Qua 5 năm thực hiện chiến lược quốc gia về dinh dưỡng và kế hoạch hành động nuôi dưỡng trẻ nhỏ giai đoạn 2006 – 2010, công tác phòng chống suy dinh dưỡng tại tỉnh ta đã thu được nhiều kết quả tích cực: Kiến thức dinh dưỡng của cộng đồng đã được nâng cao, hành vi chăm sóc bà mẹ mang thai, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ của bà mẹ và người nuôi trẻ đã được thay đổi.
Xem hình
Thực hành tô mầu bát bột tại Trạm Y tế xã Khánh Thịnh huyện Yên Mô

Để có được những kết quả đó Ban chỉ đạo phòng chống suy dinh dưỡng tỉnh đã giao cho ngành Y tế phối hợp với các cấp uỷ Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể triển khai đồng bộ nhiều hoạt động tại cộng đồng như: Tổ chức tập huấn về kỹ năng triển khai chương trình cho cán bộ giám sát tuyến huyện, cán bộ chuyên trách tuyến xã và cộng tác viên dinh dưỡng với tổng số hơn 1000  học viên tham gia;chỉ đạo các  trạm y tế tổ chức các buổi  truyền thông trực tiếp hướng dẫn thực hành dinh dưỡng cho các bà mẹ ngay tại xã, phường; khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ, bổ sung Vitamin A và tẩy giun định kỳ cho trẻ, giám sát tình trạng dinh dưỡng trẻ em; phối hợp, lồng ghép các buổi sinh hoạt để tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về cách chăm sóc nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Ban chỉ đạo phòng chống suy dinh dưỡng các cấp thường xuyên tổ chức truyền thông giáo dục sức khỏe bằng nhiều hình thức phong phú, nội dung tập trung chủ yếu vào việc hướng dẫn thực hiện “10 lời khuyên dinh dưỡng”, “ 8 hoạt động dinh dưỡng tại gia đình”, chăm sóc bà mẹ trong thời kỳ mang thai, nuôi con bằng sữa mẹ và tổ chức bữa ăn hợp lý bằng các thực phẩm sẵn có tại địa phương.  

Song song với các hoạt động đó, hàng năm ngành y tế tổ chức“ ngày vi chất dinh dưỡng“, “Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển” và cấp các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ suy dinh dưỡng tại các xã, phường với số lượng là 1619 kg bột và bánh vi chất dinh dưỡng, 2400 hộp đạm cóc, gần 10.000 vỉ men tiêu hoá, hàng trăm nghìn viên sắt và viên đa vi chất cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Công tác theo dõi tăng trưởng của trẻ dưới 5 tuổi được cộng tác viên dinh dưỡng cùng các bà mẹ cân đo, trẻ sơ sinh được theo dõi cân nặng ngay sau khi sinh và được theo dõi bằng biểu đồ tăng trưởng; ngoài biểu đồ theo dõi cân nặng, các địa phương đã triển khai thêm biểu đồ theo dõi chiều cao tương ứng với độ tuổi. Toàn bộ trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh được cân đo vào “tháng hành động vì trẻ em ”và “ngày vi chất dinh dưỡng 1- 2 /6”; qua đó biết được tình trạng của trẻ để có chế độ chăm sóc và dinh dưỡng hợp lí.

Bằng những hoạt động trọng tâm và phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Công tác chăm sóc sức khoẻ, đặc biệt là chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ trẻ em không còn là nhiệm vụ riêng của y tế, công tác phòng chống suy dinh dưỡng đã được cộng đồng xã hội và các cấp chính quyền rất quan tâm. Tỷ lệ suy dinh dưỡng mỗi năm trung bình giảm 1.3 % năm, đạt kế hoạch đề ra. Công tác chăm sóc sức khoẻ trẻ em nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực, kiến thức chăm sóc dinh dưỡng, phòng bệnh, và tự chăm sóc bản thân, dinh dưỡng đúng, hợp lý được mọi người trong cộng đồng hưởng ứng.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được,  công tác phòng chống suy dinh dưỡng tại Ninh Bình vẫn còn nhiều khó khăn thách thức. Theo thống kê, toàn tỉnh có tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi theo cân nặng trên tuổi bị SDD nhẹ cân còn 21%, tỷ lệ SDD chiều cao trên tuổi còn ở mức cao là 32,4%, nguy cơ trẻ bị béo phì và mắc bệnh mãn tính trong tương lai sẽ cao. Nguyên nhân một phần là do nhận thức của người dân còn hạn chế, nhiều bà mẹ còn e dè khi tiếp cận với các kiến thức như làm mẹ an toàn, nuôi con bằng sữa mẹ và thiếu kỹ năng thực hành dinh dưỡng bổ sung cho trẻ. Mặt khác, do địa bàn rộng nên việc tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao của người dân nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển còn rất nhiều khó khăn; bên cạnh đó tình hình  kinh tế các vùng chưa đồng đều, đời sống người dân nông thôn còn nhiều khó khăn, nhiều gia đình không có điều kiện chăm lo cho con cái, nhất là trong việc cải thiện bữa ăn hàng ngày; hoàn cảnh kinh tế và thời gian làm việc của người mẹ đã ảnh hưởng rất lớn đến việc nuôi con, một bộ phận người dân nhất là ở vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào công giáo vẫn còn bị các tập quán lạc hậu ràng buộc. Công tác tuyên truyền, vận động cũng gặp nhiều khó khăn, kỹ năng truyền thông tư vấn, hướng dẫn thực hành dinh dưỡng của đội ngũ cộng tác viên còn hạn chế  nên hiệu quả hoạt động chưa cao;  nội dung truyền thông ở một số nơi chưa  phù hợp với phong tục, tập quán địa phương.

Để công tác phòng, chống SDD trẻ em có hiệu quả bền vững, cần có sự tham gia của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng chung tay góp sức triển khai một cách đồng bộ các biện pháp phát triển kinh tế, giảm đói nghèo; đặc biệt là hỗ trợ mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình làm VAC. Bên cạnh đó cần tăng cường tuyên truyền vận động và thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng về SDD trẻ em bằng nhiều hình thức với các nội dung thiết thực; hướng dẫn người dân nông thôn cách chế biến bữa ăn hàng ngày, tăng cường cải thiện dinh dưỡng cho trẻ bằng các nguồn thực phẩm sẵn có của gia đình. Công tác DS-KHHGĐ cần được triển khai tốt hơn nữa, hạn chế tình trạng sinh đông con và điều chỉnh khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp để trẻ em có điều kiện được chăm sóc tốt hơn. Đồng thời, đội ngũ cộng tác viên y tế ở các xã, thôn cần được tăng cường về số lượng và đào tạo về chuyên môn để đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống SDD trên địa bàn./.

 

Tác giả: Kim Liên Trung tâm TTGDSK