Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói về vai trò của sức khỏe và vị trí của công tác chăm sóc sức khỏe: "Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe"; "Dân cường thì quốc thịnh". Bác nhắc nhở cán bộ ngành Y tế “Lương y như từ mẫu” và phải hướng tới xây dựng nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng.
Xem hình
Chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân tại bệnh viện Đa khoa tỉnh

Thấm nhuần tư tưởng nhân văn và lời dạy của Người, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Ngay từ khi đất nước mới giành được độc lập, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân đã được xác định là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu, góp phần bảo đảm nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong giai đoạn hiện nay, công tác chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân đã được toàn Đảng, toàn dân chăm lo và là hoạt động nhân đạo, thể hiện bản chất tốt đẹp, tính ưu việt của chế độ XHCN.

Nhận thức đúng đắn vai trò, ý nghĩa của công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân, trong những năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho sự nghiệp y tế tỉnh Ninh Bình phát triển; cùng với những nỗ lực, vượt khó của CBCNV toàn ngành, công tác Y tế của tỉnh đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ. Mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được củng cố và phát triển; huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã có trạm y tế, trong đó có 86,3% đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã; toàn tỉnh đã đạt tỷ lệ 22, 16 giường bệnh và 6, 9 bác sỹ/vạn dân, bằng mức bình quân chung của cả nước; một số bệnh viện chuyên ngành đã được thành lập và đưa vào hoạt động.Công tác phòng, chống dịch bệnh được tăng cường, nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế và đẩy lùi. Các dịch vụ y tế ngày càng đa dạng; nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật mới, kỹ thuật mũi nhọn được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ nét. Việc cung ứng thuốc và trang thiết bị được quan tâm. Chất lượng công tác khám, chữa bệnh được nâng lên. Tinh thần phục vụ, thái độ ứng xử của cán bộ y tế đã có nhiều chuyển biến tích cực. Người dân trong tỉnh được tiếp cận và được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tốt hơn, đặc biệt là nhân dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn. Với những kết quả nêu trên, ngành Y tế đã có những đóng góp hết sức quan trọng, thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Bên cạnh những kết quả rất đáng tự hào đó, công tác y tế của tỉnh vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Một số nơi cấp ủy Đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân: việc phân cấp tại một số đơn vị chưa phù hợp dẫn đến bất cập trong quản lý, điều hành. Chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ ban đầu ở tuyến cơ sở chưa cao. Nguồn nhân lực phân bố chưa hợp lý, các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện, các đơn vị y tế dự phòng còn thiếu bác sỹ. Thái độ ứng xử, tinh thần phục vụ của một bộ phận nhỏ cán bộ, nhân viên chưa để lại những ấn tượng tốt trong nhân dân. Mức giảm sinh chưa vững chắc, vùng núi, ven biển tỷ lệ sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 còn cao, đặc biệt là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã ở mức báo động.Trong giai đoạn mới, công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân cũng đặt ra những yêu cầu ngày càng cao, vì vậy, dự phòng chủ động và tích cực là quan điểm xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển của nền y tế đất nước. Song song với đó là kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền; xã hội hoá sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ của nhân dân; đa dạng hoá các hình thức tổ chức chăm sóc sức khoẻ của nhân dân, trong đó y tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Trước bối cảnh thời cơ và thách thức đan xen, công tác y tế tỉnh nhà có nhiều thuận lợi để phát triển, song cũng đối mặt với không ít khó khăn: Các yếu tố tác động xấu đến sức khỏe (ô nhiễm môi trường, thiên tai, lũ lụt, tệ nạn xã hội) ngày càng gia tăng; sự thay đổi về mô hình bệnh tật, các bệnh không lây nhiễm phát triển; một số bệnh lây nhiễm, dịch bệnh mới, bệnh lạ xuất hiện và diễn biến khó lường... Do đó, đội ngũ cán bộ, thầy thuốc và nhân viên ngành y tế của tỉnh, với vai trò nòng cốt, cần nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về ý nghĩa của công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới; nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình. Chủ động làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ban hành các chủ trương, chính sách đi đôi với triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm xây dựng hệ thống y tế của tỉnh từng bước hiện đại, hướng tới công bằng, hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Thời gian tới, ngành cần tiếp tục quán triệt các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về công tác y tế, như Nghị quyết số 46-NQ/TƯ ngày 23-2-2005 về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 47-NQ/TƯ ngày 22-3-2005 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách Dân số - KHHGĐ; Chỉ thị số 06-CT/TƯ ngày 22-1-2002 về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở; Chỉ thị số 28-CT/TU của Tỉnh ủy về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; Kế hoạch số 13-KH/UBND của UBND tỉnh về củng cố hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở... Để thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết nêu trên, ngành Y tế cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là: Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt quan tâm đến y tế xã, y tế thôn, bản, đảm bảo 100% các thôn, bản có cán bộ y tế. Phấn đấu đến năm 2015 có 60% các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã (theo chuẩn mới), 80% trạm y tế tuyến xã có bác sỹ, góp phần tích cực vào nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Thực hiện và nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành chuyên môn y tế theo tinh thần Nghị quyết số 46-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả kỷ luật, kỷ cương trong quản lý Nhà nước về y tế trên địa bàn. Cải cách mạnh mẽ thủ tục khám, chữa bệnh, giảm phiền hà cho nhân dân.

Hai là: Tăng cường công tác phòng bệnh, thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, dân số - KHHGĐ và vệ sinh an toàn thực phẩm, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm cần đẩy mạnh; không để dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh. Từng bước củng cố hệ thống y tế dự phòng từ tỉnh tới cơ sở có đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ: giám sát dịch tễ, phòng chống dịch trên địa bàn, kiểm soát và phòng chống HIV /AIDS, truyền thông giáo dục sức khoẻ, chăm sóc sức khoẻ sinh sản; vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ba là: Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh viện tuyến huyện, đảm bảo đưa các dịch vụ y tế đến gần người dân, nhất là người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa. Tăng cường ứng dụng và triển khai các kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ cho người bệnh. Triển khai tốt các kỹ thuật theo phân tuyến của Bộ Y tế. Chú trọng việc kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền trong công tác điều trị. Không ngừng giáo dục y đức cho đội ngũ cán bộ y tế, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, để lời dạy của Bác Hồ về tình thương yêu người bệnh “Lương y như từ mẫu” thật sự thấm sâu trong tâm trí và trở thành phương châm hành động của các thế hệ thầy thuốc, cán bộ, nhân viên ngành y tế.

Bốn là: Phát triển nguồn nhân lực đảm bảo đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng, từng bước cơ cấu và phân bố cân đối hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành y tế. Tiếp tục tham mưu cho tỉnh thực hiện đề án đào tạo bác sỹ, dược sỹ chính quy theo địa chỉ sử dụng, phấn đấu đến năm 2015 đảm bảo có đủ 8, 9 bác sỹ/vạn dân. Tăng cường đào tạo sau đại học, chuyên khoa sâu, chuyên ngành mới, mũi nhọn, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân.Với định hướng chiến lược đúng đắn, sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các ngành chức năng, tin tưởng rằng trong những năm tới, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngành y tế Ninh Bình sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, có những bước tiến vững chắc, toàn diện hơn, xây dựng nền y tế tỉnh Ninh Bình ngày càng hiện đại, hướng tới công bằng, hiệu quả, vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Đinh Tiến Dũng (UVT.U Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình)