“Viêm gan siêu vi B và C – khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành lâm sàng” - Là chủ đề của Hội thảo khoa học do Hội Gan mật TP.HCM phối hợp với công ty Roche tổ chức vào ngày 6/10/0212. Hội thảo có sự tham dự của hơn 200 bác sĩ khoa nhiễm, khoa nội tiêu hóa gan mật từ các Bệnh viện đa khoa, Trung tâm tiêu hóa gan mật tại TP. HCM, Hà Nội và một số tỉnh thành của cả nước
Xem hình

Theo GS BS Phạm Hoàng Phiệt, Chủ tịch Hội Gan mật TP. HCM, Việt Nam là vùng dịch tễ của 2 căn bệnh Viêm gan siêu vi (VGSV) B và C, việc chẩn đoán và theo dõi điều trị 2 bệnh lý này còn gặp rất nhiều khó khăn trên thực tế lâm sàng.

Trong các loại VGSV thì VGSV B là loại virus gây viêm gan nghiêm trọng nhất, bởi diễn tiến sang xơ gan, ung thư gan và hậu quả tử vong chiếm tỉ lệ cao nhất. Đối với VGSV B, mặc dù đã có vaccin phòng bệnh, nhưng nhiễm VGSV B vẫn là bệnh phổ biến ở Việt Nam và trên Thế giới. Nhấn mạnh trong phần báo cáo chuyên đề “Những khó khăn và thách thức trong điều trị VGSV B mạn tính”, theo TS BS Phạm Thị Lệ Hoa – Đại học Y Dược TP. HCM, VGSV B diễn tiến âm thầm, khó chẩn đoán nếu không có xét nghiệm và quá trình điều trị vô cùng khó khăn, càng lúc càng đa dạng, cá thể hóa và mục đích cuối cùng của điều trị VGSV B là ngăn ngừa xơ gan và ung thư gan.

Trong báo cáo chuyên đề “Những thử thách trong điều trị viêm gan siêu vi C tại Việt Nam”, TS BS Phạm Thị Thu Thủy – Trung tâm Medic TP. HCM cũng đã có những kết luận: ngày càng có nhiều phương tiện cận lâm sàng giúp cho tiên lượng điều trị VGSV C càng rõ ràng và xu hướng cá nhân hóa trong điều trị VGSV C.

Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham gia báo cáo của GS BS Teerha Piratvisuth – Đại học Prince of Songkla, Hat Yai, Thái Lan, ông đã khẳng định: VGSV C là một vấn đề lớn của khu vực Châu Á Thái Bình Dương và hiện tại điều trị VGSV C dựa trên đáp ứng với Peg-IFN/ribavirin vẫn là điều trị chuẩn ở Châu Á Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Peg-IFN cũng là lựa chọn hợp lý trong điều trị VGSV B mạn tính.