Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọn của Công tác Dân số - KHHGĐ, những năm qua các cấp uỷ đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân của tỉnh Ninh Bình đã tích cực tham gia thực hiện các biện pháp giảm sinh, nâng cao chất lượng dân số, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Một giải pháp quan trọng được tỉnh Ninh Bình đặt lên hàng đầu là triển khai thực hiện tốt chương trình truyền thông giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân về công tác dân số, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình. Chính vì vậy, những năm qua mô hình gia đình có 2 con được đông đảo nhân dân địa phương thực hiện. Bên cạnh đó hàng năm tỉnh còn mở 2 đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ kế hoạch hoá gia đình trên quy mô toàn tỉnh, thu hút hàng vạn người dân tham gia. Đây thực sự là giải pháp mạnh, mang tính đột phá để đạt được mục tiêu giảm sinh và thực hiện các biện pháp tránh thai. Ngoài ra ngành dân số của tỉnh còn đã mở rộng được hệ thống cung cấp dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, đa dạng hoá các phương tiện tránh thai. Hệ thống cung cấp dịch vụ được triển khai thường xuyên tới cấp xã, phường, thị trấn đảm bảo an toàn, thuận tiện cho đối tượng sử dụng. Thời gian gần đây tỷ lệ các cặp vợ chồng chấp nhận biện pháp tránh thai ngày một tăng góp phần không nhỏ vào thực hiện mục tiêu giảm sinh. Nhờ vậy, tỷ lệ sinh và tổng tỷ suất sinh giảm xuống mức thấp so với bình quân chung của cả nước và của khu vực (năm 2010, số con trung bình của một phụ nữ (TFR) chỉ còn 1,93 con, năm 2011 là 1,9 con). Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm từ 14,52% năm 2005 xuống còn 12,67% năm 2011. Chất lượng dân số từng bước được cải thiện thông qua việc triển khai thực hiện các đề án nâng cao chất lượng giống nòi…Công tác tổ chức bộ máy thực hiện chương trình dân số luôn được củng cố và kiện toàn.


    Những kết quả trên thể hiện sự quan tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức xã hội, chính trị-xã hội. Trong đó có sự đóng góp có hiệu quả của đội ngũ cán bộ dân số từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt phải kể đến sự nỗ lực, vai trò nòng cốt của đội ngũ cộng tác viên, chuyên trách dân số ở cơ sở, đã góp phần hoàn thành  các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao mức sống của nhân dân.


    Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác DS-KHHGĐ của tỉnh Ninh Bình vẫn còn những tồn tại cần phải khắc phục như: Tỷ lệ giảm sinh chưa vững chắc, số người sinh con thứ 3 trở lên còn cao, còn tiềm ẩn nguy cơ tăng sinh trở lại, tình trạng mất cân bằng giới tính. Đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ ở cơ sở chưa được kiện toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Một số địa phương có tư tưởng chủ quan, thoả mãn với kết quả đạt được. Công tác DS-KHHGĐ hiện nay cũng xuất hiện những thách thức mới đòi hỏi sự nỗ lực, nhiệt tình, trách nhiệm hơn nữa của cả hệ thống chính trị và mọi người dân.
    Để khắc phục những tồn tại trên tỉnh đang tích cực chỉ đạo các ngành, các đơn vị cần tập trung triển khai tốt một số giải pháp
Một là, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách Pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XX về công tác DS - KHHGĐ, Nghị quyết số 08 ngày 15/7/2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh khoá 12. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và truyền thông với nhiều hình thức phong phú, đa dạng và phù hợp nhằm thực hiện ngày càng đạt hiệu quả cao về công tác DS-KHHGĐ. Đặc biệt triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động truyền thông, tư vấn nhóm nhỏ, đối thoại trực tiếp; mở rộng các loại hình cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản - kế hoạch hoá gia đình, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, đa dạng các phương tiện tránh thai, nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời cho đối tượng một cách an toàn, hiệu quả.


Hai là, duy trì và mở rộng các hoạt động của đề án “Nâng cao chất lượng giống nòi”, đề án “Kiểm soát dân số vùng biển, ven biển”. Hoàn thiện và triển khai thực hiện đề án “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” nhằm từng bước nâng cao chất lượng dân số, chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản. Hoàn thiện đề án quản lý dữ liệu dân cư để phục vụ công tác điều hành và xây dựng kế hoạch chương trình hằng năm; Sở Y tế tham mưu cho tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và kế hoạch thực hiện chiến lược cho từng giai đoạn trên địa bàn tỉnh. Gắn việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ với việc xây dựng gia đình, làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị văn hóa.
Ba là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy Dân số - KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn. Đảm bảo đội ngũ chuyên trách về dân số có đủ trình độ, năng lực, nhiệt tình, trách nhiệm để tham mưu cho các cấp trong công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai các hoạt động của chương trình đạt hiệu quả cao.


Bốn là, thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện công tác Dân số - KHHGĐ ở tất cả các cấp, tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm kịp thời để không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả của chương trình, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.


    Công tác DS-KHHGĐ đòi hỏi cần sự tham gia, hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị và mọi người dân. Tin rằng với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đầu tư của Nhà nước, sự phối kết hợp của các ban, ngành, đoàn thể, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ, cùng với sự tham gia hưởng ứng mạnh mẽ của người dân công tác DS-KHHGĐ của tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới sẽ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp hơn nữa.