"Đặc biệt" là bởi vì đây là những người bệnh dường như đã "bỏ quên" sự minh mẫn, trí thông minh của mình mà y học gọi bằng cái tên: bệnh nhân tâm thần. Vượt lên trên hết là trách nhiệm, tình thương với người bệnh, nhiều y, bác sỹ đã chọn chuyên ngành tâm thần làm cái “nghiệp” của cả đời.
Xem hình

25 năm gắn bó với chuyên ngành tâm thần là bấy nhiêu năm bác sỹ Vũ Văn Vang (Trưởng khoa Nam, Bệnh viện Tâm thần tỉnh) gắn bó với những người bệnh với nhiều trạng thái, tâm lý, tình cảm khác nhau. Đặc thù của bệnh nhân tâm thần là họ không bao giờ nhận mình bị bệnh nên phản ứng quyết liệt với việc thăm khám, điều trị của thầy thuốc. Vậy là phải tỉ tê trò chuyện, nắm bắt tâm lý, tình cảm của người bệnh để có những chuẩn đoán chính xác. 

Để làm được điều này, bác sỹ Vang, một bác sỹ được đào tạo đa khoa nội - nhi - lây đã phải dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, học hỏi từ đồng nghiệp và từ thực tế công việc. Bác sỹ Vang đã rút ra bài học quan trọng trong điều trị cho bệnh nhân tâm thần: Chính thái độ thân thiện, luôn gần gũi, hòa đồng với người bệnh là yếu tố quan trọng để giúp họ ổn định tâm lý, phối hợp với bác sỹ trong việc điều trị. Vậy mà nhiều khi, bác sỹ Vang và đồng nghiệp lại bị những trận đòn từ... chính bệnh nhân của mình. Không buồn về điều này, bác sỹ Vang chia sẻ: Tâm thần có nhiều thể, có trường hợp bệnh nhân khi bị kích động thường la hét, đập phá và có những hành vi chống đối lại y, bác sỹ. Trong tình huống bất ngờ như vậy, người thầy thuốc đành phải hứng chịu những cú đánh của người bệnh. ở lâu trong nghề, nhiều người vẫn vui bảo nhau: Phải học "võ" phòng, chống "bạo lực". 

Tuy vậy, để gắn bó với những người bệnh "đặc biệt" này, không phải ai cũng có sự kiên trì, nhẫn nại. Như ở khoa Nam (Bệnh viện Tâm thần tỉnh), cả khoa có mỗi một bác sỹ chính là bác sỹ Vang, đồng thời là người phụ trách khoa. Nhiều người về đây công tác nhưng vì đặc thù của công việc mà chỉ được một thời gian ngắn là xin chuyển. Bệnh nhân "đặc biệt" đã đành mà ngay cả người nhà bệnh nhân khi đã đưa người thân vào bệnh viện thường phó mặc cho y, bác sỹ. 25 năm gắn bó với những bệnh nhân tâm thần và chỉ còn 3 năm nữa đến tuổi nghỉ hưu, nhưng khi tâm sự về nghề, bác sỹ Vang suy nghĩ rất đơn giản: Ai cũng từ chối, tìm những công việc nhẹ nhàng thì lấy ai làm công việc này. Trong khi, việc chăm sóc sức khỏe tâm thần là hết sức quan trọng.

Nếu như trong suốt 25 năm qua, bác sỹ Vang không thể nhớ và thống kê hết được mình đã tiếp xúc, điều trị cho bao nhiêu bệnh nhân thì y sỹ Trần Thị Thanh, phụ trách khoa Nữ (Trung tâm Phục hồi chức năng tâm thần Yên Mô) lại thuộc từng trường hợp bệnh nhân ở khoa mình phụ trách. Đơn giản là vì chức năng của Trung tâm là chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho bệnh nhân tâm thần thuộc đối tượng quy định. Có những bệnh nhân mà thời gian gắn bó với y sỹ Thanh bằng với thời gian chị về công tác tại Trung tâm là hơn 30 năm nay. Từ khi còn là một thiếu nữ, nay bệnh nhân ấy cũng đã tóc có nhiều sợi bạc. Không như công việc của những y, bác sỹ ở Bệnh viện Tâm thần tỉnh chỉ có chức năng khám, điều trị, công việc của các y, bác sỹ, nhân viên ở Trung tâm vất vả hơn nhiều, đó là phải thực hiện nhiệm vụ phục hồi chức năng tâm thần cho bệnh nhân, chăm sóc, nuôi dưỡng họ như những người thân trong gia đình. 

Có chứng kiến một ngày làm việc của y, bác sỹ, nhân viên nơi đây mới thấy hết được sự tận tâm của họ với người bệnh. Nào là hướng dẫn cách ăn uống, tắm giặt, vui chơi... rồi trực tiếp xúc cơm, tắm rửa, làm vệ sinh cá nhân... cho những bệnh nhân nặng. ở khoa Nữ nơi chị Thanh phụ trách có 76 bệnh nhân thì chỉ số ít tự phục vụ bản thân với sự hướng dẫn của nhân viên. Còn phần lớn bệnh nhân phải do hộ lý, nhân viên trực tiếp "xắn tay" vào giúp họ rửa mặt, ăn cơm, tắm giặt... Chị Thanh vẫn nhớ ngày đầu tiên khi từ quân đội chuyển về đây công tác, vì đã có nhiều y, bác sỹ đến nhận công tác rồi lại xin chuyển nên người phụ trách Trung tâm lúc đó đã dẫn ngay chị Thanh ra chứng kiến cảnh một bệnh nhân lên cơn kích động, cởi tung quần áo chạy khắp sân và bảo: Bệnh nhân hàng ngày của cô đấy, cô xem có ở được thì ở, không thì xin chuyển luôn... Lúc đó, mặc dù hơi bất ngờ và sợ với phản ứng của bệnh nhân, nhưng với bản lĩnh của người lính, chị Thanh đã quyết định "trụ" lại bởi chị suy nghĩ, đã là người lính thì không sợ khó, sợ khổ... Vậy là đã hơn 30 năm chị gắn bó với những bệnh nhân "đặc biệt" này với bao vui, buồn và tình cảm sâu sắc dành cho họ.

Tác giả: Phan Hiếu