Bảo hiểm y tế (BHYT) luôn là một trong những giải pháp tài chính bền vững trong chăm sóc sức khỏe cho người dân. BHYT càng trở nên quan trọng với người nhiễm HIV/AIDS khi các nguồn lực hỗ trợ điều trị HIV/AIDS chấm dứt, lúc này BHYT chính là “phao cứu sinh” giúp bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS giảm bớt chi phí trong điều trị, duy trì sự sống.

Thuốc kháng vi rút (ARV) là giải pháp hiệu quả trong việc bảo vệ sức khoẻ của người nhiễm HIV và bảo vệ cộng đồng khỏi sự lây lan của bệnh. Lợi ích của thuốc ARV là rất lớn, do vậy, Việt Nam đã và đang mở rộng điều trị bằng thuốc ARV cho người nhiễm HIV. Theo thống kê thì trước đây hơn 90% bệnh nhân điều trị bằng thuốc ARV là từ nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên từ năm 2017, các nguồn viện trợ này bị cắt giảm, nếu người bệnh tham gia BHYT thì khó khăn này sẽ phần nào được giải quyết bởi người nhiễm HIV sẽ tiếp tục được điều trị ARV với tiêu chuẩn chuyên môn, phác đồ như hiện nay với mức đồng chi trả như đi khám, chữa các bệnh khác. 

Ngày 15/11/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2188/QĐ-TTg về thanh toán thuốc ARV và hỗ trợ người sử dụng thuốc ARV từ nguồn BHYT. Quyết định có thể coi là giải pháp ứng phó kịp thời với tình trạng nguồn viện trợ thuốc ARV bị cắt giảm bắt đầu từ năm 2017. Quyết định cũng quy định: Các địa phương tùy vào khả năng ngân sách để tính toán hỗ trợ chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng vi rút HIV cho người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT thông qua Quỹ Khám chữa bệnh người nghèo, Quỹ Hỗ trợ người nhiễm HIV; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT có điều trị thuốc kháng vi rút HIV cho người nhiễm HIV sử dụng các nguồn quỹ khác (nếu có).

Quyền lợi của người nhiễm HIV khi tham gia BHYT:

+ Người nhiễm HIV được khám, điều trị, xét nghiệm và được thanh toán theo chế độ của BHYT. Bên cạnh đó, họ được cấp thuốc ARV, được hưởng các chế độ liên quan đến những bệnh nhiễm trùng cơ hội và được thanh toán liên quan đến chế độ thai sản.

+ Người nhiễm HIV tham gia BHYT có thể đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện, tuyến tỉnh. Người nhiễm HIV đang điều trị ARV ở đâu thì được tiếp tục điều trị tại cơ sở đó khi tham gia BHYT.

+ Khi mắc bệnh thì người bệnh nhiễm HIV nếu có thẻ BHYT sẽ được cơ quan BHYT chi trả, thanh toán những chi phí khám chữa bệnh. Tuy nhiên, cũng có một vài bệnh không thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT được quy định tại Điều 24 của Luật Bảo hiểm y tế như: nghiện ma túy, nghiện rượu hay những chất gây nghiện khác. Còn những bệnh lây truyền theo đường tình dục vẫn được thanh toán.

            Người nhiễm HIV có được hưởng chế độ BHYT như những bệnh nhân khác?

-   Theo quy định hiện hành, trẻ em dưới 6 tuổi nhiễm HIV, người nhiễm HIV là người nghèo, người dân tộc thiểu số v.v... được bảo hiểm chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh.

      - Mức chi trả cho người cận nghèo, người đã nghỉ hưu là 95% và cho các đối tượng khác là 80%. Người nhiễm HIV chỉ phải chi trả tối đa là 20% tiền chữa bệnh. Như vậy, cộng đồng người nhiễm HIV/AIDS khi mua BHYT sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích trong nhiều dịch vụ y tế như khám bệnh, làm xét nghiệm HIV, mua thuốc ARV, điều trị dự phòng cho phụ nữ nhiễm HIV mang thai, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội…

Bên cạnh đó, theo Thông tư 15/2015/TT-BYT của Bộ Y tế quy định người tham gia BHYT nhiễm HIV và người tham gia BHYT khi sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS được quỹ BHYT chi trả, cụ thể:

-  Thuốc (bao gồm cả thuốc ARV), hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT;

-  Xét nghiệm HIV đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai và khi sinh con theo yêu cầu chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh nếu không được các nguồn kinh phí khác chi trả;

-  Kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV;

-  Khám bệnh, xét nghiệm HIV, thuốc ARV và các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS khác đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV;

-  Xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh (trừ chi phí xét nghiệm HIV đối với người hiến bộ phận cơ thể người, người cho tinh trùng, noãn);

-  Xét nghiệm HIV, điều trị bằng thuốc kháng HIV đối với người phơi nhiễm HIV, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro (trừ các trường hợp tai nạn rủi ro nghề nghiệp đã được ngân sách nhà nước chi trả);

-  Điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội.

Ngoài ra, theo Thông tư 15/2015/TT-BYT thì trường hợp có nhu cầu, người tham gia BHYT nhiễm HIV được đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tại một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu có khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS tuyến huyện hoặc tuyến tỉnh.

       Như vậy, BHYT rất quan trọng đối với người nhiễm HIV/AIDS, vì vậy, việc người nhiễm HIV vượt qua rào cản tự ti, chủ động tham gia BHYT là để tự bảo vệ tính mạng và sức khỏe của chính mình. Đó chính là giải pháp lâu dài, bền vững để đi đến chiến thắng trong cuộc chiến không ngừng nghỉ với đại dịch AIDS.

 

TT GDSK

 

Tác giả: TT GDSK