Đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4 đã lây lan dịch COVID-19 ra hầu hết khắp tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp, việc người dân tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch và khai báo y tế là một trong những yếu tố then chốt, quan trọng, góp phần kiểm soát, hạn chế thấp nhất lây lan và từng bước đẩy lùi dịch bệnh. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, người dân luôn nâng cao ý thức trong phòng, chống dịch bệnh.

 Ghi nhận tại một cửa hàng tạp hóa tại thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn cho thấy ý thức của người dân trong phòng, chống dịch được nâng lên rõ rệt: trước cửa hàng đặt chai nước sát khuẩn và biển báo ghi “ Không đeo khẩu trang miễn vào”, người mua hàng khi tới đều sát khuẩn tay nhanh và đeo khẩu trang. Chị Phạm Thị Trang, người dân xóm 8, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn cho biết: “Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, gia đình cũng như người dân trong xóm luôn đề cao cảnh giác. Tất cả mọi người, trừ khi có việc thật cần thiết, như mua bán nhu yếu phẩm, thuốc tây hoặc các việc đột xuất mới ra khỏi nhà, “Ở đâu ở yên đó”, không tụ tập, ăn uống đông người. Mỗi người dân nơi đây đều hiểu “Thực hiện các biện pháp phòng dịch chặt chẽ, nghiêm túc chính là bảo vệ bản thân mình và cộng đồng”.

Còn tại một cửa hàng bán ăn sáng trên đường Lương Văn Tụy, phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch COVID-19  bằng cách treo biển “ Chỉ bán hàng mang về”. Các quán cà phê, hiệu cắt tóc… đều dừng hoạt động để phòng, chống dịch.

Thực tế công tác phòng chống dịch hiện nay cho thấy, dịch bệnh COVID-19 ngày càng diễn biến hết sức phức tạp và có thể bùng phát bất cứ lúc nào nếu chúng ta lơ là, chủ quan trong phòng dịch. Do đó, cần siết chặt hơn nữa các biện pháp phòng dịch, không để lây nhiễm thứ phát và lây lan trong cộng đồng. Cùng với đó, mỗi người dân cần lắng nghe, theo dõi thông tin chính thống từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp và các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh, không hoang mang, lo lắng thái quá, nhưng cũng không chủ quan, lơ là trước diễn biến của dịch bệnh.

           Bên cạnh đó, các biện pháp phòng chống dịch phải được đặt lên hàng đầu như: chấp hành nghiêm quy định cách ly y tế thời gian 21 ngày khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, theo dõi sức khỏe, giám sát y tế sau khi hoàn thành cách ly y tế tập trung đủ 7 ngày từ khi trở về địa phương. Chấp hành nghiêm việc tự theo dõi sức khỏe, không giấu bệnh và thông báo ngay cho cơ sở y tế khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, như sốt, ho, đau rát họng, thở gấp, khó thở. Thực hiện nghiêm thông điệp 5K theo quy định của Bộ Y tế. Đặc biệt, khi phát hiện người xuất, nhập cảnh trái phép hoặc ở vùng dịch trở về, phải thông báo ngay cho chính quyền, cơ sở y tế.

Tại tỉnh Ninh Bình, theo số liệu cộng dồn đến ngày 25/8, toàn tỉnh đang cách ly và giám sát gần 52.976 nghìn trường hợp, tại 11 cơ sở y tế và trên 30 cơ sở cách ly tập trung tại các huyện, thành phố. Trong đó, cách ly tại cơ sở y tế là 73 trường hợp, tại cơ sở cách ly tập trung 543 trường hợp và cách ly tại nhà và nơi lưu trú 4.160 trường hợp. Toàn tỉnh đang điều trị cho 69 ca bệnh, tại 3 cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 của tỉnh, gồm Phòng khám Đa khoa khu vực Cầu Yên (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), Phòng khám Đa khoa khu vực Cồn Thoi (huyện Kim Sơn) và Phòng khám Đa khoa khu vực Quỳnh Sơn (huyện Nho Quan).

          Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thì tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp, là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nên mỗi người dân cần hạn chế tối đa việc ra ngoài, đến những nơi đông người... Đặc biệt, nếu trong diện được tiêm vắc xin phòng bệnh, cần khẩn trương thực hiện tiêm phòng ngay, không lựa chọn vắc xin, góp phần hạn chế sự lây lan và nguy cơ bệnh nặng nếu mắc COVID-19.

          Cùng với thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, mỗi người dân cũng cần trung thực trong khai báo y tế. Khai báo y tế là việc người dân cung cấp thông tin y tế cá nhân, nhất là những thông tin về lịch sử nơi đi, nơi ở và nơi đến nhằm mục đích kiểm soát và phòng chống dịch bệnh COVID-19. Qua các thông tin khai báo, giúp ngành Y tế và cơ quan chức năng phát hiện người có nguy cơ tiếp xúc với các ca nhiễm bệnh ở các địa phương vùng dịch trở về, từ đó có những biện pháp chủ động ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập vào địa bàn.

          Theo bác sĩ Nguyễn Khắc Nghiêm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kim Sơn, với việc khai báo y tế, căn cứ vào các thông tin được cập nhật, cơ quan y tế trên địa bàn sẽ nắm bắt cơ bản diễn biến sức khỏe, lịch trình đi lại, di chuyển của mỗi cá nhân để theo dõi, hỗ trợ trong tình huống cần thiết. Đặc biệt, những người liên quan đến các ca bệnh, người đi từ tâm dịch trở về, người có biểu hiện sốt, ho, khó thở,… sẽ được cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm tại chỗ. Các trường hợp khác sẽ được tư vấn, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch khi về địa phương...  và việc khai báo y tế trung thực không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi của mỗi người. Bởi khai báo y tế sẽ giúp cho người nhiễm hoặc có nguy cơ nhiễm COVID-19 được tiếp cận với dịch vụ y tế để xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm, ngăn chặn dịch bệnh lây lan sang người thân, gia đình và cộng đồng.

          Như vậy, để phòng chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả, cùng với sự nỗ lực các cơ quan chức năng, mỗi người dân trong cộng đồng cần khai báo y tế trung thực, đồng thời thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng chống dịch và hưởng ứng, thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19. Đây cũng là thực hiện lời kêu gọi của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch bệnh” và Bác Hồ kính yêu đã từng dạy “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Câu nói này càng ý nghĩa sâu sắc trong lúc này, trong cuộc chiến này. Mọi người dân cùng nâng cao ý thức trách nhiệm, đồng lòng, hợp sức thì chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua khó khăn và chiến thắng đại dịch Covid-19.

Nguyễn Minh