Ngày 18 tháng 5 năm 2011, tại Hải Phòng, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo “Góp ý hoàn thiện kế hoạch hành động về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2015 của Ngành Y tế”. Tham dự có TS. Nguyễn Bá Thủy, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ Y tế; đại diện các vụ, cục, văn phòng Bộ Y tế; Công đoàn Y tế Việt Nam; đại diện Tổ chức Y tế Thế giới, các Tổ chức phi chính phủ, Trung tâm nghiên cứu giới, môi trường và phát triển bền vững, Hội phụ nữ Việt Nam, Viện Xã hội học…
Xem hình
Ảnh minh họa

Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 24/12/2010 với mục tiêu tổng quát là: “Đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”. Chiến lược được chia làm 2 giai đoạn 2011 – 2015 và 2015 - 2020.

 

 

 

Là Ngành liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp các dịch vụ xã hội, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội, Ngành Y tế đã tiến hành xây dựng kế hoạch hành động về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2015, trong đó, dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em.

 

 

 

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Bá Thủy, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ Y tế, cho rằng: việc phát huy sức mạnh và sự đóng góp của phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Ngành Y tế nói riêng là điều hết sức quan trọng. Điều này, cần phải được thể hiện rõ trong các mục tiêu, chỉ tiêu, các biện pháp thực hiện trong kế hoạch hành động về bình đẳng giới của một ngành với trên 60% là nữ đang công tác ở mọi lĩnh vực hoạt động bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Vì vậy, sau Hội thảo “Xây dựng kế hoạch hành động về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015” được tổ chức vào cuối tháng 3 vừa qua, Ban soạn thảo đã xây dựng lại Dự thảo “Kế hoạch hành động về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015 của ngành Y tế”, thành 6 mục tiêu cụ thể, trong đó, mục tiêu “tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các cương vị lãnh đạo, quản lý của toàn Ngành nhằm từng bước giảm dần khoảng cách về giới trong lĩnh vực này” vẫn là mục tiêu số 1 được quan tâm và bổ sung thêm mục tiêu “bảo đảm bình đẳng giới trong gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”.

 

 

 

Với những mục tiêu cụ thể đi kèm các chỉ số cần đạt được và giải pháp thực hiện, Kế hoạch đã đưa ra được thực trạng bình đẳng giới trong nhóm cung cấp dịch vụ y tế cũng như nhóm thụ hưởng dịch vụ được mô tả, phân tích rõ nét với các con số minh họa cụ thể. Tuy nhiên, vẫn còn một số giải pháp cần được bổ sung. Đã có gần 15 ý kiến, góp ý cho bản “Kế hoạch hành động về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015 của Ngành Y tế” như: phải thay đổi mục tiêu tổng quát cho lớn hơn so với mục tiêu cụ thể, phải có chiến lược truyền thông; bổ sung vai trò của các tổ chức phi chính phủ (kêu gọi sự tham gia của các tổ chức vào công tác xã hội hóa)… nhằm đưa ra một bản kế hoạch hành động mang tính khả thi với các giải pháp được thực hiện phù hợp với thực trạng hiện nay.

Tác giả: Trung tâm TTGDSK