Chế độ Bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nhiễm HIV/AIDS được xem là chỗ dựa và là nguồn đảm bảo cho người nhiễm HIV có thể tiếp cận được với các dịch vụ chăm sóc, điều trị và thuốc ARV một cách bền vững, nhất là khi các nguồn tài trợ quốc tế cắt giảm đáng kể từ năm 2017. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) bằng BHYT của người nhiễm HIV ở Việt Nam nói chung, ở tỉnh ta nói riêng còn rất thấp và quá trình triển khai đang gặp những khó khăn từ nhiều phía.
Xem hình
Phát tờ rơi tuyên truyền về HIV/AIDS đến người dân

Để lấp dần khoảng trống thiếu hụt khi nguồn thuốc viện trợ quốc tế giảm, từ tháng 7/2017, Việt Nam sẽ bắt đầu thực hiện chi trả tiền thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế (BHYT) và sẽ tăng dần trong những năm tiếp theo nhằm phấn đấu đạt 70% bệnh nhân điều trị HIV/AIDS được thanh toán qua BHYT vào năm 2020. Đồng thời chuẩn bị cho việc triển khai khám, chữa bệnh HIV/AIDS qua BHYT, ngày 15/11/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2188/QĐ-TTg (gọi tắt là Quyết định 2188) về thanh toán thuốc ARV và hỗ trợ người sử dụng thuốc ARV từ nguồn BHYT. Quyết định có thể coi là giải pháp ứng phó kịp thời với tình trạng nguồn viện trợ thuốc ARV bị cắt giảm bắt đầu từ năm 2017.

          Thực hiện Quyết định 2188 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28/12/2016, tỉnh ta đã ban hành Kế hoạch số 111 về hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước để mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS có hộ khẩu tại tỉnh Ninh Bình, nhằm đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho việc thực hiện thành công các mục tiêu cơ bản của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và đảm bảo 100% số người nhiễm HIV/AIDS có hộ khẩu tại Ninh Bình có thẻ BHYT, được hưởng các dịch vụ y tế từ quỹ KCB BHYT. Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là người nhiễm HIV/AIDS có hộ khẩu tại tỉnh Ninh Bình chưa được ngân sách nhà nước hỗ trợ đủ 100% mức đóng để mua thẻ BHYT. Mức hỗ trợ kinh phí đủ 100% mức đóng để mua thẻ BHYT. Năm 2017 dự kiến có khoảng 1.332 người, chiếm 49% số người nhiễm HIV/AIDS chưa có thẻ BHYT; 832 người, chiếm khoảng 60% số người nhiễm HIV/AIDS đã có thẻ BHYT nhưng không thuộc đối tượng được hỗ trợ 100% mức đóng. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện năm 2017 là trên 1,3 tỷ đồng. Từ năm 2018 trở đi, căn cứ số người bệnh nhiễm HIV/AIDS cập nhật, các ngành, đơn vị liên quan sẽ lập danh sách đối tượng được hỗ trợ để trích ngân sách mua thẻ BHYT cho 100% đối tượng…

          Bác sĩ Tống Mạnh Cường, Trưởng phòng Giám định-BHXH tỉnh cho biết: Hiện nay, khi các nguồn tài trợ đã rút đi, quỹ BHXH sẵn sàng chi trả những chi phí của thuốc ARV theo như quy định của Thông tư 40. Theo đó, người nhiễm HIV bên cạnh việc được khám, điều trị, xét nghiệm và được thanh toán theo chế độ của BHYT, còn được cấp thuốc kháng virus, được hưởng các chế độ liên quan đến những bệnh nhiễm trùng cơ hội và được thanh toán liên quan đến chế độ thai sản nếu bị nhiễm HIV. Người nhiễm HIV tham gia BHYT có thể đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở KCB trên địa bàn cấp huyện, cấp tỉnh. Người nhiễm HIV đang điều trị ARV ở đâu, nếu có nhu cầu thì được tiếp tục điều trị tại cơ sở đó khi tham gia BHYT… Nói chung, người nhiễm HIV được hưởng chế độ BHYT như các bệnh nhân khác. Đối với tỉnh ta, ngay từ đầu năm 2016, BHXH tỉnh đã thống nhất với Sở y tế đưa nội dung thanh toán các chi phí cho người nhiễm HIV vào hợp đồng KCB tại các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người bệnh có HIV khi đi khám và điều trị tại các cơ sở y tế.

          Theo bác sĩ Phan Khắc Lưu, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, hiện nay dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh vẫn đang trong giai đoạn tập trung với tỷ lệ lây nhiễm cao trong nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm và thấp ở nhóm cộng đồng dân cư nói chung. Tính đến 31/12/2016, lũy tích phát hiện nhiễm HIV tại Ninh Bình là 3.753 trường hợp, trong đó, tổng số trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống là 1.671, tổng số trường hợp bệnh nhân AIDS còn sống là 1.024, tổng số trường hợp tử vong do AIDS là 1.058. Số bệnh nhân AIDS hiện đang điều trị là 1.074 người; số nhiễm HIV/AIDS đang điều trị Methadone là 122 người; số nhiễm HIV/AIDS rà soát tại các xã, phường, thị trấn là 2.227 người; số nhiễm HIV/AIDS xác định tại các huyện, thành phố là 2.441 người; số nhiễm HIV/AIDS toàn tỉnh là 2.486 người; số nhiễm HIV/AIDS không xác định phân theo huyện là 45, xã là 259. Số người có HIV/AIDS tham gia BHYT tại Ninh Bình mới chỉ đạt khoảng 50% trên tổng số bệnh nhân toàn tỉnh. Sở dĩ số lượng bệnh nhân tham gia BHYT thấp bởi đa số bệnh nhân HIV/AIDS có hoàn cảnh khó khăn và chưa có nhận thức đầy đủ về sự cần thiết của việc mua BHYT.

          Thực hiện Kế hoạch số 111 ngày 28/12/2016 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ kinh phí ngân sách nhà nước để mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS có hộ khẩu tại Ninh Bình, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS đã xây dựng kế hoạch rà soát người nhiễm HIV/AIDS nhằm xác định số bệnh nhân HIV/AIDS đã có hoặc chưa có thẻ BHYT tránh trùng lặp, khai thác đầy đủ thông tin, đảm bảo bí mật thông tin nếu bệnh nhân không muốn công khai danh tính. Thời gian qua, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã tổ chức tập huấn cho các cán bộ tham gia rà soát nắm được mục tiêu, thu thập được các thông tin cần rà soát; lập danh sách, thu thập thông tin về BHYT của 1.074 bệnh nhân; lập danh sách, thu thập thông tin về BHYT của người nhiễm HIV/AIDS ngoài cộng đồng…

          Cũng theo bác sĩ Phan Khắc Lưu, việc thực hiện BHYT cho người nhiễm HIV đang gặp nhiều khó khăn. Đó là vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS hiện vẫn là rào cản chính hạn chế việc tiếp cận với các dịch vụ dự phòng, điều trị và chăm sóc cho người nhiễm HIV. Chính sự kỳ thị phân biệt đối xử không làm giảm dịch mà còn là nguyên nhân dịch HIV tăng nhanh, nguyên nhân là do người nhiễm HIV hoặc có nguy cơ nhiễm HIV lẩn tránh, không dám đến xét nghiệm sớm để biết tình trạng nhiễm bệnh, không tiếp cận với cơ sở chăm sóc, điều trị cho mình và dự phòng cho người khác. Cùng với đó, việc KCB bằng thẻ BHYT cho người nhiễm HIV cần thực hiện theo một mã số riêng tương tự như với đối tượng người nghèo, người có công, chỉ bác sĩ điều trị mới biết họ là người nhiễm HIV, để những người có bệnh không phải tự ti, lẩn tránh vì bị kỳ thị…