ần đầu tiên ở Ninh Bình, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh đã cứu sống và nuôi dưỡng thành công trẻ sơ sinh cực non tháng và nhẹ cân (25 tuần với cân nặng 500 gram). Việc cứu sống và nuôi dưỡng thành công em bé này là một kỳ tích của Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh.


Bác sỹ Phạm Thị Huế đang thăm khám cho các bé tại khoa sơ sinh.
Bác sỹ Phạm Thị Huế đang thăm khám cho các bé tại khoa sơ sinh.

Kể từ khi chào đời vào ngày 26/3/2017, đến nay, bé Mai Thiện Tâm đã được hơn 5 tháng tuổi. Giờ đây nhìn bé không ai tin nổi lúc ra đời bé thân hình nhỏ xíu chỉ 500 gram, trải qua bao khó khăn, nỗ lực của đội ngũ y, bác sỹ tại bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, bé đã được cứu sống và phát triển khỏe mạnh. Bé chính là bằng chứng về công việc lặng lẽ mang lại sự sống cho những sinh linh bé nhỏ của các y, bác sỹ Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh.

Bác sỹ Phạm Thị Huế, người trực tiếp chăm sóc và điều trị cho bé Thiện Tâm cho biết: chị Vũ Thị Hơn (Khánh Nhạc, Yên Khánh), mẹ bé Tâm nhập viện khi mới mang thai 25 tuần, em bé sinh ra trong tình trạng không khóc, tím tái. Ngay lập tức các bác sỹ chuyển bé sang phòng cấp cứu, áp dụng các biện pháp cứu chữa tích cực cho bé. Trải qua bao phen đánh cược với tử thần, bé đã kiên cường chống chọi và trở về mạnh khỏe trong vòng tay ấm áp của gia đình.

Đối với các y, bác sỹ, có thể đây chỉ là công việc thường ngày nhưng với các gia đình có con nhỏ được điều trị tại đây, thì các y bác sỹ chính là người sinh ra các em lần thứ hai.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, Trưởng Khoa sơ sinh cho biết, những năm gần đây, tỷ lệ sinh non ngày càng nhiều. Mỗi năm tại đây tiếp nhận và điều trị hàng nghìn ca sinh non. Những trường hợp thai nhi chỉ 25 - 26 tuần tuổi với cân nặng thấp 700 - 800 gram đã được bệnh viện nuôi sống thành công với tỷ lệ ngày càng cao. Có nhiều loại bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ sinh non như xuất huyết não, suy hô hấp… cũng đều được đội ngũ y, bác sỹ thực hiện thành công.

Năm 2015, tại Bệnh viện đã nuôi sống thành công trường hợp cháu sinh non 25 tuần tuổi và nặng 600 gram, là trường hợp trẻ sinh cực non tháng với cân nặng cực thấp. Tuy nhiên, với ca sinh non cực thiếu tháng chỉ 25 tuần với cân nặng thấp chỉ 500 gram là thành công lớn trong năm 2017 này. 
Ở nước ta, những ca sinh non nhẹ cân như vậy được cứu sống thành công mới chỉ tính trên đầu ngón tay. Những kỳ tích mà các bác sỹ Khoa Sơ sinh làm nên cũng chính là điểm mốc ghi nhận công tác chăm sóc trẻ sinh non của tỉnh nhà có thể nói “ngang tầm” với các quốc gia phát triển về y tế.

Theo bác sỹ Phạm Thị Huế, những trường hợp bé sinh non và cực non thường phải đối mặt với nhiều nguy cơ: Suy hô hấp, nhiễm trùng, viêm ruột… do cấu trúc, chức năng cơ thể bé chưa trưởng thành. Ngoài việc phải chăm sóc các bé ở đơn vị chăm sóc sơ sinh đặc biệt, Bệnh viện còn áp dụng phương pháp Kangaroo và da kề da sớm với mẹ ngay sau sinh để giữ ấm, hạn chế nhiễm trùng, tạo cho bé cảm giác an toàn, được che chở như trong bụng mẹ và thích nghi dần với môi trường bên ngoài. Phương pháp này được áp dụng với trường hợp trẻ sau sinh suy hô hấp cần phải thở NCPAP. Các bé sinh non tháng tại bệnh viện được khám ROP (bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non), tầm soát điếc, siêu âm não, siêu âm tim,  và tái khám theo quy trình ngoại trú để đánh giá sự phát triển trí não, vận động đến 5 tuổi.

Bên cạnh đó, cán bộ y tế Khoa Sơ sinh luôn chú trọng tư vấn về tình trạng, diễn biến sức khỏe cũng như các phương pháp điều trị để cha mẹ hiểu, sẵn sàng tâm lý đồng hành cùng bệnh nhi chống chọi với bệnh tật. Nhờ đó, mối quan hệ giữa cán bộ y tế và gia đình bệnh nhi thêm gắn bó.

Gặp lại bé Mai Thiện Tâm đã được nhắc tới ở trên trong một lần tái khám định kỳ tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, tôi hoàn toàn bất ngờ. Hiện cháu đã được hơn 5 tháng tuổi, nặng 3,5kg. Một cô bé bụ bẫm, xinh xắn, gương mặt hồng hào và có sự vận động lanh lẹ. Nói về sự tồn tại của cháu, với bố mẹ cháu đó là một hành trình gian nan vất vả. Nếu như không có các bác sĩ thì chắc chắn không có bé Tâm hôm nay, và công lao lớn ấy là nhờ đội ngũ các y, bác sỹ của khoa.

Anh Mai Đức Công, bố cháu cho biết cảm giác hồi hộp với đứa con của mình: “Suốt hơn 3 tháng cháu nằm viện, gia đình tôi chỉ được phép nhìn cháu qua khung kính và đếm từng ngày, cứ mỗi lần nghe các bác sĩ, điều dưỡng báo tin cân nặng của cháu tăng thêm nửa lạng lòng tôi cảm thấy bình yên hơn. Đến hôm ra viện, cháu đã cân nặng được 2,2 kg, đã cứng cáp rồi nên được bác sĩ cho ra viện”. Chị Hơn, mẹ cháu cứ thi thoảng ôm ấp, hít hà đứa con nhỏ không lúc nào rời như để bù đắp cho 105 ngày ròng rã nhìn con qua khung kính mà không được bế bồng chăm sóc. Chừng ấy thời gian, chị đã trải qua những ngày tháng làm mẹ trong chờ đợi, có lúc tuyệt vọng nhưng rồi niềm hy vọng được thắp lên, vỡ òa trong hạnh phúc.

Niềm vui, niềm hạnh phúc ấy của anh chị Công cũng là niềm vui chung của những gia đình của bé Minh Khuê, Tuyết Linh…. là những trường hợp sinh non tháng có cân nặng thấp được bệnh viện cứu sống và nuôi dưỡng thành công trong những năm qua.

Giành lại sự sống cho các bé là các y, bác sĩ ở đây đã sinh ra bé lần thứ hai. Nhưng điều quan trọng hơn cả là về kỹ thuật y học đã có một sự phát triển vượt bậc ở Khoa Sơ sinh nói riêng và chuyên ngành y khoa về trẻ sơ sinh nói chung tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Ninh Bình.


Tác giả: BaoNinhBinh