Xã Cúc Phương (Nho Quan) có 98% là người dân tộc Mường. Xác định mục tiêu đưa xã vùng cao phát triển theo kịp những xã miền xuôi của tỉnh, cấp ủy, chính quyền xã xác định việc phát triển kinh tế phải gắn với phát triển văn hóa, xã hội bền vững, trong đó công tác dân số - KHHGĐ là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng dân số cũng như cuộc sống của từng người, từng gia đình.

Từ nhận thức đó, trong những năm qua, công tác dân số-KHHGĐ của xã đã có những đổi thay lớn, trở thành địa bàn tiêu biểu của tỉnh trong công tác dân số-KHHGĐ.
Giới thiệu với chúng tôi về hộ gia đình tiêu biểu trong thực hiện chính sách dân số của xã, cán bộ chuyên trách dân số và lãnh đạo xã Cúc Phương rất hồ hởi kể về những đổi thay lớn của gia đình chị Bùi Thị Ngoan, người dân tộc Mường ở thôn Đồng Tâm. Cách đây hơn chục năm, gia đình chị Ngoan thuộc diện hộ nghèo của xã, vợ chồng chị không thực hiện các biện pháp KHHGĐ nên đẻ dày, 2 năm sinh 2 con gái. Lo lắng trước hoàn cảnh gia đình chị, cán bộ dân số đã nhiều lần xuống tận nhà tuyên truyền, tư vấn cho anh chị các biện pháp tránh thai an toàn, chính sách dân số của Đảng, Nhà nước... và động viên gia đình chị Ngoan nên tập trung phát triển kinh tế để thoát đói nghèo, nuôi con ăn học thành người. Nhận thức được điều đó, hai vợ chồng chị Ngoan tập trung vào phát triển kinh tế. Giờ đây gia đình chị trở nên khá giả, hai con gái đã lớn khôn, học hành thành đạt.
Ở xã Cúc Phương hiện nay không chỉ có gia đình chị Ngoan mà rất nhiều hộ gia đình có con một bề là trai hay gái đều dừng lại ở 2 con, không còn ý định sinh con thứ 3 trở lên để "có nếp, có tẻ" nữa. Toàn xã hiện có 9/11 địa bàn nhiều năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên, trong đó có 3/11 địa bàn 10 năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên là thôn Đồng Bót, Nga 1, Sấm 3. Đồng chí Đinh Công Sính, Phó Chủ tịch UBND xã Cúc Phương cho biết: Để đạt được kết quả trên là sự nỗ lực lớn của các cấp, các ngành, cùng sự đồng thuận của nhân dân trong xã. Trước năm 2000, đời sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, thu nhập bấp bênh, trình độ dân trí không đồng đều, còn tư tưởng muốn có con trai nói dõi tông đường... nên tình trạng sinh dày, sinh đông vẫn xảy ra, ảnh hưởng đến hướng phát triển kinh tế - xã hội... Trước thực trạng ấy, Đảng bộ, chính quyền xã đã có nghị quyết chuyên đề về công tác dân số-KHHGĐ.
Công tác dân số ở Cúc Phương bắt đầu được đẩy mạnh từ sau năm 2000, thông qua việc phối hợp với ngành chức năng mở nhiều đợt truyền thông trực tiếp, gián tiếp, đưa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản về đến thôn, bản. Xã Cúc Phương là 1 trong 2 đơn vị xã vùng cao triển khai thí điểm Đề án nâng cao chất lượng giống nòi” nên có nhiều thuận lợi. Để giảm tư tưởng sai lệch về giới tính, Ban dân số xã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tập trung rà soát những đối tượng sinh con một bề trên địa bàn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng đối tượng, qua đó tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền, kết hợp với bí thư chi bộ để tìm hướng giải quyết, tập trung tuyên truyền, thường xuyên mở các hội nghị tư vấn, mở các lớp cung cấp kiến thức tại các địa bàn. Hàng năm, xã tổ chức 8 đợt chiến dịch truyền thông, tư vấn kiến thức về dân số-KHHGĐ, sức khỏe sinh sản đến các thôn, bản. Qua mỗi đợt triển khai, nhiều người dân, trong đó có nam giới nhận thức rõ hơn về công tác dân số, cũng như tích cực tham gia thực hiện các biện pháp KHHGĐ ngày càng nhiều. Đồng thời, tăng cường nâng cao chất lượng đội ngũ cộng tác viên làm công tác dân số ở các thôn, bản. Đối với những hộ nghèo, xã đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua các đoàn thể cho hộ nghèo được vay vốn phát triển kinh tế, từ đó giúp các hộ nghèo tự tin, thay đổi nhận thức về xã hội cũng như công tác dân số-KHHGĐ. Không những chú trọng truyền thông dân số đến đối tượng là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, các đoàn thể chính trị còn tập trung tuyên truyền đối tượng nam giới trong độ tuổi sinh đẻ, người trụ cột trong gia đình, các bậc cao niên trong họ tộc cùng vào cuộc trong thực hiện công tác dân số-KHHGĐ, đến nay, việc thực hiện chính sách dân số ở Cúc Phương đã có những chuyển biến tích cực. Tỷ suất sinh thô giảm còn 0,17%o, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn ở mức 0,37%. Số người sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt trên 88,8%, tỷ lệ gia tăng dân số còn 0,96%, tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên là 0,12%.