Trong 9 tháng đầu năm 2010 Trung tâm phòng chống HIV/AIDS đã phát hiện thêm 202 trường hợp nhiễm HIV nâng tổng số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS toàn tỉnh là 2419 trường hợp trong đó 532 bệnh nhân đã tử vong do AIDS. Do vậy công tác phòng chống HIV/AIDS cần được đẩy mạnh nhằm giảm thiểu tối đa căn bệnh thế kỷ này
Xem hình
Tư vấn cho bệnh nhân HIV/AIDS tại Trung tâm phong chống HIV/AIDS

Tính từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại tỉnh ta vào năm 1990 đến ngày 20/9/2010, luỹ tích phát hiện nhiễm HIV/AIDS toàn tỉnh là 2419 trường hợp, trong đó có 506 người chuyển sang AIDS và 532 người đã tử vong do AIDS. Tuy nhiên, đây là con số thống kê phần nổi, phần chìm còn ẩn chứa có thể nhiều hơn con số ghi nhận được. Đứng trước thực trạng này Trung tâm phòng  chống HIV/AIDS tỉnh đã sớm có kế hoạch tổ chức các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được tập trung thực hiện với nhiều biện pháp khác nhau, trong đó công tác tuyên truyền là một trong những phương pháp hữu hiệu, giúp người nhiễm và cộng đồng có cái nhìn thực tế để giúp đỡ, cảm thông và chia sẽ đối với những người không may bị  nhiễm HIV/AIDS.

Chương trình thông tin giáo dục truyền thông thay đổi hành vi trong thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng kể. 9 tháng đầu năm đã tổ chức truyền thông trực tiếp thay đổi hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cho hơn 1600 lượt người nghiện chích ma tuý, 500 lượt người nhiễm HIV và thành viên gia đình người nhiễm cũng như một số đối tượng khác. Các hoạt động truyền thông trực tiếp như nói chuyện sức khoẻ với cá nhân, các cuộc thảo luận nhóm, thăm gia đình người nhiễm HIV hoặc người có hành vi nguy cơ cao, tổ chức sinh hoạt của các câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS, các nhóm giáo dục đồng đẳng và các hình thức truyền thông có hiệu quả khác như các cuộc thi tìm hiểu phòng, chống HIV/AIDS các ấn phẩm truyền thông như áp phích, tranh gấp, tờ rơi, sách mỏng, các cụm panô, khẩu hiệu cũng được đẩy mạnh và tăng cường. Với những hoạt động thiết thực đó Trung tâm đã thu hút ngày càng nhiều đối tượng đến với các dịch vụ hiện có.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi dự phòng lây nhiễm HIV còn nhiều khó khăn. Nhận thức và hành vi an toàn của nhân dân trong cộng đồng chưa cao, vẫn còn tình trạng phân biệt, kỳ thị, xa lánh người nhiễm HIV/AIDS. Tệ nạn ma tuý, mại dâm vẫn còn phát triển dưới nhiều hình thức. Người nhiễm HIV/AIDS thường lẫn tránh khai không đúng địa chỉ, họ tên, di chuyển nhiều nơi nên công tác giám sát phát hiện, tư vấn cũng gặp nhiều khó khăn vướng mắc.

Mặt khác, công tác chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS cũng được tiến hành đa dạng, với nhiều hình thức như tư vấn thường xuyên, lập hồ sơ theo dõi, khám sức khoẻ định kỳ, thường xuyên thăm hỏi động viên bệnh nhân. Ngoài ra, công tác dự phòng lây truyền từ mẹ sang con được tổ chức thực hiện lấy mẫu máu để xét nghiệm phát hiện HIV. Bên cạnh đó, Trung tâm tổ chức các chương trình phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục, chương trình an toàn truyền máu, đồng thời tập huấn kỹ năng cho cán bộ chuyên trách và cộng tác viên. Năm 2010 đã tổ chức xét nghiệm cho các đối  tượng có nguy cơ cao được  2500 mẫu đạt  83% so với kế  hoạch, công tác điều trị hiện được thực hiện tại phòng khám ngoại trú tại Trung tâm bằng thuốc ARV, thuốc nhiễm trùng cơ hội toàn tỉnh là 350 người, hầu hết bệnh nhân có đáp ứng thuốc tốt, tăng cân, sức khoẻ được hồi phục.

 Một thực tế cho thấy trong 9 tháng đầu năm số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện tuy có giảm 79 trường hợp và 26 trường hợp chết do AIDS so với năm 2009. Tuy nhiên, tình hình lây nhiễm HIV/AIDS ở Ninh Bình vẫn còn diễn biến phức tạp vẫn đang trong giai đoạn tập trung, tỷ lệ nhiễm HIV vẫn ở mức cao trong nhóm nghiện chích ma tuý. Các đối tượng nhiễm HIV/AIDS tập trung nhiều ở nhóm đối tượng trẻ, thuộc độ tuổi lao động, điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vì đây là lực lượng lao động làm ra của cải vật chất cho xã hội. Do vậy yếu tố nguy cơ bùng nổ dịch là khó tránh khỏi nếu không triển khai các biện pháp can thiệp một cách có hiệu quả.

Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua về công tác phòng chống HIV/AIDS phải kể đến sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương. Chính vì vậy mà nhận thức của xã hội đối với HIV/AIDS đã được cải thiện, quan trọng nhất là mỗi người hiểu được cách thức lây truyền bệnh để tự bảo vệ mình, giảm được kỳ thị đối với người bệnh, giúp người nhiễm HIV/AIDS sống hòa nhập cộng đồng.

 

 

Tác giả: Kim Thoa Trung tâm TTGDSK