Đi sau thế giới gần nửa thế kỷ và sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm, nhưng đến nay trình độ ghép tạng của Việt Nam đã có nhiều tiến bộ vượt bậc và nắm được các kỹ thuật phức tạp trong ghép thận, gan và tim là các tạng ghép phổ thông và khó.
Xem hình

Công tác nghiên cứu khoa học được triển khai trong suốt thời gian qua với những thành tựu trong ghép tạng không chỉ là bằng chứng cho quá trình cống hiến trí tuệ, sức lực, và cả xương máu của bao thế hệ cán bộ thầy thuốc; những thành tựu này còn khẳng định sự đánh dấu bước tiến vượt bậc của ngành y tế Việt Nam trong nghiên cứu sử dụng công nghệ cao trong điều trị khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát triển của ngành y tế trong chăm sóc sức khỏe của người dân.

Những dấu mốc đáng nhớ

Năm 1992, ca ghép tạng đầu tiên của Việt Nam mới được thực hiện tại Viện Quân y 103 trong điều kiện trang bị kỹ thuật còn thiếu thốn, kinh phí eo hẹp. Năm 2004, với sự giúp đỡ của giáo sư Mahuchi (Nhật Bản), ca ghép gan đầu tiên (ở trẻ em) cũng được thực hiện ở Bệnh viện 103 cho bệnh nhân Nguyễn Thị Diệp.

Ngày 22/5/2010, các bác sĩ Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội) đã thực hiện thành công một ca ghép gan và 2 ca ghép thận cho 3 bệnh nhân với nguồn tạng được lấy từ một người chết não do tai nạn lao động. Đây là ca ghép gan người lớn thứ hai tại bệnh viện nhưng lại là ca ghép gan từ người chết não đầu tiên tại Việt Nam.

Ngày 17/6/2010, Viện Quân y 103 với sự trợ giúp của chuyên gia Đài Loan – Trung Quốc đã tiến hành thành công ca ghép tim. Sau đó vào ngày 1 và 2/3/2011, với đội ngũ giáo sư, bác sĩ, y tá của Bệnh viện Trung ương Huế cũng đã trực tiếp thực hiện thành công ca ghép tim cho bệnh nhân Trần Mậu Đức. Đây là ca ghép tim đầu tiên do chính các bác sĩ người Việt Nam trực tiếp thực hiện.

Tính từ ca ghép tạng (ghép thận) đầu tiên của Việt Nam, năm 1992, đến nay Việt Nam đã thực hiện được 620 ca ghép thận tại 12 bệnh viện; 24 ca ghép gan và 6 ca ghép tim. Hầu hết số người được ghép tạng đều có cuộc sống bình thường. Chỉ trong 3 năm gần đây, các bác sĩ Việt Nam đã tiến hành ghép thận cho gần 300 ca với kết quả tốt.

Nếu như những năm 1990 trở về trước, ghép tạng vẫn là “khái niệm xa vời” đối với ngành y tế Việt Nam thì đến nay, phẫu thuật ghép tạng đã được tiến hành tại một số trung tâm đầu ngành ngoại khoa của Việt Nam với đầy đủ trang thiết bị hiện đại mà giá thành chỉ bằng 1/3 so với chi phí cho một ca ghép tạng trên thế giới.

Đặc biệt phải kể đến những bước tiến vượt bậc của các giáo sư, bác sĩ của Việt Nam trong việc rút ngắn thời gian tiến hành các ca ghép tạng.

Động lực đẩy mạnh phát triển y tế chuyên sâu

Sự thành công của ghép tạng mở ra triển vọng cho những người bệnh và góp phần thúc đẩy phát triển nhiều chuyên ngành y học khác.

Theo thống kê, Việt Nam hiện có 6.000 bệnh nhân bị suy thận cần được ghép, hàng nghìn bệnh nhân có chỉ định ghép tim, ghép gan. Tuy nhiên, việc ghép tạng cần có đội ngũ cán bộ chuyên sâu, có trang thiết bị tiên tiến đồng bộ, đồng thời phải có nguồn kinh phí đủ mạnh.

TS Đinh Quý Lan, Chủ tịch Hội Gan Mật Việt Nam, cho biết để đưa ghép tạng vào thường quy phục vụ người bệnh, chống phân tán như hiện nay, rất cần có một số trung tâm nghiên cứu tập trung thật sự đủ khả năng. Bởi theo TS Lan, trong 20 năm chúng ta thực hiện được 620 ca ghép thận ở 12 bệnh viện nghĩa là bình quân 1 bệnh viện trong 1 năm ghép được 2,5 bệnh nhân.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đầu tư cho khoa học, công nghệ sẽ tiếp tục là một chiến lược ưu tiên của ngành y tế Việt Nam trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, cùng với việc tiếp tục đầu tư cho lĩnh vực trang thiết bị y tế về khám chữa bệnh từ các nguồn ngân sách nhà nước và từ nguồn xã hội hóa, Bộ Y tế xác định việc đào tạo nguồn nhân lực phát triển y tế chuyên sâu là một yêu cầu cấp thiết trong quá trình đổi mới và hội nhập.

Chinhphu.vn