Làm thế nào để biết con số huyết áp và đạt con số huyết áp mục tiêu?
Xem hình
Ảnh minh họa

Ngày Phòng chống Tăng huyết áp Thế giới năm 2011 có chủ đề “Hãy nhớ số đo huyết áp như nhớ chính số tuổi của mình”. Năm nay là năm thứ bảy Liên đoàn Tăng huyết áp Thế giới tổ chức ngày này nhằm giúp cộng đồng nâng cao nhận thức và khuyến khích ngăn ngừa cũng như kiểm soát tăng huyết áp. Hiện nay trên thế giới có 1,5 tỉ người tăng huyết áp, gây chết 7 triệu người mỗi năm. Một điều tra gần đây nhất của Viện Tim mạch Việt Nam tại 8 tỉnh, thành phố cho thấy tỷ lệ tăng huyết áp ở những người từ 25 tuổi trở lên là 25,1%. Trong đó có 52% không biết mình bị tăng huyết áp, 30% số người biết bị tăng huyết áp nhưng không điều trị; 64% số người biết bị tăng huyết áp đã được điều trị nhưng không đạt huyết áp mục tiêu.

Làm sao để biết con số huyết áp của mình?

Một cách đơn giản, đó là đo huyết áp bằng máy đo chuẩn và đúng quy trình. Huyết áp biểu hiện qua hai con số: (1) huyết áp tâm thu (áp lực máu lúc tim co bóp): bình thường là từ 90 đến 139 milimet thủy ngân (mm Hg), (2) huyết áp tâm trương (áp lực máu lúc tim nghỉ co bóp): bình thường từ 60 đến 89 mm Hg. Huyết áp là một trong số ít các chỉ số sức khỏe mà mỗi người nên nhớ. Huyết áp thay đổi theo tuổi tác và bệnh lý kèm theo; vì vậy, tốt nhất mỗi người nên đến cơ sở y tế để kiểm tra và ghi nhớ số huyết áp của mình.

Làm sao để đạt con số huyết áp mục tiêu?

Khi huyết áp tâm thu từ 140 mm Hg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mm Hg qua một quy trình chẩn đoán chuẩn, thì được xác định là tăng huyết áp. Lúc này, cần điều trị để đưa huyết áp về con số mục tiêu: huyết áp tâm thu dưới 140 mm Hg và huyết áp tâm trương dưới 90 mm Hg. Điều trị tăng huyết áp bằng biện pháp không dùng thuốc và dùng thuốc. Biện pháp không dùng thuốc (gọi là thay đổi lối sống) do thầy thuốc tư vấn còn biện pháp dùng thuốc do thầy thuốc khám và kê đơn cho người bệnh định kỳ. Mỗi người bệnh cần tuân thủ điều trị và hỏi thầy thuốc khi có bất cứ bất an nào chứ không nên tự làm “thầy thuốc” cho chính mình. Kiểm tra thường xuyên số đo huyết áp của mình và kiểm tra định kỳ các yếu tố nguy cơ khác

Các biện pháp không dùng thuốc gồm:

- Ăn nhạt (tổng lượng muối ăn vào mỗi ngày dưới 6 g); ăn nhiều rau, trái cây, cá; ăn ít thịt, ăn giảm mỡ và chất béo.

- Bỏ hoặc không hút thuốc lá, thuốc lào.

- Uống rượu bia ít hoặc uống điều độ (nam uống dưới 14 cữ mỗi tuần; nữ uống dưới 9 cữ mỗi tuần; một cữ tương đương 1 lon bia 333). Không uống rượu bia khi: (1) không biết uống rượu bia và (2) khi huyết áp chưa đạt mục tiêu.

- Tập thể dục mức độ trung bình: mỗi ngày 30-45 phút với các hình thức như đi bộ nhanh (7 km/giờ), đi xe đạp nhanh, chạy chậm, chơi bóng bàn, bơi. Không rèn luyện thể lực khi huyết áp cao (huyết áp tâm thu từ 160 mm Hg trở lên hoặc huyết áp tâm trương từ 100 mm Hg trở lên) hoặc đang đợt cấp biến chứng tăng huyết áp.

- Tránh căng thẳng, lo âu.

Như vậy, để biết con số huyết áp của bản thân và đạt được huyết áp mục tiêu, đòi hỏi nỗ lực cá nhân phòng chống tăng huyết áp, nỗ lực nghề nghiệp của mỗi thầy thuốc và chính sách hiệu quả của Chính phủ trong chiến lược ngăn chặn một trong các bệnh dịch thời đại là tăng huyết áp.

Tác giả: Trung tâm TTGDSK