TS. Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Y tế và đoàn tháp tùng đã tham dự Kỳ họp lần thứ 64 Đại hội đồng Y tế thế giới. Kỳ họp đã khai mạc ngày 16/5/2011 và kết thúc ngày 24/5/2011 tại Geneva, Thụy Sĩ với chủ đề “Phòng ngừa và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm”. Tham dự kỳ họp năm nay có 174 quốc gia trên tổng số 193 quốc gia, cùng các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ song phương và đa phương trên thế giới.
Xem hình
TS. Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam phát biểu tại Đại hội đồng Y tế thế giới.

Các nội dung được thảo luận tại Đại hội đồng năm nay gồm: ứng phó với đại dịch cúm, thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế, các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ liên quan đến y tế, tăng cường hệ thống y tế, tầm nhìn và Chiến lược Tiêm chủng toàn cầu, dự thảo Chiến lược của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về HIV/AIDS 2011-2015, vấn đề thuốc giả, thanh toán bệnh đậu mùa, cơ chế kiểm soát và phòng ngừa dịch tả, sốt rét, bệnh Dracunliasis (một loại bệnh do giun Dracunliasis gây ra), phòng ngừa và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm, dinh dưỡng trẻ nhỏ và trẻ thiếu niên, phòng ngừa thương tích ở trẻ em, chiến lược quản lý an toàn việc tiêu thụ nước uống của con người, thanh niên và các nguy cơ sức khỏe, cùng các vấn đề chuyên môn khác như: bệnh bại liệt, biến đổi khí hậu và tác động đến sức khỏe con người, quản lý thuốc trừ sâu và các chất hóa học quá hạn, rác thải y tế, sức khỏe bà mẹ - trẻ em, sử dụng thuốc…

TS. Chritos Patsalides, đại biểu của Quốc đảo Cyprus (đảo Síp) đã được bầu chọn làm Chủ tịch kỳ họp. Bà Margaret Chan, Tổng Giám đốc WHO đã có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác phòng ngừa và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm. Trong bài phát biểu của mình, bà Tổng Giám đốc WHO nêu lên những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt trong vấn đề chăm sóc sức khỏe người dân, đặc biệt là sức khỏe bà mẹ - trẻ em, phòng ngừa và điều trị sốt rét, kháng thuốc... Đặc biệt, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em đã thu hút được 40 tỉ đô-la cam kết tài trợ cho 5 năm tới.

Với chủ đề “Phòng ngừa và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm”, trong bài phát biểu của mình trước cộng đồng quốc tế tại Phiên toàn thể của Đại hội đồng Y tế thế giới năm nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Quốc Triệu cũng nêu bật gánh nặng các bệnh không lây nhiễm trong thời gian qua tại Việt Nam, cũng như những kết quả mà Việt Nam đã đạt được và những thách thức mà Việt Nam phải vượt qua trong thời gian vừa qua, đồng thời nêu lên nhữ ng định hướng Việt Nam cần thực hiện trong thời gian tới. Bộ trưởng cho biết, hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép, trong đó gánh nặng các bệnh không lây nhiễm đã và đang tạo áp lực lớn lên hệ thống y tế Việt Nam. Trong khi tỉ lệ mắc các bệnh lây nhiễm giảm nhanh thì tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm lại tăng lên nhanh chóng. Theo số liệu báo cáo thống kê bệnh viện của 51 tỉnh/thành phố Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh lây nhiễm giảm từ 59,2% năm 1986 xuống còn 24,94% năm 2006 và đến năm 2009 là 22,9%. Trong khi đó, tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm lại tăng nhanh từ 39% năm 1983 lên 62,02% năm 2006 và đến năm 2009 là 66,32%. Bên cạnh đó, tỷ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm cũng tăng mạnh trong thời gian qua, từ 41,48% năm 1986 lên 61,62% năm 2006 và đến năm 2009 là 63,34%. Kết thúc bài phát biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam nhấn mạnh cam kết ủng hộ của Việt Nam đối với các sáng kiến toàn cầu về phòng chống các bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là Tuyên bố Mát-xcơ-va tại Diễn đàn cấp Bộ trưởng lần thứ nhất về lối sống lành mạnh và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm vừa diễn ra ngày 28-29/4/2011 tại Nga và các hoạt động hướng tới Cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc về các bệnh không lây nhiễm sẽ diễn ra vào tháng 9/2011 tại New York, Hoa Kỳ.

Cũng tại hội nghị, Việt Nam đã bày tỏ sự đánh giá cao và ủng hộ đối với Chiến lược toàn cầu về sức khỏe phụ nữ và trẻ em do Tổng Thư ký Liên hợp quốc phát động. Đây là chiến lược nhằm mục đích tăng cường các nỗ lực và cam kết của các chính phủ, các tổ chức quốc tế và cộng đồng vì sức khỏe phụ nữ và trẻ em. Chiến lược này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các đối tác, bao gồm các chính phủ (đến nay đã có khoảng hơn 30 chính phủ cam kết ủng hộ), các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức chính trị-xã hội, các doanh nghiệp, học giả… với cam kết hỗ trợ về tài chính trên 40 tỉ USD cho việc thực hiện chiến lược này.

Việc Việt Nam ủng hộ chiến lược này là bằng chứng để cộng đồng quốc tế thấy được sự quan tâm của Việt Nam đối với công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em, cũng như cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, qua đó sẽ tạo cơ hội để tranh thủ và huy động sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cho hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em Việt Nam nói riêng. Việc thực hiện Chiến lược toàn cầu cũng sẽ góp phần vào việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ và các mục tiêu của Chiến lược bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, cũng như Chiến lược Dân số - sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020.

Bên lề Kỳ họp Đại hội đồng, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam đã có buổi gặp mặt và làm việc với các Bộ trưởng Bộ Y tế ASEAN vào ngày 16/5/2011. Tại đây, các Bộ trưởng đã cùng nhau thảo luận về những vấn đề y tế của khu vực và sự phối hợp giữa các nước ASEAN với WHO trong việc giải quyết các vấn đề sức khỏe của khu vực. Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cũng đã có buổi gặp và làm việc với ngài Bill Gates, đồng Chủ tịch Quỹ Bill and Melinda Gates để thảo luận về vấn đề kháng thuốc điều trị sốt rét tại lưu vực sông Mê Kông (Campuchia, Lào, Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam). Ngoài ra, đoàn Việt Nam cũng đã tham dự buổi trao đổi với Quỹ Dân số Liên hợp quốc và các quốc gia về tình hình hộ sinh trên thế giới. Tại cuộc họp, các quốc gia đều đánh giá cao tầm quan trọng và vai trò của công tác hộ sinh đối với việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ sơ sinh, đặc biệt trong việc đảm bảo cuộc đẻ sạch, đẻ an toàn, giúp giảm tai biến sản khoa, qua đó làm giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh