Thời tiết nắng, nóng của mùa hè làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải, đặc biệt là ở trẻ em, dễ dẫn đến mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa. Đồng thời, thời tiết nắng nóng cũng làm cho thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, dễ nhiễm nấm và vi khuẩn, là nguyên nhân gây bệnh về đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, khi chống nóng bằng biện pháp bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp lại gây nên nhiễm lạnh, viêm phổi…
Xem hình

Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Sơn, khoa cấp cứu nhi những ngày nắng nóng luôn quá tải, tình trạng trẻ cấp cứu và nhập viện điều trị diễn ra thường xuyên, tăng gấp nhiều lần so với bình thường. Chị Phạm Thị Thu Hiền, xã Lưu Phương (Kim Sơn) chia sẻ, bé nhà chị 13 tháng tuổi, được chẩn đoán bệnh viêm phế quản với các triệu chứng sốt, ho. Sau khi điều trị gần 1 tuần tại bệnh viện, bé cơ bản khỏi bệnh, đã ăn uống được, không còn quấy khóc nữa. Chị Hiền cho biết, chị cũng đã thực hiện nghiêm túc việc tiêm chủng đầy đủ các mũi phòng chống bệnh cho bé, tuy nhiên, thời tiết khắc nghiệt và thay đổi liên tục với nắng nóng và mưa rào, nền nhiệt độ thay đổi nhanh rất dễ gây bệnh viêm đường hô hấp cho trẻ...

Bác sĩ Cao Tiến Bảo, Phụ trách Khoa Cấp cứu nhi, Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Sơn cho biết: Vào mùa nắng nóng, các bệnh truyền nhiễm rất dễ phát sinh, phát triển, như viêm đường hô hấp trên, bệnh về đường tiêu hóa, tay chân miệng, sốt do nhiều nguyên nhân... Những ngày nắng nóng, Khoa Cấp cứu nhi luôn phải sử dụng vượt công suất giường bệnh trên dưới 200%, thời điểm cao nhất có đến 70 bệnh nhân nằm điều trị tại khoa. Để hạn chế trẻ em mắc bệnh truyền nhiễm mùa hè, cần giữ ấm cổ cho trẻ tránh gió đông nam, trong ăn uống phải vệ sinh sạch sẽ thức ăn, dụng cụ, thực hiện ăn chín uống sôi, tăng cường rau xanh, thịt các loại để trẻ khỏe mạnh, có sức đề kháng với bệnh tật...

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm 2019, nhất là từ đầu tháng 5 đến nay, mặc dù tại một số địa phương trong cả nước đã xuất hiện và bùng phát một số bệnh dịch nguy hiểm, thậm chí gây tử vong như: Sởi, tay chân miệng, quai bị, thủy đậu, tiêu chảy... và tại tỉnh Ninh Bình cũng đã xuất hiện rải rác các ca bệnh kể trên. Tuy nhiên, tỉnh ta vẫn là địa bàn an toàn trong công tác phòng, chống các loại dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Kết quả giám sát bệnh truyền nhiễm cho thấy, các Trung tâm y tế đã giám sát thường xuyên các bệnh truyền nhiễm, chủ động phòng chống dịch bệnh theo mùa, đặc biệt là các bệnh dịch trong mùa nắng nóng... từ đó không để xuất hiện và lây lan các loại bệnh dịch nguy hiểm, đặc biệt chưa xuất hiện ổ dịch bệnh nào. Theo đó, trong thời gian 20 ngày (từ 1/5 đến ngày 20/5), trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số bệnh dịch và có chiều hướng gia tăng, lây lan nhanh như: Cúm các loại, gần 3,2 nghìn ca; tiêu chảy, có 1,2 nghìn ca; thủy đậu là 215 ca; lao phổi có 93 ca; quai bị là 75 ca; sởi là 18 ca; sốt xuất huyết Dengue có 12 ca; tay chân miệng là 29 ca... Như vậy, các loại bệnh đang có chiều hướng gia tăng và có nguy cơ lây lan thành dịch là: Sốt xuất huyết Dengue, thủy đậu, quai bị, sởi... và là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dễ gây biến chứng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Dự báo thời gian tới, nắng nóng tiếp tục lây lan diện rộng và diễn biến phức tạp, nhiều bệnh dịch phát sinh và phát triển, tình hình dịch bệnh và các bệnh nguy hiểm, mới nổi luôn có nguy cơ cao xâm nhập vào Việt Nam. Để triển khai tốt công tác dự phòng, phát hiện sớm các loại dịch bệnh trong mùa nắng nóng năm 2019, chủ động trong công tác điều trị, giảm thiểu những ảnh hưởng của dịch bệnh tới sức khỏe cộng đồng, UBND tỉnh ban hành văn bản số 191, ngày 14/5/2019 yêu cầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, các huyện, thành phố kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người, tăng cường công tác chỉ đạo và thường xuyên nắm tình hình, có biện pháp phòng chống dịch kịp thời; đặc biệt chú trọng đến các bệnh dịch như sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả và các dịch bệnh mùa bão lụt. Đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành có sự tham gia của chính quyền để đôn đốc công tác phòng chống dịch ở các khu vực có ổ dịch truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm cũ; kiểm tra công tác vệ sinh phòng bệnh tại các nhà trường, nhất là các trường tiểu học, mầm non, nhóm lớp mầm non tư thục, các hộ trông trẻ tại gia đình. Tổ chức chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, loăng quăng phòng chống bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết”...

Hiện nay, các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh vẫn được theo dõi và trong tầm kiểm soát, nhưng thời tiết nắng nóng kèm theo mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho các loại bệnh này có thể phát triển và gây bệnh. Thêm vào đó, mùa hè là thời gian gia tăng hoạt động đi lại, du lịch, buôn bán, vận chuyển gia cầm cũng làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh truyền nhiễm như cúm gia cầm, sốt xuất huyết, thủy đậu, quai bị, viêm não... Để chủ động phòng tránh bệnh mùa nắng nóng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp như: Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng. Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng. Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người. Cùng với đó, thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh... Thêm vào đó, người dân cũng cần chủ động và thực hiện đầy đủ lịch tiêm chủng các bệnh truyền nhiễm đã có vắc xin phòng chống theo quy định.