Trong những năm vừa qua, nước ta đã đạt nhiều thành công trong công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình.

Từ một nước có mức sinh cao, trung bình mỗi cặp vợ chồng có 6,4 con vào năm 1960, con số này giảm xuống còn 2,1 con vào năm 2005 và 2 con vào năm 2010. Tỷ lệ phát triển dân số từ hơn 3% vào những năm 60 thế kỷ 20 đã giảm xuống còn 1,2% vào năm 2009. Dân số Việt Nam năm 2010 là 86,75 triệu người. Hiện nay, dân số nước ta tăng thêm 952 nghìn người/năm. Theo ông Dương Quốc Trọng- Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), đây là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, số người tăng thêm mỗi năm ở mức dưới 1 triệu người, trong khi số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giai đoạn này tăng hơn rất nhiều so với giai đoạn trước đó. Theo ông Dương Quốc Trọng, nếu giữ nguyên mức sinh như năm 1989, tức là tỷ lệ sinh 3,8 con thì năm 2009 dân số nước ta đã lên tới 104,4 triệu người. Do giảm sinh nên trong 20 năm qua nước ta đã hạn chế được 18,4 triệu người.

Bên cạnh việc kiềm chế thành công tốc độ gia tăng dân số, nước ta đạt được nhiều tiến bộ trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản. Số lượt phụ nữ, thanh niên, trẻ vị thành niên được tư vấn về an toàn tình dục, kế hoạch hóa gia đình ngày càng tăng. Có được điều này là bởi mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số- kế hoạch hóa gia đình được mở rộng trên cả nước. Các ban, ngành chức năng ở trung ương và địa phương chú trọng cung cấp đầy đủ các phương tiện trách thai cho các đối tượng ở độ tuổi sinh sản. Không chỉ chú trọng vào phụ nữ, nhiều tỉnh còn tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức sức khỏe sinh sản đến nam giới hoặc người cao tuổi trong gia đình, trong thôn xóm, khu dân cư. Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ trong toàn quốc tiếp tục tăng, từ 76,8% năm 2005 tăng lên 78% năm 2010. Ngoài ra, tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi cũng giảm mạnh từ 36,7%0 năm 1999 xuống còn 16%0 năm 2009. Do sinh muộn, sinh thưa, sinh ít đã giúp bà mẹ và con cái khỏe mạnh. Phụ nữ có nhiều cơ hội để học tập văn hóa, nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội. Số thanh, thiếu niên nữ nhập học ở các bậc học, cấp học ngang với nam giới.

Thực hiện tốt công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình đã giúp nước ta giảm trung bình 90 vạn phụ nữ không sinh đẻ trong một năm đồng thời giúp tăng thêm 108 triệu ngày công do người lao động không phải nghỉ thai sản. Ở cấp độ nhà nước, giảm sinh giúp xã hội có thêm nguồn nhân lực tham gia sản xuất, phát triển kinh tế. Ở cấp độ cá nhân, giảm sinh giúp các cặp vợ chồng có điều kiện để vươn lên làm giàu cũng như nuôi dạy con tốt hơn, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của cộng đồng. Thành công của chương trình dân số- kế hoạch hóa gia đình góp phần tăng cường sự phát triển của nền kinh tế đồng thời giúp nước ta thực hiện thành công các mục tiêu Thiên niên kỷ.

Tác giả: Trung tâm TTGDSK