Thực hiện 800 ca mổ mắt nhân đạo cho người nghèo; Khám bệnh từ sáng sớm để giảm quá tải; Hơn 400.000 trẻ được uống bổ sung Vitamin A....
Xem hình

Thực hiện 800 ca mổ mắt nhân đạo cho người nghèo

Thông tin từ Bệnh viện Mắt TƯ ngày 1/6, đoàn phẫu thuật lưu động của BV trong 5 tháng đầu năm đã phẫu thuật nhân đạo 800 ca mắt cho người nghèo tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Hà Nam, Yên Bái và Bolikhamxay (Lào).

Tích lũy từ năm 2008 đến nay, các bác sỹ của BV đã phẫu thuật gần 6.000 ca mắt ở khắp các tỉnh khu vực miền Bắc và miền Trung. Chi phí cho các ca phẫu thuật này BV vận động được từ nguồn tài trợ của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp và một số tổ chức quốc tế. Không chỉ phẫu thuật, các bác sỹ còn trực tiếp tuyên truyền phòng, chống các bệnh về mắt cho người dân, đồng thời chuyển giao kỹ thuật điều trị bệnh về mắt cho đội ngũ nhân viên y tế tuyến dưới hiệu quả.

Từ nay đến ngày 15/6, đoàn phẫu thuật lưu động này sẽ tiếp tục thực hiện phẫu thuật nhân đạo cho người nghèo tại các tỉnh Bắc Giang, Nam Định (Hà Nội mới 3/6).

Khám bệnh từ sáng sớm để giảm quá tải

Đó là phương án vừa được Bệnh viện Tai mũi họng trung ương thực hiện trước tình trạng bệnh nhân liên tục tăng vào dịp hè. Ngày 2/6, ông Hoàng Đình Ngọc, Phó giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng trung ương, cho hay ngay từ đầu tháng 5, lượng bệnh nhân tai mũi họng đã có xu hướng tăng mạnh khiến bệnh viện thường xuyên trong tình trạng quá tải.

Do đó, bệnh viện quyết định khám sớm hơn so với lịch thông thường, bắt đầu đón tiếp bệnh nhân từ 6g15 và bắt đầu khám từ 7g thay cho lịch khám 8g trước đây.

Được biết, giám đốc, các phó giám đốc bệnh viện cũng phải luân phiên trực tiếp khám cho bệnh nhân (Tuổi trẻ 3/6).

Hơn 400.000 trẻ được uống bổ sung Vitamin A

Từ 11 - 12/12, thành phố Hà Nội đã tổ chức uống bổ sung Vitamin A lần 2 cho trẻ em trên địa bàn 29 quận, huyện, thị xã.

Những trẻ được uống bổ sung Vitamin A lần 2 gồm trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi và các đối tượng có nguy cơ cao. Trong đó có trên 360.000 trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi; 34.223 trẻ từ 37 - 60 tháng tuổi có nguy cơ cao; 3.963 trẻ dưới 6 tháng tuổi thiếu sữa mẹ và gần 10.000 bà mẹ mới sinh trong tháng đầu chưa được uống Vitamin A.

Toàn thành phố có  2.251 điểm uống đặt tại các trạm y tế, khu nhà văn hóa thôn, trường mầm non, mẫu giáo… đảm bảo chất lượng, an toàn.

Trước đó, ngày 10.12, Sở Y tế Hà Nội đã đi kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chiến dịch uống bổ sung Vitamin A đợt 2 năm 2010 tại các quận Hà Đông và huyện Chương Mỹ nhằm đảm bảo các địa phương thực hiện tốt công tác này (Lao động 3/6).

Bắt đầu nghỉ hè - Dồn dập tai nạn mắt ở trẻ em

Đến hẹn lại lên, khi các em học sinh bắt đầu nghỉ học ở trường thì cũng là lúc các tai nạn thương tích ở trẻ tăng lên. Tại BV Mắt T.Ư, mỗi ngày có 1-2 ca phải nhập viện, trong khi đó bình thường cả tuần chỉ gặp 1- 2 ca.

Mất tài sản quý giá

Mới nghỉ hè nên hai anh em sinh đôi Vũ Mạnh Trường và Vũ Quang Minh (10 tuổi, ở Nghệ An) ở nhà chơi, bố mẹ đi làm. Minh mang dao ra vót tre, tay đang huơ huơ con dao ngang mặt, quay người lại thì bé Trường đã ở ngay sau lưng. Cú giơ tay đó đã khiến Trường phải nhập viện từ một tuần nay.

Con dao chọc vào mắt trái cậu bé, khiến Trường bị rách củng giác mạc, con mắt trái như bị bổ đôi. Em được các bác sĩ BV Mắt T.Ư cấp cứu, mổ khâu vết thương và nay vẫn phải tích cực điều trị. Theo tiên lượng, con mắt đã bị chấn thương của em khó phục hồi thị lực vì đã bị vết sẹo ngang lớn trong mắt, nhiều khả năng chỉ bảo tồn được về thẩm mỹ, còn về chức năng nhìn sẽ hạn chế.

Trường hợp chấn thương mới nhất được BV Mắt T.Ư tiếp nhận sáng 2/6 là cháu Nguyễn Công Chức (8 tuổi, ở Nam Định), với mắt bên trái bị rất nhiều dằm tre găm vào. Chức cũng vừa được nghỉ học, rủ các bạn leo qua tường rào sang hàng xóm chơi. Trượt chân, cháu bị cọc tre hàng rào sượt qua mắt trái, mắt bị chảy máu, tăng nhãn áp.

Theo bác sĩ Trần Trung Kiên, khoa Chấn thương mắt: Những trường hợp tai nạn chấn thương mắt như Trường và Chức từ 1 tuần trở lại đây, BV rất hay gặp. Các cháu thường là trẻ trai dưới 12 tuổi. Kỳ nghỉ hè thường bắt đầu từ cuối tháng 5 - khi đó các cháu có tâm lý xả hơi, cha mẹ cũng chưa sắp xếp được thời gian quản lý giám sát con, nên các cháu có phần được tự do vui chơi hơn. Chính vì thế, tai nạn thương tích ở học sinh khá nhiều.

Với các cháu, những tai nạn mắt tùy vào vị trí bị tổn thương ở giác mạc hay củng mạc, các phần khác mà thường ít nhiều ảnh hưởng đến thị lực sau này. Với những trường hợp mất hoàn toàn thị lực, BV vẫn cố gắng điều trị để bảo tồn con mắt, tránh cho cháu sốc khi tuổi còn quá nhỏ.

Không chủ quan dù vết thương rất nhỏ

Phần lớn những trường hợp chấn thương mắt gần đây là các cháu ở nông thôn. Càng ở vùng xa, vùng sâu, những chấn thương này càng nặng, vì thường bị ở ngoài gia đình, chơi gần hàng rào tre, cọc sắt, lại khó được đưa đến BV cấp cứu ngay.

Theo nghiên cứu của BS.ThS Nguyễn Đức Thành, PGĐ BV Mắt T.Ư: Chấn thương đụng dập nhãn cầu chiếm 30% chấn thương mắt nói chung, hay gặp ở trẻ em, đặc biệt là các em trai. Các tác nhân gây chấn thương rất đa dạng: Que gậy, thanh củi, thanh sắt đập vào mắt, chó cắn, cò mổ, gạch ném, kính vỡ, đánh nhau, dao chém, mảnh đạn pháo... gây ra những tổn thương nhãn cầu và cũng như có thể kèm theo tổn thương khác trên cơ thể.

Chấn thương đụng dập gây tỉ lệ gây mù loà cao, bệnh lý nặng, do đó cần chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời để giảm mù loà. Không được chủ quan vì ngay cả một chấn thương nhẹ ở mắt cũng có thể đe doạ chức năng của mắt nếu như không được xử trí đúng và kịp thời.

Theo ThS Thành, để đề phòng những chấn thương mắt này ở các em, không chỉ gia đình mà nhà trường cũng cần tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ mắt cho các em học sinh: Không chơi những trò chơi dễ gây chấn thương mắt như bắn súng caosu, bắn súng nhựa, ném đất, dao, kéo... (Lao động 3/6)

Nguy cơ nhiễm bệnh do đá bẩn

Với thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng nước đá của người dân tăng mạnh. Tuy nhiên, đa số các cơ sở bán đá đều không đảm bảo những yêu cầu cơ bản về vệ sinh, quy trình kỹ thuật, khiến nguy cơ mắc bệnh của người dùng tăng cao, nhất là các bệnh về đường ruột.

Đá bán rẻ như cho

Qua khảo sát tại các điểm bán đá trên địa bàn thành phố, hiện đa số các cửa hàng này chủ yếu bán nước đá do tư nhân sản xuất, không rõ nguồn gốc, chất lượng.

Tại một điểm bán đá cây tại chợ Gia Lâm, người bán hàng xếp những cây đá to lên một tấm nylon, phủ xung quanh và phía trên một tấm vải  cáu bẩn, được để ngay trên miệng cống thoát nước hôi thối. Một cây đá to tại đây có giá khoảng 70.000 đồng, còn đá viên có giá khoảng 7.000 đồng/kg, nếu vào tháng cao điểm nóng, giá đá cây tăng thêm từ 20.000 – 40.000 đồng/cây mà đôi khi vẫn không đủ hàng để bán.

Theo người bán hàng, đá ở đây được làm theo tiêu chuẩn đá sạch, nước được lấy từ nước máy và có qua lọc, khử trùng, lắng cặn nên người mua yên tâm về chất lượng. Mua thử một túi đá viên tại đây, trên bao bì chỉ ghi tên cơ sở sản xuất là “Thủy Tinh”, có trụ sở tại xã Yên Thường (huyện Gia Lâm) chứ không hề ghi rõ ràng địa chỉ, số đăng ký chất lượng kiểm định.

Tình trạng trên là phổ biến tại hầu khắp các điểm bán đá, khi đa số các địa điểm này đều bán hàng trên vỉa hè, lòng đường, không đảm bảo yêu cầu về an toàn vệ sinh, khi khách có nhu cầu mua đá cây, người bán hàng vô tư lấy con dao để dưới đất chặt đá bằng tay, không đeo găng.

Với giá đá rẻ như vậy, nên tất cả các hàng quán đều lấy đá từ các cơ sở trên, nhà hàng thì lấy đá viên, đá bào, quán cóc thì mua đá cây về rồi chặt nhỏ ra để bán. Một người bán nước tại cổng ký túc xá ĐH Bách khoa bộc bạch: “Bán cốc trà chẳng lời lãi bao nhiêu, tôi cứ lấy đá cây ra mà bán, vừa rẻ mà cũng sạch, khách hàng uống mãi có bị làm sao đâu”. Nhưng nếu quan sát kỹ, các loại đá này nếu để lâu trong cốc sẽ có hiện tượng cặn lắng xuống, nước ngả màu vàng, uống có vị tanh.

Không chỉ việc bán và bảo quản không đảm bảo vệ sinh, ngay cả việc vận chuyển đá cũng đi ngược lại các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đá cây sản xuất xong, được để nguyên lên xe máy, xíchlô, xe ba bánh rồi đem giao cho nhà hàng, quán nước mà không hề được che đậy cẩn thận, mặc cho đường sá bụi bặm, sàn xe thì cáu bẩn.

Cơ quan chức năng bất lực trước đá bẩn?

Theo quy trình sản xuất nước đá tiêu chuẩn, nguồn nước làm đá phải được lấy từ độ sâu 90m, phải qua hệ thống lọc thẩm thấu ngược và diệt vi khuẩn bằng tia cực tím; các bộ phận khuôn đá, dao cắt đá, bồn cấp nước làm đá, cối lạnh và gàu tải đá của hệ thống máy sản xuất nước đá viên tinh khiết đều bằng inox để không bị gỉ sét theo thời gian...

Một tiêu chí quan trọng trong sản xuất nước đá là quy trình phải khép kín hoàn toàn tự động, không có sự tiếp xúc trực tiếp với bàn tay con người, do đó nước đá viên tinh khiết hoàn toàn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu là đá sạch, khi cho vào cốc nước vẫn trong suốt, có thể nhìn thấu sang bên kia, khi tan hết, nước trong như nước khoáng; thời gian tan chảy của đá viên tinh khiết lâu gấp 4 – 5 lần so với đá viên gia công...

Tuy nhiên, với mức độ “lấn át” của các loại đá bẩn, không rõ nguồn gốc khiến người sử dụng rất dễ bị mắc phải các bệnh về đường ruột, hô hấp. Theo các bác sĩ chuyên khoa về tiêu hoá, đá bẩn chính là nguyên nhân của nhiều căn bệnh về đường ruột như tiêu chảy cấp, đau dạ dày, các bệnh về hô hấp, đau răng...

Theo quy định, các loại đá cây chỉ được dùng để ướp lạnh thực phẩm vì các tiêu chí vệ sinh rất thấp, nhưng người dân vẫn dùng các loại đá này để bán nước khiến nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao. Hiện các loại đá bẩn vẫn được bán tràn lan, nhưng sự can thiệp, kiểm soát của cơ quan chức năng vẫn còn rất yếu, chính vì vậy, cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý mạnh hơn nữa với hiểm hoạ đá bẩn để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh trong mùa hè (Lao động 3/6).

Tác giả: Trung tâm TTGDSK