Trẻ mắc bệnh tay chân miệng tiếp tục tăng; Thu hồi sản phẩm nghi chứa chất tạo đục; Khoa ngoại thần kinh nhi đầu tiên ở phía Nam; Dịch liên cầu lợn tăng mạnh mùa hè…
Xem hình

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng tiếp tục tăng

Sáng 1/6, đoàn kiểm tra việc thực hiện tháng cao điểm phòng chống dịch tay chân miệng do ông Lê Trường Giang - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - làm trưởng đoàn đã đến làm việc và kiểm tra thực tế tại địa bàn Q.2.

Báo cáo của Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Q.2 Phan Thành Phước cho thấy từ đầu năm đến ngày 27/5, tại Q.2 có 70 ca bệnh tay chân miệng. Số ca mắc tay chân miệng trong năm tháng đầu năm tăng 44% so với cùng kỳ năm trước và số mắc bệnh tháng 5 tăng 50% so với tháng 4.

Theo ông Lê Trường Giang, từ tháng 3/2011 đến nay, bình quân số trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại TP tháng sau tăng gấp 2,5 lần tháng trước. Đến nay đã có hơn 2.100 trẻ mắc bệnh với 11 ca tử vong. 70% số ca mắc bệnh là trẻ dưới 3 tuổi và đa số là trẻ ở nhà. Về nguyên nhân bệnh tay chân miệng gia tăng, ngoài yếu tố khách quan do chủng virut mới enterovirus 71 type B2 gây bệnh cảnh nặng, còn có yếu tố chủ quan là công tác vệ sinh khử khuẩn môi trường ở hộ dân, trường học làm chưa tốt.

Ông Lê Trường Giang cho rằng công tác phòng chống dịch tay chân miệng hiện nay còn nhiều lỗ hổng, từ công tác truyền thông, vệ sinh khử khuẩn môi trường cho đến cấp phát chất khử khuẩn và giám sát việc thực hiện cho các hộ dân. Đây là lỗi do cơ quan y tế chưa tham mưu đầy đủ, kịp thời cho cấp ủy và chính quyền, đồng thời chưa đầu tư đúng mức cho công tác chống dịch.

Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho biết tình hình bệnh tay chân miệng đang chuyển hướng về các tỉnh thành lân cận TP.HCM. Trong tuần cuối của tháng 5, trung bình mỗi ngày có hơn 100 trẻ từ các tỉnh nhập viện vì bệnh tay chân miệng. Riêng số trẻ nhập viện ở TP.HCM vẫn giữ mức trên dưới 90 ca/ngày.

Theo số liệu của phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2, trong tháng 5 có 5.450 ca đến khám bệnh tay chân miệng với 795 ca nhập viện. Số bệnh nhi tay chân miệng nhập viện từ các tỉnh là 284 ca, tăng hơn gấp đôi so với tháng 4.

Ngày 31/5, UBND TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi các sở y tế, giáo dục - đào tạo, thông tin - truyền thông và UBND các quận huyện đề nghị triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về hạ thấp ca mắc bệnh tay chân miệng, hạn chế tử vong đến mức thấp nhất và tránh lây lan thành dịch. UBND các quận huyện phải chỉ đạo UBND các phường xã tăng cường truyền thông ba thông điệp phòng bệnh là: thường xuyên rửa sạch tay của trẻ, người giữ trẻ, vật dụng và đồ chơi của trẻ; lau chùi sạch khu vực sinh hoạt của trẻ bằng dung dịch sát khuẩn hằng tuần vào thứ bảy, chủ nhật; phát hiện sớm các dấu hiệu nặng của bệnh tay chân miệng như sốt cao, giật mình, đi đứng loạng choạng, khó thở thì phải đưa ngay đến các bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP để điều trị.

Đồng Nai: 4 trẻ chết do bệnh tay chân miệng

Ngày 1/6, ông Cao Trọng Ngưỡng - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai - cho biết từ ngày 28 đến 30-5 tại Đồng Nai đã có ba trường hợp chết do bệnh tay chân miệng. Nạn nhân chỉ từ 1-2 tuổi. Theo bác sĩ Ngưỡng, đầu năm 2011 đến nay bệnh tay chân miệng tăng đột biến, khiến 533 trẻ nhập viện (tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái), làm chết bốn trẻ (Tuổi trẻ 2/6). 

Thu hồi sản phẩm nghi chứa chất tạo đục

Ngày 1/6, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) tiếp tục kiểm tra và làm rõ lô hàng chất phụ gia tạo đục nghi vấn có chứa chất DEHP của Công ty New Choice Foods.

Trước đó, chiều 31/5 đoàn thanh tra số 1 của Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã phát hiện Công ty New Choice Foods (100% vốn nước ngoài, tại Khu công nghiệp VN - Singapore 2, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) có nhập khẩu chất phụ gia tạo đục (cloudy agent) nghi ngờ có chứa chất DEHP.

Tại buổi làm việc, ông Chan Huang Ming, Giám đốc Công ty New Choice Foods, cho biết đã nhập lô hàng phụ gia tạo đục này từ Công ty Triko Foods Co., Ltd (Đài Loan). Sau khi phát hiện lô hàng này đoàn thanh tra đã niêm phong, đồng thời yêu cầu công ty thu hồi toàn bộ sản phẩm có liên quan tới sử dụng chất phụ gia này và công khai rộng rãi cho người tiêu dùng biết.

Một nhân viên chuyên phân phối mặt hàng này cho Công ty New Choice Foods cho hay đầu năm 2011 lô hàng này đã được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cấp phép nhập khẩu với số lượng hàng trăm ký. New Choice Foods đã sử dụng chất tạo đục này để sản xuất khoảng 9.000 thùng sản phẩm rau câu khoai môn. Khi nghe tin nguyên liệu có chứa DEHP, ngày 26-5 công ty đã có văn bản gửi các đại lý ngưng bán và thu hồi sản phẩm trên. Hiện nay đã thu hồi khoảng 6.000 sản phẩm và đang tiến hành thu hồi 3.000 sản phẩm còn lại. Số nguyên liệu tạo đục này vẫn chưa sử dụng hết và hiện đang lưu trong kho. Ngay khi có thông tin lô hàng có chất DEHP, phía công ty đã chủ động cho thu hồi sản phẩm trên toàn quốc.

Được biết, một số siêu thị và điểm bán lẻ tại TP.HCM đã thu hồi sản phẩm này. Phía Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM đã vào cuộc để kiểm tra và phối hợp lấy mẫu kiểm định. Tuy nhiên chưa có kết luận chính thức về độc chất này trong sản phẩm rau câu của New Choice Foods.

Theo ông Nguyễn Công Khẩn - cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, hiện đoàn thanh tra đang hoàn tất danh mục sản phẩm liên quan lô hàng này và công bố vào sáng 2/6 (Tuổi trẻ, Nhân dân, An ninh thủ đô, Tiền phong, Sức khỏe & Đời sống, Khoa học & Đời sống 2/6). 

Khoa ngoại thần kinh nhi đầu tiên ở phía Nam

Hôm 1/6, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) đưa vào hoạt động khoa Ngoại thần kinh nhi. Theo Ban giám đốc bệnh viện, đây là khoa Ngoại thần kinh nhi đầu tiên tại khu vực phía Nam.

Lâu nay, các trường hợp bệnh lý ngoại thần kinh ở trẻ phần lớn được đưa đến điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Do vậy, việc đưa vào hoạt động khoa này nhằm đáp ứng nhu cầu chữa trị, phẫu thuật các trường hợp bệnh lý như: chấn thương sọ não, u não, u tủy, thoát vị màng não tủy, hẹp khớp sọ...

Bước đầu khoa có 30 giường bệnh, và có sự phối hợp chuyên môn với bộ môn Ngoại thần kinh của Đại học Y Dược TP.HCM (Thanh niên, Sức khỏe & Đời sống 2/6).

Dưới 10 tuổi cũng hút thuốc 

Con số được đưa ra từ một điều tra của Chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá (VINACOSH) đáng giật mình. Theo đó, có một tỷ lệ rất cao các em học sinh dưới 10 tuổi đã từng thử hút thuốc (17,6% ở nam và 5,5% ở nữ). Đặc biệt, có 10,3% học sinh nam và 4% học sinh nữ độ tuổi 13 - 15 trả lời có ý định sẽ hút thuốc trong tương lai.

 Một nghiên cứu rất đáng chú ý của bác sĩ Phan Thị Hải và tiến sĩ  Lý Ngọc Kính với đề tài “Điều tra toàn cầu về tình hình hút thuốc lá của sinh viên Y khoa, nghiên cứu tại Việt Nam” được thể hiện trên trang web của Văn phòng chương trình phòng chống tác hại thuốc lá cho thấy tỷ lệ hút thuốc lá khá cao trong sinh viên y khoa. Ở nam SV là 57,1%, hiện hút là 20,7%, ở nữ SV (Thanh niên 26). 

Đẩy mạnh tuyên truyền về cân bằng giới tính khi sinh

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đối với Bộ Y tế và các bộ, ngành trước tình trạng tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) ở Việt Nam đang gia tăng với tốc độ nhanh chóng, hiện là 111,2 trẻ trai/100 trẻ gái.

Các chuyên gia cho rằng khoảng 20-25 năm sau sẽ có 2-3 triệu nam giới Việt Nam không thể lấy vợ là người Việt Nam, có thể dẫn tới sự bất ổn từ gia đình, xã hội. Để giảm thiểu sự mất cân bằng TSGTKS, việc tuyên truyền phải quyết liệt, sâu sát, thuyết phục trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng. Phải hạn chế mạnh việc chẩn đoán giới tính thai nhi; giám sát, xử lý nghiêm tình trạng nạo hút thai vì lý do giới tính. Bộ Y tế cần sớm xây dựng bộ tài liệu tuyên truyền cho từng đối tượng cụ thể (Hà Nội mới 2/6). 

Bệnh viện Phụ sản Trung ương:

 Khai trương phòng khám chuyên về bệnh võng mạc ở trẻ sinh non

BV Phụ sản TƯ vừa khai trương phòng khám Chăm sóc tích cực và điều trị bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non. Dự án được Quỹ từ thiện Nguyên Ý của Tổ chức ORBIS hỗ trợ.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, bệnh võng mạc gây mù ở trẻ sinh non là bệnh lý thường gặp ở trẻ sinh thiếu tháng (dưới 32 tuần) và nhẹ cân (dưới 2.000gr). Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời (trong vòng 24 giờ sau khi phát hiện), trẻ sẽ bị mù vĩnh viễn.

Vì thế, để ngăn ngừa bệnh võng mạc sinh non, các bà mẹ mang thai cần quản lý thai nghén tốt, hạn chế vận động mạnh hay làm việc nặng trong các tháng cuối thai kỳ nhằm tránh tình trạng sinh non. Nếu trẻ sinh dưới 32 tuần hoặc có cân nặng dưới 2.000gr thì cần phải đưa đi khám sàng lọc ngay sau 2 tuần sinh tại các cơ sở như BV Mắt TƯ, BV Phụ sản TƯ, BV Nhi TƯ (Hà Nội mới 2/6). 

Giảm 24% giá nhập khẩu thuốc điều trị viêm gan C

Hôm qua, 1/6, Công ty Dược Merck Sharp & Dohme (MSD) chính thức công bố điều chỉnh giảm giá nhập khẩu thuốc PEGINTRON® (peginterferon alfa-2b) dùng trong điều trị lây nhiễm virus viêm gan C mạn tính (HCV) tại Việt Nam.

Ông Stephen Walter, Trưởng Văn phòng đại diện MSD tại Việt Nam cho biết, chủ trương giảm giá thuốc PEGINTRON của MSD nhằm tạo thêm điều kiện thuận lợi cho người dân Việt Nam có cơ hội được điều trị căn bệnh viêm gan C và chung tay giúp đỡ bệnh nhân giảm gánh nặng trong điều trị. Hiện tại, có khoảng 2 - 2,9% dân số nước ta đang mắc căn bệnh nguy hiểm này, trong đó có 85% trường hợp nhiễm HCV sẽ diễn tiến thành viêm gan siêu vi C mạn tính trong khoảng 10 đến 20 năm, đe dọa sức khỏe và tính mạng không chỉ của bệnh nhân mà còn của những người khỏe mạnh khác vì mức độ lây lan âm thầm của bệnh (An ninh thủ đô 2/6). 

Hà Nội: 2.000 điểm uống vitamin A miễn phí

Hôm qua, 1/6, thực hiện kế hoạch Ngày Vi chất dinh dưỡng năm 2011, Sở Y tế Hà Nội đã triển khai hơn 2.000 điểm uống vitamin A, kiểm tra sức khoẻ, uống thuốc tẩy giun đợt 1 cho trẻ dưới 5 tuổi tại tất cả các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Trong đợt này, toàn thành phố có khoảng 49.000 trẻ em từ 0-6 tháng tuổi, 800.000 trẻ em từ 6-36 tháng tuổi (trong đó trẻ em dưới 6 tháng tuổi thiếu sữa mẹ là trên 3.000 trẻ) cần được uống vitamin A.

Sở Y tế cũng khuyến cáo những trường hợp không nên uống vitamin A và uống thuốc tẩy giun gồm: trẻ đang bị mắc các chứng bệnh mãn tính như hen phế quản, suy tim, suy thận, tâm thần; trẻ có tiền sử dị ứng với các thành phần của thuốc; trẻ đang bị đau bụng sốt cao, trẻ đã tẩy giun trong vòng 4 tháng gần đây (An ninh thủ đô 2/6). 

Dịch liên cầu lợn tăng mạnh mùa hè

Các chuyên gia dịch tễ cảnh báo dịch bệnh này sẽ diễn ra mạnh trong dịp hè nếu vẫn chủ quan ăn các món được chế biến từ thịt lợn không an toàn.

Như bão

Ngày 23-5, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội tiếp nhận bệnh nhân N.M.T. (48 tuổi ở Hà Nội) trong tình trạng hôn mê sâu. Bác sĩ Nguyễn Văn Chi, Phó khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai cho biết bệnh nhân T. nhập viện lúc 16giờ cùng ngày. Diễn biến bệnh được các bác sĩ ví ào ạt và nhanh như bão. Huyết áp không đo được, nội tạng suy và phù não, toàn thân nổi những đám bầm đen. Cơn bệnh diễn biến quá nhanh. Bệnh nhân lại bị sốc virus nặng, nên chỉ sau một ngày nhập viện, đã tử vong.

Đáng chú ý, kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân không cho thấy nhiễm liên cầu khuẩn lợn nhưng các biểu hiện lâm sàng cho thấy bệnh nhân là trường hợp điển hình của nhiễm liên cầu lợn rất nặng với lượng virus trong cơ thể cực lớn. Chưa biết chính xác vì sao không phát hiện vi khuẩn liên cầu lợn trong máu. Tuy nhiên các bác sỹ đoán có thể do gia đình đã cho bệnh nhân uống một loại thuốc nào đó gây ảnh hưởng tới quá trình vi khuẩn nổi lên khi xét nghiệm máu.

Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân T. đã ăn tiết canh tại bữa ăn với bạn bè, sau đó thấy sốt nhẹ, khi hết sốt thì nôn và mệt. Người nhà đưa đến viện thì bệnh nhân đã rơi vào tình trạng hôn mê rất nhanh.

Trước đó một ngày, Khoa Cấp cứu cũng tiếp nhận nam bệnh nhân tên L.V.H mắc liên cầu khuẩn lợn với diễn biến bệnh nặng và nhanh hơn bệnh nhân T. Bệnh nhân H. đã tử vong chỉ sau vài tiếng nhập viện.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu & Điều trị tích cực, (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư), cho biết, thời gian qua, vi khuẩn liên cầu lợn tấn công theo kiểu tổng lực, làm người mắc phát bệnh nặng trong thời gian rất ngắn. Vi khuẩn có thể gây bệnh liên cầu lợn cho người chỉ qua một tổn thương nhỏ như trầy xước da trong quá trình giết mổ, chế biến.

Bệnh diễn biến nhanh và nặng có thể do cơ địa và môi trường cơ thể bệnh nhân thích nghi đối với vi khuẩn liên cầu lợn. Ngoài ra, số lượng vi khuẩn liên cầu lợn mà bệnh nhân tiếp nhận vào cơ thể nhiều hay ít cũng quyết định tình trạng bệnh nặng hay nhẹ. Với lượng vi khuẩn quá lớn như hai bệnh nhân nói trên, diễn biến bệnh không thể kiểm soát được và tử vong rất nhanh.

Nghiện rượu dễ mắc, bệnh nặng hơn

Trong quá trình điều trị, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư nhận thấy nhóm những bệnh nhân nghiện rượu thường bị bệnh nặng hơn, diễn biến bệnh nhanh hơn các bệnh nhân khác. Có trường hợp chỉ sau 10-15 tiếng tiếp xúc với lợn ốm hoặc ăn thực phẩm chế biến từ lợn ốm đã khởi phát bệnh bằng dấu hiệu sốt. Tiếp đó vi khuẩn tấn công toàn bộ nội tạng gây hôn mê nhanh.

Hai thể bệnh lâm sàng hay gặp nhất khi nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn là viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn huyết. Với trường hợp bị viêm màng não, bệnh nhân sẽ bị rối loạn ý thức, phát ban ngoài da, giảm thính lực, liệt thần kinh sọ, suy thận nhẹ...

Trường hợp nhiễm khuẩn huyết thì hay bị nổi ban hoại tử toàn thân, tập trung nhiều nhất ở mặt, ngực, chân tay, tụt huyết áp và rơi vào hôn mê. Các trường hợp này nếu không được cấp cứu kịp thời rất dễ tử vong.

Ruồi cũng là thủ phạm

Theo PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, bệnh liên cầu lợn ở người là một trong những bệnh lây truyền từ động vật sang người có xu hướng ngày càng tăng trong những năm gần đây. Bệnh có thể lây sang người qua tiếp xúc trực tiếp với lợn, thịt lợn hoặc ăn các thực phẩm từ lợn bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn không được nấu chín. Hiện nay, nhiễm liên cầu lợn ở người đã trở thành một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, xuất hiện thường xuyên tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt tại các nước có chăn nuôi nhiều lợn.

Tại Việt Nam, một bộ phận không nhỏ dân cư có tập quán ăn tiết canh, nội tạng, thịt lợn tái (nem chua, nem chạo). Đây là những thói quen tiềm ẩn nguy cơ rất cao lây các bệnh từ lợn sang người, trong đó có liên cầu lợn. Nếu lợn nhiễm bệnh thì trong máu và thịt lợn có chứa một lượng lớn vi khuẩn. Thực phẩm không được nấu chín khiến người ăn có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Bác sĩ Cấp cho hay ruồi cũng có thể là vật trung gian lây mầm bệnh. Khi ruồi đậu vào phân và thịt lợn có vi khuẩn liên cầu lợn, sau đó đậu vào các vết trầy xước trên da người và truyền vi khuẩn gây bệnh.

Bệnh liên cầu lợn để lại nhiều di chứng nguy hiểm như điếc chiếm 25 - 40%, hoại tử chi dẫn đến phải cắt bỏ một phần chân, hoặc tay, suy thận. Thấy biểu hiện sốt sau khi ăn tiết canh hay thực phẩm chế biến từ thịt lợn không an toàn, cần đến bệnh viện để khám và điều trị ngay (Tiền phong 2/6). 

17 người tử vong do bệnh dại từ đầu năm đến nay

Theo Bộ Y tế, trong 5 tháng đầu năm, đã có 17 trường hợp tại 7 tỉnh, trong đó có 5 tỉnh miền núi phía Bắc, tử vong do bệnh dại. Đặc biệt, chiếm số lượng bệnh nhân tử vong do dại đông nhất là tỉnh Điện Biên, chiếm 7 ca trong tổng số 17 ca của cả nước.

Trong 4 tháng đầu năm, cả nước cũng đã có 23.687 bệnh nhân được tiêm phòng dại. Về thông tin nhiều người ở 2 huyện Mường Khương và Si Ma Cai thuộc tỉnh Lào Cai bị chó “lạ” cắn, Bộ Y tế cũng đã cử đoàn công tác xuống tận địa bàn điều tra và kết luận những con chó này đều là chó nhà chạy rông, chưa có ca tử vong do dại nào được ghi nhận tại Si Ma Cai và Mường Khương từ năm 2005 đến nay. Tuy nhiên, toàn bộ đàn chó và những người bị chó cắn ở 2 huyện trên đều đã được tiêm phòng dại (Sức khỏe & Đời sống 2/6). 

Lần đầu tiên bít lỗ rò van 2 lá nhân tạo bằng tim mạch can thiệp

Với trang thiết bị hiện đại và đội ngũ các bác sỹ giàu kinh nghiệm, ngày 31/5/2011, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã bít thành công lỗ rò van hai lá nhân tạo bằng kỹ thuật tim mạch can thiệp có sự hỗ trợ của gây mê hồi sức và siêu âm tim qua thực quản. Đây là trường hợp đầu tiên được thực hiện thành công tại Việt Nam bằng kỹ thuật này.

Khác với những trường hợp can thiệp tim mạch khác, bệnh nhân chỉ cần gây tê tại đường vào cảu ống thông (động mạch quay hoặc động mạch đùi), bác sỹ can thiệp thực hiện thủ thuật dưới máy chụp mạch, còn trong ca can thiệp này bệnh nhân được gây mê nội khí quản ngay tịa phòng Cathlab. Bác sĩ can thiệp không chỉ thực hiện thủ thuật dưới máy chụp mạch mà con có hình ảnh của đầu dò siêu âm tim qua thực quản. Nhờ đó, bác sỹ thủ thuật bít triệt để lỗ rò to và tất cả các lỗ rò nhỏ xung quanh chân van hai lá nhân tạo bằng dụng cụ chuyên biệt. Sau hơn 1 giờ thực hiện, ca can thiệp đặc biệt đã thành công, bệnh nhân được rút ống thở ngay sau thủ thuật kết thúc và được xuất viện ngay ngày hôm sau (Sức khỏe & Đời sống 2/6).

Tác giả: Trung tâm TTGDSK