Ngành Dân số – KHHGĐ tỉnh Ninh Bình được thành lập sau khi tái lập tỉnh, đến nay đã được 20 năm, nhìn lại 20 năm liên tục kiên trì, bền bỉ, phấn đấu xây dựng và trưởng thành, công tác DS-KHHGĐ của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đã góp phần không nhỏ vào thành tựu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Xem hình
Chị em phụ nữ tìm hiểu kiến thức Dân số – KHHGĐ

Đi lên từ điểm xuất phát thấp, là ngành của tỉnh mới được thành lập, trải qua nhiều lần thay đổi bộ máy tổ chức, cụ thể: giai đoạn 1992-2001 là Uỷ ban Dân số – KHHGĐ; giai đoạn 2001-2008 hợp nhất với Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em thành Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em; giai đoạn 2008 đến nay giải thể uỷ ban, sát nhập về ngành Y tế, Chi cục Dân số – KHHGĐ được thành lập với chức năng, nhiệm vụ là một cơ quan quản lý nhà nước về công tác Dân số - KHHGĐ của tỉnh. Bên cạnh việc thay đổi bộ máy tổ chức, đặc điểm tình hình dân số, địa lý tỉnh Ninh Bình mang tính chất đặc thù: có cả 3 vùng địa lý đồng bằng, trung du và ven biển; mật độ dân số cao, có đông đồng bào theo đạo thiên chúa, tập quán sinh đẻ lạc hậu, tỷ lệ sinh và sinh con thứ 3 trở lên cao.

Với tầm nhìn chiến lược, vì mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, trong thời gian qua công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình của tỉnh Ninh Bình luôn được cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, chúng ta đã triển khai và thực hiện nghiêm túc các văn bản, chỉ thị, nghị quyết của trung ương đến tận cơ sở. Một số văn bản được thể chế hoá theo tình hình cụ thể của tỉnh, một số văn bản, nghị quyết được xây dựng các chương trình hành động ở tất cả các cấp. Hàng năm có kiểm điểm, đánh giá những việc đã làm được, những việc chưa làm được để tiếp tục chỉ đạo cho những năm sau.

          + Chúng ta đã triển khai thực hiện tốt chương trình thông tin, giáo dục, truyền thông chuyển đổi hành vi đồng bộ ở tất cả các kênh, đã chú trọng và mở rộng kênh truyền thông trực tiếp như tư vấn nhóm nhỏ, đối thoại trực tiếp… bên cạnh đó truyền thông đại chúng được đẩy mạnh. Chính việc thực hiện tốt chương trình truyền thông giáo dục nên nhận thức của người dân về dân số, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình được nâng lên rõ rệt. Mô hình gia đình có 2 con được đông đảo nhân dân chấp nhận.

          + Hàng năm chúng ta đã mở 2 đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ kế hoạch hoá gia đình trên quy mô toàn tỉnh. Chiến dịch đã thu hút hàng vạn người dân tham gia. Đây thực sự là giải pháp mạnh, mang tính đột phá để đạt được mục tiêu giảm sinh và giảm sinh con thứ 3 trở lên.

          + Bên cạnh chiến dịch truyền thông, chúng ta đã mở rộng được hệ thống cung cấp dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, đa dạng hoá các phương tiện tránh thai. Hệ thống cung cấp dịch vụ được triển khai thường xuyên tới cấp xã, phường, thị trấn. Đồng thời trong quá trình cung cấp dịch vụ đã đảm bảo an toàn, thuận tiện cho đối tượng sử dụng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, do đó số người sử dụng các biện pháp tránh thai ngày một tăng (năm 2011, đã đạt 78% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có chồng áp dụng các biện pháp tránh thai) góp phần thực hiện mục tiêu giảm sinh.

          + Công tác tổ chức bộ máy thực hiện chương trình dân số luôn được củng cố và kiện toàn, đặc biệt là sau khi thực hiện nghị quyết của Quốc hội khoá 12 giải thể ngành dân số, bộ máy làm công tác dân số cấp tỉnh và huyện nhanh chóng được kiện toàn và củng cố, sớm đi vào hoạt động giúp việc đắc lực cho ban chỉ đạo công tác Dân số - Kế hoạch hoá gia đình và cấp uỷ, chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo điều hành các nội dung hoạt động của chương trình. Nhờ đó mà hàng năm luôn đạt và vượt chỉ tiêu của trung ương và tỉnh giao cho.

 Trong những năm qua công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình của tỉnh đã đạt được những kết quả rất phấn khởi. Các chỉ tiêu về tỷ lệ sinh và mức sinh liên tục giảm. Tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chấp nhận và sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại tăng nhanh. Cơ cấu sử dụng các biện pháp tránh thai đang có sự thay đổi theo hướng đa dạng hoá, thuận tiện cho người có nhu cầu chăm sóc sức khoẻ sinh sản, áp dụng các biện pháp tránh thai nhằm kế hoạch hoá gia đình. Phong trào chăm sóc sức khoẻ sinh sản – kế hoạch hoá gia đình phát triển rộng khắp, nhiều mô hình, câu lạc bộ không sinh con thứ 3, câu lạc bộ gia đình hạnh phúc; các nhóm giúp nhau chăm sóc sức khoẻ sinh sản/kế hoạch hoá gia đình và tăng thu nhập… phát huy hiệu quả và đang được nhiều người hưởng ứng tích cực. Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế, tỷ suất sinh thô giảm từ 26,42 %o năm 1992 xuống 13,78%o năm 2010, số con trung bình của một phụ nữ giảm từ 3,5con năm 1992 giảm xuống 1,91 con năm 2011 (toàn tỉnh đạt mức sinh thay thế =2,1 con/phụ nữ vào năm 2002), tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm từ 30,8% năm 1993 xuống 12,1% năm 2011. Chất lượng dân số từng bước được cải thiện thông qua việc triển khai thực hiện các đề án nâng cao chất lượng giống nòi… Những kết quả trên là thành quả của toàn Đảng, toàn dân trong tỉnh, trong đó có sự đóng góp có hiệu quả của đội ngũ cán bộ dân số từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là đội ngũ cộng tác viên, chuyên trách dân số ở cơ sở. Những kết quả của công tác Dân số - Kế hoạch hoá gia đình đã góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao mức sống của nhân dân.

Với những kết quả trên chúng ta đã được Chính phủ tặng thưởng 02 huân chương lao động, cờ thi đua, các cấp chính quyền tặng thưởng nhiều bằng khen, cờ thi đua cho các tập thể và cá nhân thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ. Ngày 30 tháng 8 năm 2006, Chủ tịch nước Cộng hoã xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định khen thưởng thuởng Huân chương Lao động hạng nhất cho Uỷ ban DS,GĐ&TE tỉnh Ninh Bình. Đây là phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước ghi nhận sự phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình trong thời gian qua, góp phần nâng cao chất lượng dân số đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp hiện đại hoá - công nghiệp hoá đất nước. Đồng thời những phần thưởng trên chính là sự khẳng định kết quả hoạt động tích cực của đội ngũ cán bộ, chuyên trách, cộng tác viên dân số các cấp. Đội ngũ cán bộ dân số, y tế các cấp luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, không quản ngại ngày đêm, miệt mài vận động, tư vấn, cung cấp dịch vụ có chất lượng cho những người có nhu cầu chăm sóc sức khoẻ sinh sản/ kế hoạch hoá gia đình KHHGĐ.

         Mặc dù đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng hiện tại và tương lai công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của tỉnh ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả về quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số. 

          Về quy mô dân số: Tỉnh Ninh Bình có quy mô dân số hơn 900 nghìn người, mật độ dân số gÇn 660 người/km2, cao gấp 2,5 lần so với mật độ dân số trung bình của cả nước. Tỉnh Ninh Bình thuộc nhóm các tỉnh có tỷ suất sinh thấp so với cả nước, tuy nhiên kết quả giảm sinh này chưa thực sự vững chắc, trong vòng 10-15 năm tới, số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ và trong độ tuổi này hàng năm vẫn rất lớn do hệ quả của mức sinh cao những năm 1980-1990.

       Về cơ cấu dân số: chúng ta đang bước vào giai đoạn cơ cấu dân số vàng với nguồn nhân lực dồi dào là nhân tố thuận lợi cho phát triển kinh tế, tuy nhiên nó cũng tạo ra những thách thức về việc làm, giáo dục và an sinh xã hội. Tỷ lệ người > 60 tuổi ngày càng tăng, đây cũng là một thách thức không nhỏ trong những năm tới về các vấn đề an sinh xã hội đối với người cao tuổi. Trong mấy năm gần đây, tỷ số giới tính khi sinh của Ninh Bình tăng nhanh và liên tục, theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở 1/4/1999 Ninh Bình thuộc nhóm các tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh mức thấp (<107) nhưng đến 1/4/2009 Ninh Bình thuộc nhóm có tỷ số giới tính cao (107-115); mặc dù chúng ta đã có nhiều biện pháp được tiến hành nhưng chưa thể khống chế và giải quyết được tình trạng gia tăng này trong thời gian ngắn, nguyên nhân chính là do tư tưởng trọng nam hơn nữ của đất nước á đông vẫn tồn tại trong xã hội.

          Về chất lượng dân số: Chỉ số phát triển con người (HDI) của tỉnh Ninh Bình và cả nước đang từng bước được cải thiện nhưng vẫn nằm trong nhóm các nước có chỉ số phát triển con người ở mức trung bình, thấp hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực. Mặc dù tuổi thọ bình quân đạt mức khá cao là 72,8 tuổi năm 2009, nhưng tuổi thọ bình quân khỏe mạnh chỉ đạt 66 tuổi. Môi trường sống không đảm bảo, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước đang là vấn đề nan giải.

         Vì vậy, để công tác Dân số – KHHGĐ tiếp tục đạt được những kết quả tốt đẹp hơn nữa, đòi hỏi trong thời gian tới chúng ta phải tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình dân số, triển khai và thực hiện có hiệu quả Chiến lược Dân số giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chú trọng các giải pháp, đề án nâng cao chất lượng dân số, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức thấp nhất theo đề án đã xây dựng.

       Sự nghiệp Dân số – KHHGĐ là một vấn đề chiến lược quốc gia, liên quan mật thiết đến sự phát triển kinh tế, văn hoá và đời sống vật chất, tinh thần của toàn xã hội và mỗi gia đình. Trong thời gian tới, ngành Dân số – KHHGĐ mong rằng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, Chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, các đoàn thể, các tổ chức kinh tế - xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác Dân số – KHHGĐ trong thời gian tới./.

Bs. Lưu Danh Cung- Phó giám đốc Sở Y tế , kiêm Chi cục trưởng Chi cục DS/KHHGĐ

 

 

Tác giả: Bs. Lưu Danh Cung- Phó giám đốc Sở Y tế ,