Mặc dù là khoa mới được thành lập nhưng thời gian qua, khoa Sơ sinh (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) đã phối hợp chặt chẽ với khoa Sản của Bệnh viện cứu chữa nhiều trường hợp bệnh nhi mà không phải chuyển lên tuyến trên.
Xem hình
Chăm sóc bệnh nhân nhi tại Khoa sơ sinh, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh

Bác sỹ Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện kiêm trưởng khoa Sơ sinh cho biết: Nếu như trước kia, trường hợp những em bé khi chào đời với cân nặng 900 gam hoặc 1.100 gam buộc phải đưa lên tuyến trên để cấp cứu, thì nay, khoa Sơ sinh có thể đảm nhiệm được việc cấp cứu, chăm sóc toàn diện cho bé. Bên cạnh đó, một số trường hợp như: nhiễm trùng sơ sinh, viêm màng não sơ sinh, bệnh màng trong ở trẻ sinh non... cũng được triển khai điều trị thành công tại khoa. Hiện khoa Sơ sinh được đánh giá là khoa mũi nhọn của Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh.   

Bác sỹ Phạm Cầm Kỳ, Giám đốc Bệnh viện chia sẻ: Được thành lập trên cơ sở chia tách từ khoa Sản và khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũ), Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh mới trải qua gần 1 năm hoạt động ở vai trò là một bệnh viện chuyên ngành tuyến tỉnh. Vượt qua những khó khăn ban đầu về trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác khám, chữa bệnh và nguồn nhân lực, được sự giúp đỡ, hỗ trợ của tỉnh và ngành Y tế, một số bệnh viện chuyên ngành ở Trung ương, Bệnh viện đã nhanh chóng ổn định tổ chức, đi vào hoạt động để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân trong và ngoài tỉnh. Năm 2010, tổng số lần khám bệnh đạt 148% kế hoạch, bệnh nhân điều trị nội trú đạt 205% kế hoạch, công suất sử dụng giường bệnh đạt 177% kế hoạch... Đến nay, Bệnh viện được trang bị tương đối đầy đủ máy móc, thiết bị phục vụ cho việc khám và điều trị: máy siêu âm màu 4 chiều, dàn máy phẫu thuật nội soi, máy thở cho trẻ sơ sinh, máy truyền dịch, điện tim... Cùng với việc duy trì và phát triển những kỹ thuật đã được thực hiện trước đây, Bệnh viện đã triển khai được một số kỹ thuật mới với sự hỗ trợ của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương theo Đề án 1816 như: phẫu thuật xuất huyết não lấy máu tụ ở trẻ sơ sinh, phẫu thuật nội soi tiêu hóa nhi khoa, phẫu thuật cắt tử cung qua nội soi, đẻ giảm đau..., do đó đã kịp thời cứu sống nhiều trường hợp bệnh nhân khỏi cơn nguy kịch, hạn chế nhiều ca bệnh phải chuyển lên tuyến trên.

Mặc dù vẫn còn thiếu bác sĩ, lại luôn bận rộn với những ca cấp cứu và công tác khám, điều trị tại Bệnh viện, nhưng từ khi thành lập đến nay, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh luôn chú trọng công tác chỉ đạo tuyến đối với các bệnh viện tuyến dưới thông qua việc thực hiện Đề án 1816, sẵn sàng cử đội ngũ bác sỹ có chuyên môn cao về phối hợp khi tuyến dưới có nhu cầu. Đã có những trường hợp bệnh nhân thuộc lĩnh vực Sản - Nhi được cấp cứu kịp thời nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa Bệnh viện Sản - Nhi và bệnh viện tuyến dưới. Bên cạnh đó, để góp phần nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sỹ, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi luôn quan tâm động viên, tạo điều kiện để đội ngũ y, bác sỹ được học tập, nghiên cứu, trau dồi về chuyên môn, nghiệp vụ theo hình thức đào tạo tại chỗ hoặc gửi lên các bệnh viện tuyến Trung ương và Trường Đại học Y Hà Nội. Hiện, Bệnh viện đang có 10 bác sỹ đi đào tạo chuyên khoa sâu tại tuyến trên, có một bác sỹ đang đi đào tạo nội trú chuyên ngành Nhi. Đây là trường hợp bác sỹ đầu tiên của ngành Y tế tỉnh nhà đi đào tạo nội trú.

Tác giả: Bùi Diệu