Thời gian qua, hai hoạt động mà ngành Dân số-KHHGĐ tỉnh đã và đang triển khai nhằm nâng cao chất lượng giống nòi là: Sàng lọc trước sinh và sơ sinh, Tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Đây là việc làm khoa học, đảm bảo đầu vào của dân số có chất lượng tốt, nhằm đảm bảo hạnh phúc lứa đôi, bảo vệ giống nòi, hạnh phúc gia đình và sự phát triển bền vững của Quốc gia.

Trước đây, theo quan niệm người Việt, khi kết hôn họ thường quan tâm đến vấn đề gia đình, đạo đức, trình độ, tâm tính, ít khi nhìn thẳng vào những vấn đề có liên quan, chi phối trực tiếp đến đời sống hôn nhân đó là sức khỏe của người bạn đời và năng lực tình dục.

Trong thực tế, khám sức khỏe tiền hôn nhân (THN) chưa được người dân quan tâm nên đã có không ít người, đặc biệt là phụ nữ đã âm thầm chịu nỗi đau vô sinh, hiếm muộn, con cái bị dị tật bẩm sinh, tâm thần, bản thân bị lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục như viêm gan B, lậu, giang mai, HIV/AIDS từ người chồng. Những khiếm khuyết ấy trong cơ thể, những căn bệnh truyền nhiễm trên đã có thể được phát hiện nếu được khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Tư vấn, kiểm tra sức khỏe THN là việc làm khoa học giúp các cặp dự định kết hôn những kiến thức về SKSS và tâm lý đúng cho cuộc sống vợ chồng sau này, biết được những bệnh tật cần tránh như bệnh nhiễm trùng, bệnh về gen..., hiểu rõ tình trạng sức khỏe của nhau để cân nhắc, quyết định việc kết hôn, việc có nên sinh con hay không, nếu sinh con thì cần phải làm những gì để hạn chế tối đa những nguy cơ, những rủi ro có thể xảy ra. Phòng tránh và điều trị sớm (nếu có) một số bệnh tật có thể ảnh hưởng về vấn đề tình dục, mang thai, sinh đẻ về sau và thực hiện sinh đẻ có kế hoạch một cách hiệu quả nhất. Mô hình khám sức khỏe THN được triển khai trên địa bàn tỉnh bắt đầu từ năm 2011 tại 73 xã, phường của 8 huyện, thành phố, thị xã đã nhận được sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của các nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm thanh, thiếu niên.

Theo đánh giá của Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh, hoạt động này khá mới mẻ đối với nhiều người dân nhưng thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của các nhóm đối tượng tiền hôn nhân, lãnh đạo Đảng, chính quyền và nhân dân về ý nghĩa, lợi ích việc khám sức khỏe THN. Từ đó đến nay, toàn tỉnh đã cung cấp thông tin, kiến thức cho 582 người tham dự; thành lập được 59 CLB "Tiền hôn nhân" với hơn 2.000 thành viên; thực hiện 133 cuộc nói chuyện với 4.917 phụ huynh; tổ chức 121 cuộc cung cấp, phổ biến kiến thức cho 5.694 đối tượng THN.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa có phòng chuyên khám sức khỏe THN, nhưng các cặp chuẩn bị kết hôn có thể khám tổng quát, xét nghiệm máu, khám cơ quan sinh dục ngoài và trong tại các cơ sở y tế, bệnh viện.Sàng lọc trước sinh (SLTS) là một kĩ thuật thực hiện nhằm phát hiện và can thiệp sớm các dị tật bẩm sinh, bệnh lí di truyền, bệnh lý nội tiết và bệnh lý chuyển hóa. Qua đó, bác sĩ có hướng xử trí và điều trị sớm, giảm thiểu số lượng thai kỳ dị tật bẩm sinh, rối loạn di truyền để cho ra đời các công dân khỏe mạnh. Còn sàng lọc sơ sinh (SLSS) là kĩ thuật lấy máu gót chân nhằm phát hiện các chứng rối loạn chuyển hóa để can thiệp kịp thời trong giai đoạn chưa có các biểu hiện lâm sàng, để trẻ có thể phát triển bình thường cả về thể chất lẫn trí tuệ.

Chương trình này được triển khai trên địa bàn tỉnh bắt đầu từ năm 2007. Đến hết năm 2011, đề án đã được triển khai tại 8/8 huyện, thành phố, thị xã và 146/146 xã, phường, thị trấn. Hiện toàn tỉnh đã có 11 bác sĩ siêu âm được đào tạo chương trình siêu âm SLTS, trong đó có 3 bác sĩ ở tuyến huyện (Kim Sơn, Yên Khánh và Yên Mô), đã có trên 17.000 bà mẹ thực hiện siêu âm trước sinh, trong đó năm 2011 là 6.515 ca, phát hiện 100 trường hợp bất thường, chỉ định 7 trường hợp chấm dứt thai kỳ. Đào tạo kỹ thuật lấy máu xét nghiệm SLSS cho bác sĩ, nữ hộ sinh các khoa sản tuyến tỉnh, huyện và nữ hộ sinh của 100% Trạm y tế xã trong tỉnh. Đến năm 2011 có 99/146 xã, phường, thị trấn thực hiện việc lấy mẫu máu SLSS với 9.931 mẫu máu SKSS gủi về Trung tâm sàng lọc Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Riêng năm 2011, toàn tỉnh lấy được 4.968 mẫu máu, đạt 38,8% so với số trẻ sơ sinh, trong các mẫu máu lấy được có 316 mẫu bị nghi ngờ thiếu men G6PD, có 19 cháu bị thiếu men G6PD nhẹ đã được Bệnh viện Nhi Trung ương tư vấn và điều trị.

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, trong địa bàn triển khai Đề án đảm bảo 90% cán bộ y tế, dân số tham gia chương trình có kỹ năng tuyên truyền, tư vấn về SLTS, SLSS, có ít nhất 80% bà mẹ mang thai được tuyên truyền, tư vấn về SLTS, SLSS, 100% số xã trong tỉnh được triển khai SLSS, 60% phụ nữ mang thai tại các huyện triển khai Đề án được SLTS, 60% số trẻ sơ sinh tại các xã triển khai Đề án được SLSS... rất cần sự quan tâm, ủng hộ đề án của các cấp đối với Đề án và sự tham gia tích cực các hoạt động và thực hiện đề án một cách tự nguyện của nhân dân.