Theo báo cáo của Bộ Y tế đến hết tháng 9, cả nước có hơn 103 nghìn trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng (TCM), trong đó 41 trường hợp tử vong.

So với cùng kỳ năm trước, số ca mắc tăng 81,5%, riêng tháng 9 cũng có số ca mắc cao nhất từ đầu năm đến nay. Các chuyên gia y tế lo ngại dịch TCM tăng mạnh đúng vào thời điểm bắt đầu năm học mới, các trường học dễ trở thành điểm nóng về nguy cơ bùng phát dịch.

Tại Hà Nội, tính đến hết tháng 9- 2012, ghi nhận 3.444 trường hợp mắc bệnh TCM tại 29 quận, huyện và không có trường hợp tử vong. Tuy nhiên, riêng tuần cuối tháng 9 đã ghi nhận được 124 trường hợp mắc bệnh. Hiện nay bệnh TCM đang có xu hướng tăng ở các huyện thuộc khu vực ngoại thành. Ðặc biệt, tỷ lệ trẻ em dưới năm tuổi mắc bệnh TCM trên địa bàn thành phố chiếm khoảng 96% tổng số ca mắc. Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội TS Nguyễn Nhật Cảm cho biết: Trước diễn biến phức tạp của bệnh TCM, đồng thời chủ động trong công tác phòng, chống dịch, ngành y tế Hà Nội đã thực hiện kiểm tra, giám sát, lấy mẫu tại 17 bệnh viện trực thuộc các bộ, ngành, 40 bệnh viện do thành phố quản lý, các trạm y tế trên địa bàn trong việc theo dõi, phát hiện, điều trị bệnh TCM. Thành phố cũng đã thành lập năm đội cơ động phòng, chống bệnh TCM trực thuộc Trung tâm Y tế Dự phòng; tại mỗi quận, huyện thành lập từ một đến hai đội cơ động. Các đội cơ động được trang bị đầy đủ phương tiện, trang thiết bị, cơ số thuốc thiết yếu nhằm hỗ trợ các địa phương khi có ổ dịch và thực hiện chế độ trực 24/24 giờ.

Do bệnh TCM chủ yếu ở trẻ dưới năm tuổi, nên nguy cơ lây bệnh trong các trường mầm non là rất cao, cho nên hai ngành y tế Hà Nội, giáo dục và đào tạo phối hợp tập huấn cho 100% số cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, cán bộ y tế trong các trường mầm non công lập, dân lập về các biện pháp phòng, chống bệnh TCM. Cán bộ các trường được trang bị kiến thức về phát hiện các dấu hiệu của bệnh, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường... Qua đó, các trường đã chủ động phối hợp các đơn vị y tế trong việc kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh TCM; cũng như thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, lau chùi sàn nhà, vật dụng bằng hóa chất... Ðến thời điểm này, nhiều trường đã đầu tư các thiết bị vệ sinh, cung cấp xà-phòng đầy đủ cho giáo viên, học sinh sử dụng hằng ngày.

Tại TP Hồ Chí Minh có 757 trường mầm non với hơn 302 nghìn học sinh. Chín tháng đầu năm, thành phố có gần 8.000 ca bệnh, trong đó có sáu trường hợp đã chết và mỗi tuần có thêm gần 400 ca mới. Số ca mắc tập trung nhiều ở các quận, huyện vùng ven, có đông người tạm trú, vệ sinh môi trường không bảo đảm. Giữa tháng 9 vừa qua, cơ sở ba Trường mầm non 15, quận 11, TP Hồ Chí Minh đã phải đóng cửa do bệnh TCM. Cơ sở này có hơn 170 học sinh nhưng đã có tám trẻ mắc bệnh TCM. Ðến nay, gần 80 trường học trên địa bàn thành phố có học sinh mắc TCM.

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ðắc Thọ cho biết, tháng 9 và 10 là đỉnh thời gian dịch lần hai của năm. Ðây cũng là thời điểm học sinh bắt đầu đi học. Với một địa phương đông dân như TP Hồ Chí Minh, nguy cơ xảy ra dịch  rất lớn nếu công tác phòng, chống dịch không được thực hiện nghiêm túc. Trong đó trường học là nơi tập trung đông trẻ, khi có trẻ mắc bệnh TCM, bệnh sẽ có nguy cơ lây lan nhanh hơn ngoài cộng đồng. Theo quy định, lớp học có hai trẻ mắc bệnh từ bảy đến 14 ngày sẽ phải đóng cửa lớp học đó, vì vậy các trường học cần thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng, chống bệnh. Nhưng theo bác sĩ Phạm Thành Long, Phòng Công tác học sinh - sinh viên (Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Hồ Chí Minh) thì một trong những khó khăn hiện nay, ngoài việc phụ huynh chưa có nhận thức đúng về cách phòng, chống bệnh TCM và lực lượng làm công tác phòng, chống dịch của các trường gặp khó khăn, thì nguồn kinh phí để thực hiện khử khuẩn, trường lớp, vệ sinh cho cá nhân học sinh còn hạn chế.

Ðể thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường học, trong đó có bệnh TCM, ngay đầu năm học 2012-2013, Sở Giáo dục và Ðào tạo thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu phòng giáo dục các quận, huyện phối hợp ngành y tế tập huấn công tác phòng, chống dịch bệnh cho nhân viên y tế, cán bộ, giáo viên của trường. Các đơn vị thực hiện khử khuẩn vệ sinh trường lớp và tuyên truyền tới phụ huynh và học sinh về cách phòng bệnh. Liên sở giáo dục và y tế của thành phố đã thống nhất yêu cầu các trường thực hiện tốt tầm soát phát hiện trẻ bệnh và truyền thông để phụ huynh cho trẻ ở nhà khi mắc bệnh; hướng dẫn cho trẻ rửa tay đúng cách và xây dựng thói quen rửa tay cho học sinh; thực hiện khử khuẩn định kỳ đồ dùng, môi trường chung quanh. Khi học sinh có biểu hiện mắc bệnh, phụ huynh cần cho con nghỉ học, tránh bệnh có thể lây sang trẻ khác.

Các chuyên gia y tế lo ngại dịch bệnh TCM tăng mạnh đúng vào thời điểm bắt đầu năm học mới, các trường nhanh chóng trở thành điểm nóng về nguy cơ bùng phát dịch trong cộng đồng. Chính vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, cơ sở chăm sóc trẻ và cả chính quyền cơ sở. Trong đó, những gia đình có trẻ em trong độ tuổi dễ mắc bệnh TCM cần phải đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp trong việc chăm sóc và vệ sinh cho trẻ, thực hiện rửa tay bằng xà-phòng trước khi chăm sóc trẻ, thực hiện "ăn chín, uống sôi", giữ đồ chơi của trẻ sạch