Tại Ninh Bình từ nhiều năm nay, Trung tâm Da liễu tỉnh Ninh Bình là địa chỉ tin cậy của những người bệnh Phong. Trung tâm không chỉ làm tốt công tác khám, chữa bệnh giúp người bệnh và gia đình họ về mặt y tế mà còn động viên giúp đỡ họ ổn định tinh thần, xóa bỏ mặc cảm bản thân, tự tin tái hòa nhập cộng đồng, tham gia lao động sản xuất làm ra của cải vật chất cùng đóng góp cho gia đình và xã hội.

Ngày nay, cuộc sống của những người bị bệnh Phong đã được cải thiện, không chỉ nhờ vào tiến bộ y học mà còn nhờ sự gần gũi, nhiệt tình tích cực chăm sóc của các Y,Bác sỹ. Những ngày đầu tháng 4, chúng tôi được tham gia cùng các y bác sỹ Trung tâm Da liễu đi thăm, khám cấp thuốc và tặng đồ dùng thiết yếu cho bệnh nhân Phong tại cộng đồng. Chứng kiến những con người không may bị mắc chứng bệnh phong quái ác mới hiểu được những khó khăn trong cuộc sống thường ngày của họ. Bằng nghị lực và ý chí kiên cường, những bệnh nhân này đã được điều trị ổn đinh có sức khỏe tốt, nỗ lực vượt lên số phận với  ước muốn đơn giản là  trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội. Gặp họ chúng tôi thật sự cảm phục trước ý chí, nghị lực của những bệnh nhân phong tàn mà không phế.Trong số những người bệnh mà chúng tôi đã gặp có Ông Phan Văn Thế -  Xã Yên Từ - Yên Mô. Dù đã ở tuổi 73 nhưng trông ông khá khoẻ mạnh, tràn đầy sự lạc quan, vui tươi. Mặc dù có những di chứng của căn bệnh để lại, nhưng sức lao động của ông vẫn còn khoẻ mạnh đến lạ thường. Để có được cơ ngơi gần mẫu ruộng vườn và đàn bò có thể nói ông phải mất nhiều công sức mồ hôi và nước mắt để tạo dựng nên. Tâm sự với chúng tôi, ánh mắt còn phảng phất nỗi buồn của gần 30 năm trước khi ông mắc phải căn bệnh này; Phát hiện mình bị mắc bệnh ông đã lặng lẽ chia tay vợ con đi điều trị tại Trại Phong Quỳnh Lập vì lúc đó tại quê nhà chưa có địa chỉ nào điều trị bệnh Phong, sau nhiều năm điều trị, bệnh đã được khống chế cũng là lúc tại Ninh Bình đã thành lập Trạm chuyên khoa Da liễu là tiền thân của Trung tâm Da Liễu tỉnh hiện nay, từ đó ông trở lại quê nhà sinh sống và được các cán bộ của Trung tâm Da Liễu chăm sóc điều trị, bệnh của ông được ổn định không bị di chứng nặng nề. Tuy nhiên ông đã từng rất chán nản mất niềm tin vào cuộc sống bởi việc hoà nhập cộng đồng rất khó khăn, ông không là ngoại lệ với những sự kỳ thị vốn có của công đồng xung quanh. Nhưng vì cuộc sống của cả gia đình cùng sự động viên quan tâm gần gũi của các thầy thuốc ông đã tự tìm lối đi cho mình; ông đề nghị Chính quyền địa phương cho phép được cải tạo khu đầm bãi hoang ngoài cánh đồng ở xa làng xóm để canh tác, sinh sống. Sau nhiều năm cần mẫn, miệt mài tạo dựng giờ đây nhìn cánh đồng bãi xanh tươi, với đàn bò nhẩn nha ăn cỏ ai cũng biết rằng ông và gia đình đã phải trải qua một thời rất gian khó. Giờ đây nhờ làm tốt công tác tuyên truyền kiến thức về bệnh phong với cộng đồng dân cư xung quanh mà sự kỳ thị với người bệnh ở đây không còn, các con của ông Thế đã trưởng thành và đi sinh sống công tác ở các tỉnh thành khác nhưng ông không rời bỏ nơi mình đã từng gắn bó, với ông nơi này sẽ mãi là tổ ấm cho các con cháu trở về. Vượt qua số phận bệnh tật ông cũng như bao người bệnh phong khác đã vươn lên làm giàu bớt đi gánh nặng cho gia đình và xã hội. Ông Thế và những bệnh nhân mà chúng tôi đã gặp đều không ngớt lời khen và cảm ơn các thầy thuốc đã nhiệt tình giúp đỡ sẻ chia không chỉ về chữa trị mà còn về tinh thần, nghe những người bệnh nói về họ chúng tôi cảm nhận được những tình cảm tốt đẹp đối với các thầy thuốc thân tình như người ruột thịt mới biết rằng những cố gắng hy sinh của họ đã thật sự được đền đáp.

Để có được những điều tốt đẹp đó phải kể đến những công việc âm thầm lặng lẽ của các thế hệ thầy thuốc Trung tâm Da liễu Ninh Bình, Các thầy thuốc ở đây đã gắn bó với số phận những người không may mắc căn bệnh thuộc hàng "tứ chứng nan y" này tìm lại niềm tin vào cuộc sống. Chính sự gần gũi thân thiết và tinh thần trách nhiệm của họ không chỉ là trách nhiệm công việc mà còn là cả tình người, sự cảm thông chia sẻ gần gũi của họ đã giúp nhiều người vượt qua tật bệnh và có cuộc sống bình thường, ổn định. Nhìn sự ân cần thăm hỏi từng bệnh nhân của các Bác sỹ chúng tôi thấy thật sự cảm phục và xúc động trước những cái bắt tay với bàn tay đầy đủ mười ngón của thầy thuốc và bàn tay không ngón của bệnh nhân phong, họ không ngần ngại xem từng tổn thương trên đôi chân người bệnh, hướng dẫn họ sử dụng dép được cấp và khuyên họ hãy uống thuốc đều đặn, niềm sung sướng của người bệnh khi nhận đôi dép và được săn sóc đôi chân tật nguyền cùng sự vui vẻ cởi mỏ hỏi thăm chuyện trò của thầy thuốc khiến những người xung quanh cũng thấy lạc quan tin tưởng hơn. Những điều đó đã tạo niềm tin cho người bệnh, tránh cho họ những mặc cảm không đáng có và sẽ là động lực thúc đẩy những người xung quanh và cộng đồng thấy thực sự tiếp xúc với bệnh nhân phong không nguy hiểm và họ sẽ không còn sự kỳ thị đối với người bệnh. Bác sỹ Trần Đình Bộ - Giám đốc Trung tâm Da liễu Tỉnh cho biết “vấn đề khó khăn nhất của bệnh nhân phong là việc tái hòa nhập cộng đồng. Chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, triển khai các đợt công tác về địa phương để phối hợp với y tế cơ sở làm truyền thông tại chỗ giúp cộng đồng hiểu rõ bệnh Phong không dễ lây để tạo sự đồng cảm của mọi người. Bệnh nhân Phong rất nhạy cảm, họ mặc cảm vì thân thể họ bị bệnh tật tàn phế. Bản thân tôi và cán bộ nhân viên trung tâm cũng sinh hoạt một cách thân thiện với bệnh nhân để tạo niềm tin cho bệnh nhân, tránh cho họ những mặc cảm tự ti”. Bác sỹ Bộ cũng cho biết: Bên cạnh những người đã được phát hiện và điều trị kịp thời thì cũng vẫn còn có ở đâu đó có người vẫn chưa biết hết những thông tin về căn bệnh này hoặc vì lý do nào đó chưa đến cơ sở y tế điều trị. Chính vì vậy, hàng năm Trung tâm vẫn tiếp tục rà soát, phát hiện bệnh nhân phong mới, thực hiện phòng chống bệnh tật, phục hồi chức năng cho người bệnh.

Có thể thấy rõ một điều, việc tăng cường tuyên truyền giáo dục sức khoẻ mà cộng đồng xã hội đã có nhận thức đúng hơn về bệnh phong. Nhưng ở đâu đó vẫn còn thái độ kỳ thị và phân biệt đối xử với người bệnh và gia đình họ. Vì vậy, để tạo điều kiện nhiều hơn nữa giúp những người mắc bệnh phong vươn lên hòa nhập cuộc sống, giảm gánh nặng cho xã hội, góp phần xây dựng quê hương là vấn đề cần sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị, xã hội.

 

 

 

 

 

Tác giả: Kim Liên