CTXH tại bệnh viện không chỉ có vai trò hỗ trợ bệnh nhân mà còn có tác dụng lớn trong việc hỗ trợ thầy thuốc giảm bớt áp lực công việc cũng như nâng cao hiệu quả điều trị.
Xem hình
Hướng dẫn người bệnh đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Một đòi hỏi cần được quan tâm 

Đứng trước sự thờ ơ, lạnh nhạt để dần đến xa cách, mà không cảm thấy buồn phiền; không cảm thấy nhức nhối con (trái) tim. Đứng trước điều tốt đẹp, những nhân cách cao thượng mà không cảm thấy ngưỡng mộ, cảm phục; không cảm thấy rụng động tâm can. Nguy cơ của căn bệnh vô cảm sẽ gần kéo con người đến với cái chết lâm sàng: bộ não thì vẫn hoạt động nhưng trái tim đã khô cứng ( ngừng đập). Đó là một căn bệnh nguy hiểm biết chừng nào ! Thế rồi căn bệnh đó lại không ngừng lan rộng trong một xã hội bùng nổ công nghệ - thông tin như ngày nay. Ra ngoài đường, chỉ thấy những dòng người đông đúc cố gắng rảo bước thật nhanh, hay trên những tuyến xe bus đông đúc thiếu chỗ vịn tay; còn mấy ai chịu khó đi bộ thư giãn, hay đạp xe vòng quanh những con đường tĩnh mịch, quanh bờ hồ yên ả nữa. Giống như một cỗ máy được lập trình chỉ được thực hiện việc này trong từng giây phút, việc kia trong từng giờ giấc nhất định, phải thật nhanh và thật chính xác, nếu không sẽ bị đào thải. Chính vì phải thật nhanh, thật chuẩn xác, nên còn mấy khi kịp để ý đến xung quanh? Những dòng xe lao vun vút, còn mấy ai để ý đến một cụ già, trẻ em cần qua đường? Những chen lấn trên chiếc xe chật chội, còn mấy ai để ý đến việc nhường ghế cho trẻ nhỏ, cụ già, phụ nữ có thai, cho người mang tật trên mình? Vô cảm xuất phát bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt như thế. Để rồi tiến xa hơn là sự vô cảm trước cái tốt, và vô cảm trước cái xấu trong xã hội. Đó là những cảnh diễn ra trong đời thường, còn khi gặp những lúc ốm đau hoạn nạn thì thật là cần sự dung cảm, suy nghĩ bằng tấm lòng cao thượng, lòng nhân ái qua cử chỉ, nhân cách, sử sự. Trước người bệnh đau đớn thì ngay một nụ cười, một cái nắm tay ấm áp, một cái nhìn trìu mến… thật giá trị trong cuộc sống và nó thật sự có ý nghĩa rất lớn đối với người bệnh. Có lẽ khi là bệnh nhân, ai cũng cần ở người thầy thuốc sự trợ giúp về tâm lý, đó là sự gần gũi, động viên và chia sẻ, sự tận tình chăm sóc giúp đỡ. Đó là một “ thang thuốc” vô cùng quý giá đối với người bệnh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, khi sự “quá tải” về số lượng người bệnh,  áp lực của người thầy thuốc đã khiến cho những “liều thuốc” tinh thần cần có cho người bệnh phần nào bị hạn chế. Vậy nên, nhu cầu đưa công tác xã hội vào lĩnh vực y tế đang là một đòi hỏi cần sự quan tâm, động viên và khuyến khích. Như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã nói: “Đây là một phương pháp giải quyết của nghề Công tác xã hội với những nhân viên Công tác xã hội chuyên nghiệp”.

Thực tế tại các cơ sở y tế hiện nay 

Đến Bệnh viện Bạch Mai vào buổi sáng sớm, gặp cảnh chen lấn xếp hàng chờ khám của người bệnh trong cái nắng gắt gao của mùa hè, cái buốt lạnh của mùa đông. Người dân đến từ nhiều miền quê khác nhau. Nhìn họ vừa mệt mỏi vì bệnh tật vừa ngơ ngác, lạ lẫm tìm nơi đăng ký khám bệnh, thủ tục nhập viện…Có dịp đi qua phố Quán sứ mới mờ sáng, nhưng trong phòng khám Bệnh viện K bệnh nhân đã đông ngịt người, nhân viên phòng khám không ngừng tay phát phiếu, bán sổ y bạ, hướng dẫn người đến khám bệnh. Đông bệnh nhân, mỗi ngày, khoa Khám bệnh, Bệnh viện K đón tiếp hàng ngàn bệnh nhân, trung bình mỗi bác sỹ khám từ 60 - 70 bệnh nhân. Bệnh viện Nhi Trung ương không ít hơn 1.000 lượt bệnh nhi đến khám mỗi ngày và có tới gần 1.000 bệnh nhi nằm điều trị nội trú. Trong số đó có nhiều bệnh nhi hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, có nhiều trường hợp bệnh nặng, phải điều trị nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn không có tiền thuốc thang nên phải xin về, có những bệnh nhi quãng thời gian tuổi thơ gắn với bệnh viện do bệnh mãn tính

Còn nhiều những bệnh viện khác trong cả nước cũng có các bối cảnh quá tải tương tự. Đó là một bức tranh thực tế, mặc dù hệ thống pháp luật, chính sách về y tế đã được ban hành và từng bước được hoàn thiện trong thực tiễn. Cùng với đó là sự  quan tâm đầu tư về cơ sở  vật chất, trang thiết bị và nguồn lực con người góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Trong khi đó, nhu cầu người bệnh thì lớn, khả năng đáp ứng của hệ thống y tế thì có mức độ, tình trạng bệnh tật gia tăng về số lượng và loại bệnh, nhu cầu khám chữa bệnh có chất lượng cao ngày càng lớn, các bệnh viện, cơ sở y tế cũng như nhân viên y tế ở tuyến trên thường quá tải, chi phí thuốc men ngày càng cao, các dịch vụ y tế chưa được liên kết, bệnh nhân hiểu biết về bệnh tật còn hạn chế, các quy định, chế độ chính sách và cách giao tiếp ứng xử đôi khi chưa đúng mực, người bệnh,người thầy thuốc có lúc chưa hiểu nhau… đã gây nên những bức xúc, căng thẳng không đáng có.

Cần thực hiện đồng bộ nhiều phương pháp

Không đơn giản chỉ là biện pháp cứu đói, tặng quà từ thiện hay hỗ trợ kỹ thuật nhân đạo riêng lẻ mà là phương pháp “Trợ giúp người khác tự giúp mình” với mục tiêu giúp họ nhận biết vấn đề, mong muốn giải quyết vấn đề và cùng tham gia vào quá trình giải quyết vấn đề nhằm hướng tới sự phát triển hài hoà hơn, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn. Do vậy việc đưa CTXH vào lĩnh vực y tế là hết sức cần thiết. Tất cả những vấn đề trên sẽ được cải thiện nếu có sự tham gia của những người làm CTXH tại các bệnh viện.

Những năm gần đây, tại một số bệnh viện tuyến Trung ương cũng đã triển khai hoạt động CTXH với sự tham gia của  đội ngũ nhân viên y tế kiêm nhiệm và tình nguyện viên nhằm hỗ trợ thày thuốc trong phân loại bệnh nhân, tư vấn, giới thiệu dịch vụ chuyển tiếp, hỗ trợ chăm sóc cho người bệnh… góp phần làm giảm bớt khó khăn trong quá trình tiếp cận và sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh, hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như làm gia tăng sự hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ Y tế. 

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, năm 2008, Tổ CTXH của Bệnh viện được thành lập. Với hoạt động giúp đỡ, chia sẻ với bệnh nhân; trợ giúp bác sỹ trong khám, chữa bệnh; theo dõi, chăm sóc bệnh nhân nhi mắc bệnh hiểm nghèo; gây quỹ; tổ chức các sự kiện… Tổ CTXH đã góp phần xoa dịu nỗi đau bệnh tật của bệnh nhi, trợ giúp đắc lực cho bác sỹ, tạo ra mối thiện cảm, sự gắn kết giữa bệnh nhân - cơ sở y tế - người nhà bệnh nhân qua 2 năm hoạt động Tổ đã kêu gọi được gần 3 tỷ đồng mua trang thiết bị cho bệnh viện; xây dựng được 2 sân chơi trong bệnh viện, kêu gọi các nhà hảo tâm giúp người nghèo là bệnh nhân hơn 100.000 bữa ăn và 200 xuất cháo miễn phí; tổ chức biểu diễn văn hoá, văn nghệ phục vụ bệnh nhân 2 tháng/lần; tặng quà, động viên bệnh nhi… Các nhân viên CTXH đã nỗ lực tham gia vào tiến trình chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân nhỏ tuổi. Họ trở thành cầu nối giữa người bệnh và cán bộ y tế, tích cực vận động xã hội chung tay góp phần chia sẻ để vơi đi nỗi đau về thể xác, đem lại cho các em những niềm vui, những nụ cười, trợ giúp để giảm bớt những khó khăn với gia đình các cháu bé đang điều trị. Từ thực tế hoạt động của Tổ CTXH tại Bệnh viện nhi TW đã có tác dụng và hiệu quả tốt trong việc khám chữa bệnh và là chỗ dựa cho bệnh nhân trong khám điều trị và chữa bệnh.

CTXH tại bệnh viện không chỉ có vai trò hỗ trợ bệnh nhân mà còn có tác dụng lớn trong việc hỗ trợ thầy thuốc giảm bớt áp lực công việc cũng như nâng cao hiệu quả điều trị. Với áp lực công việc nặng nề dẫn đến ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình khám, chữa bệnh cho nhân dân, nếu có sự tham gia của nhân viên CTXH hoặc cán bộ y tế được trang bị tốt kỹ năng CTXH sẽ làm tăng sự hài lòng của người bệnh, khiến họ tuân thủ điều trị và chất lượng khám chữa bệnh sẽ được tăng lên.

CTXH cũng cần được phát triển rộng rãi ở các cơ sở y tế, nhất là tuyến dưới, qua đó góp phần giảm tải cho tuyến trên, nhằm mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Bs. Nguyễn Đình Đức - Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh