các cháu được nhà trường chú trọng thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế như: Rửa tay cho trẻ nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch; không để trẻ mút tay hoặc đưa đồ chơi lên miệng; cho trẻ ăn chín, uống chín, không ăn chung thìa, bát... Các cô giáo trực tiếp trông trẻ phải thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ, khi thấy có dấu hiệu sốt và xuất hiện nốt phỏng, báo ngay cho gia đình để đưa đi khám, điều trị kịp thời. Cùng với việc đảm bảo môi trường sạch sẽ, thoáng mát để ngăn ngừa dịch bệnh, giáo viên nhà trường cũng thường xuyên phổ biến cách phòng, chống bệnh tay-chân-miệng đến phụ huynh học sinh, thông qua các buổi họp phụ huynh và trước khi nhận và trả trẻ, để các bậc phụ huynh tiện theo dõi. Với tổng số 286 trẻ được chăm sóc, nuôi dạy tại 10 nhóm lớp, nhiều năm qua, Trường Mầm non Ninh Thắng đảm bảo sức khỏe trẻ phát triển tốt theo yêu cầu.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tính đến ngày 14-5-2012 toàn tỉnh đã phát hiện 422 trường hợp mắc bệnh tay-chân-miệng, tập trung phần lớn ở trẻ dưới 5 tuổi. Các trường hợp mắc bệnh đều được điều trị khỏi tại các cơ sở y tế, không để lây lan thành dịch, không có trường hợp tử vong do tay-chân-miệng. Toàn tỉnh chưa ghi nhận trường mầm non nào trên địa bàn có nhiều trẻ mắc bệnh. Phần lớn các ca mắc bệnh đều xảy ra lẻ tẻ, trẻ mắc bệnh khi đang được chăm sóc tại gia đình hoặc có cháu đang theo học ở trường mầm non nhưng được phát hiện và điều trị kịp thời, không để lây lan sang các bạn cùng lớp...Tuy nhiên, do đặc thù của dịch bệnh tay- chân- miệng là khả năng lây bệnh nhanh khi trẻ tiếp xúc với trẻ, do trẻ chơi chung đồ chơi, do vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân cho trẻ chưa tốt... Do đó, ở môi trường tập thể, nhất là trong các trường mầm non, các lớp mầm non tư thục, các nhóm lớp mầm non do cá nhân trông giữ..., rất cần quan tâm làm tốt công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, nâng cao ý thức cho người trông giữ trẻ và gia đình nhằm bảo vệ sức khỏe cho trẻ, góp phần hạn chế tình hình dịch bệnh phát sinh ra diện rộng.