Mới bắt đầu vào hè nhưng với thời tiết mưa, nắng thất thường, tại một số địa phương số lượng bệnh nhân đến khám và nhập viện do bệnh lây nhiễm mùa hè bắt đầu gia tăng.
Xem hình
Ảnh minh họa

Theo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, chỉ trong 2 tuần đầu của tháng 5, cả nước đã có 14 trường hợp nhiễm liên cầu lợn phải nhập viện. Hiện nay, chỉ riêng khu vực miền Bắc đã có 6 tỉnh, thành là Bắc Giang, Hà Nam, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng đã xuất hiện bệnh nhân mắc bệnh liên cầu lợn. Các trường hợp mắc bệnh đều do người dân chủ quan, giết mổ và ăn thịt lợn bệnh, không rõ nguồn gốc và chưa được nấu chín. Trước tình trạng gia tăng người nhiễm liên cầu lợn, bác sỹ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh liên cầu lợn là bệnh kế phát từ bệnh tai xanh ở lợn. Vi khuẩn Streptococussuis tồn tại trong miệng của lợn, có thể xâm nhập vào máu, làm suy giảm miễn dịch ở lợn, khiến liên cầu phát triển. Sau đó, vi khuẩn này có mặt trong khắp cơ thể lợn, đặc biệt là ở các phủ tạng và máu. Khi người tiếp xúc với lợn bệnh, đặc biệt là người giết mổ, tay chân bị xây xước, tiếp xúc với máu, thịt lợn, phủ tạng lợn, vi khuẩn có thể xâm nhập qua da vào cơ thể. Người dân ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín, tiết canh thì nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Bệnh liên cầu khuẩn có các triệu chứng tương tự như ngộ độc thức ăn: đau bụng, buồn nôn, đi lỏng, nóng, sốt, tiếp theo là xuất hiện nốt xuất huyết ngoài da trên chân tay thân mình. Khi có dấu hiệu nhiễm bệnh, người bệnh phải đến bệnh viện ngay để điều trị, vì thể bệnh này đòi hỏi phải được chẩn đoán và điều trị kịp thời, chính xác, vừa kết hợp điều trị kháng sinh vừa điều trị hồi sức. Bệnh liên cầu lợn rất nhạy cảm với kháng sinh, nên thuận lợi cho công tác điều trị.

Bác sỹ Hà cũng khuyến cáo, người dân cần chú ý, khi có lợn ốm cần khai báo, xác định căn nguyên và tiêu huỷ. Những người tiêu huỷ lợn cần đeo găng tay, khẩu trang. Những người giết mổ lợn sống, khi có vết thương xây xát da thì tuyệt đối không nên giết mổ lợn. Đối với người nội trợ, khi mua thịt lợn cần chú ý mua thịt tươi, khi chế biến phải đeo găng tay và làm xong phải rửa tay sạch sẽ. Đặc biệt là phải nấu chín và không nên ăn tiết canh.

Cùng với bệnh liên cầu khuẩn gia tăng người mắc, theo thống kê mới nhất của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, bệnh tay - chân - miệng cũng đang có chiều hướng bùng phát mạnh tại khu vực phía Nam. Hiện nay, cả nước đã ghi nhận trên 4.000 ca mắc tay chân miệng, với 9 trường hợp tử vong, phần lớn bệnh nhân mắc và tử vong do bệnh tay chân miệng đều là trẻ em dưới 5 tuổi.

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu tháng 5 đến nay, thành phố Hồ Chí Minh có thêm 3 trường hợp trẻ em tử vong do bệnh tay - chân - miệng, đưa tổng số ca tử vong tại thành phố bị bệnh này từ đầu năm đến nay lên 9 trường hợp. Thông thường những năm trước, đỉnh điểm bệnh tay chân miệng là vào tháng 9, tháng 10 nhưng năm nay, bệnh tay -  chân - miệng lại bùng phát dữ dội vào những tháng đầu năm. Tính riêng trong tháng 4, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trẻ bị mắc bệnh tay - chân - miệng tăng hơn 90% so với tháng 3 và tăng 97% so với cùng kỳ năm 2010.

Tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, tất cả các giường bệnh đều chật kín các bệnh nhi nên mỗi giường bệnh phải  nằm ghép từ 2 đến 3 trẻ. Không đủ giường, các em và người thăm nuôi phải trải chiếu nằm la liệt ngoài hành lang. Điều đáng nói là hầu hết các bậc cha mẹ, khi được hỏi về dấu hiệu của bệnh tay - chân - miệng thì họ đều trả lời là không biết. Chính vì vậy, khi được đưa vào bệnh viện, bệnh nhi đều có dấu hiệu nặng. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 thành phố Hồ Chí Minh có tới gần 130 trường hợp mắc bệnh đang được điều trị nội trú tích cực. Trong đó, có gần 10 trẻ bị biến chứng nặng phải thở máy và có thể nguy kịch.

Trong khi đó, các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, tiêu chảy, hô hấp vẫn còn diễn biến phức tạp với nhiều ca nhập viện. Mỗi ngày tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 có hàng trăm ca mắc mới nhập viện. Riêng dịch bệnh tiêu chảy đang khiến các khoa Tiêu hóa của bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 quá tải nghiêm trọng. Tại Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 2, có hơn 100 trẻ đang nằm điều trị các bệnh liên quan về tiêu hóa, trong đó hơn phân nửa mắc bệnh tiêu chảy.

Từ đầu tháng 5 đến nay, tại tỉnh Quảng Ngãi, số trẻ em mắc bệnh tay chân miệng ngày càng tăng, trong đó có 1 trường hợp  tử vong.Bác sĩ Nguyễn Tấn Phụ, Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi cho biết, bệnh tay chân miệng mới xuất hiện ở Quảng Ngãi hơn nửa tháng nay. Trung bình mỗi ngày Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận khoảng 10 trường đến khám và điều trị bệnh. Hầu hết các bệnh nhân nhi khi nhập viện đều trong tình trạng sốt, đau họng, nổi ban có bọng nước ở lòng bàn chân, bàn tay. Điều đáng nói là nhiều phụ huynh không hiểu hết nguy hiểm của loại bệnh này nên khá chủ quan, dẫn đến bệnh biến chứng nặng.

Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, từ đầu tháng 5 đến nay, tỷ lệ bệnh nhi mắc các bệnh lây nhiễm như: quai bị, tay - chân - miệng, sởi, rubella, sốt phát ban, bệnh về đường hô hấp, viêm phổi, tiêu hóa, viêm màng não tăng nhanh. Mỗi ngày, trung bình bệnh viện Nhi tỉnh Đồng Nai khám và chữa cho khoảng 1.600 bệnh nhi và điều trị ngoại trú cho gần 305 ca, tăng 35% với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết các bệnh nhi đều mắc các bệnh truyền nhiễm, có nhiều ca viêm màng não nặng, bệnh tay chân miệng biến chứng dẫn đến suy hô hấp phải thở máy.

Bệnh tay - chân - miệng là bệnh không có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Nguyên nhân của bệnh tay - chân - miệng là do vi rút lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp, chứ không qua trung gian. Chính vì thế, việc chủ động phòng bệnh tay - chân - miệng là hết sức quan trọng. Trước tình hình dịch bệnh có nguy cơ bùng phát cao, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai chiến dịch vệ sinh khử khuẩn tại Thành phố với mục đích tiêu diệt mầm bệnh, làm giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong đó có bệnh tay – chân - miệng. Trong chiến dịch vệ sinh khử khuẩn lần này, Sở Y tế sẽ tổ chức 6 đoàn thanh kiểm tra ở 24 quận, huyện vào thứ sáu hàng tuần, bắt đầu từ ngày 13/5. Chiến dịch khử khuẩn gồm các hoạt động: truyền thông vệ sinh và thực hiện khử khuẩn đặc biệt ở gia đình có trẻ dưới 3 tuổi; thông tin đến nhà trọ, hướng dẫn vệ sinh, khử khuẩn; thông báo bệnh cho y tế phường, xã; huấn luyện phát hiện bệnh và vệ sinh khử - khuẩn cho cô giáo trường mầm non để đảm bảo trường mầm non được vệ sinh, khử khuẩn đúng theo quy định; cung ứng Cloramin B tại các trung tâm, y tế phường xã, cấp cho gia đình qua trường mầm non, cấp cho nơi có ca bệnh.

Tuy nhiên, việc phòng bệnh không chỉ của riêng ngành Y tế mà là của toàn xã hội. Người dân cần tìm hiểu mọi thông tin về tình hình dịch bệnh và chủ động phòng ngừa ngay từ đầu để tránh hậu quả sau này. Có như vậy, công tác phòng chống dịch bệnh mùa hè mới được kiểm soát chặt, không để lây lan thành dịch.

Tác giả: Trung tâm TTGDSK