Ngày 14/3, Sở Y tế Ninh Bình tổ chức hội thảo kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS và Mở rộng bao phủ BHYT cho người nhiễm HIV. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Đức Dương - Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS – Bộ Y tế; Tiến sĩ Vũ Mạnh Dương – TUV, Giám đốc Sở Y tế; Bà Đặng Thị Thanh Hà Phó Giám đốc BHXH tỉnh và đại diện Lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh – Xã hội tỉnh; Đại diện các Phòng chức năng Sở Y tế; Đại diện lãnh đạo các BVĐK tỉnh, BV Sản - Nhi; Bệnh viện đa khoa và TTYT, BHXH các huyện, thành phố cùng dự
Xem hình

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe kết quả triển khai công tác điều trị HIV/AIDS và kiện toàn cơ sở điều trị, mở rộng BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh; Hướng dẫn kiện toàn cơ sở điều trị đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS được chi trả BHYT; Định hướng mở rộng chi trả các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh từ Quỹ BHYT; Quy định chung về thẩm định và thanh toán hợp đồng khám chữa bệnh …Tính đến 30/11/2016 lũy tích toàn tỉnh phát hiện 3.776 người nhiễm HIV, số người còn sống 2.719 người, số bệnh nhân HIV/AIDS hiện đang điều trị ARV tại các phòng khám ngoại trú là 1071 người.

Những năm qua, sự hỗ trợ từ các dự án của Bộ Y tế đã giảm gánh nặng cho kinh phí địa phương trong các hoạt đồng phòng, chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, đến năm 2018 nguồn thuốc ARV điều trị HIV viện trợ từ các tổ chức quốc tế sẽ chấm dứt tài trợ trong khi đó nhu cầu điều trị bằng kháng vi rút ARV ngày càng tăng mà ngân sách nhà nước không đáp ứng được. Do vậy để ứng phó với sự thiếu hụt ngân sách này, đặc biệt cho công tác điều trị HIV/AIDS, Chính phủ đã có chỉ đạo: Chuyển dần nhiệm vụ điều trị người nhiễm HIV/AIDS từ các chương trình, dự án sang nhiệm vụ của Quỹ BHYT. Các cơ sở điều trị HIV/AIDS phải đáp ứng được các điều kiện để hợp đồng khám, chữa bệnh với bảo hiểm y tế và người nhiễm phải có thẻ BHYT. Tuy nhiên hầu hết các cơ sở điều trị HIV/AIDS hiện nay chưa thể chi trả việc điều trị HIV/AIDS qua quỹ BHYT do nhiều nguyên nhân khác nhau. 

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận về những khó khăn và giải pháp khi thực hiện thanh toán qua BHYT, mở rộng phòng khám và điều trị ngoại trú OPC tại các huyện trong tỉnh đến năm 2020 cùng các biện pháp tăng độ bao phủ BHYT.Từ đó, tìm ra giải pháp mở rộng cơ sở chăm sóc, điều trị HIV/AIDS; tăng tỉ lệ người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT trong tương lai; đảm bảo 100% người nhiễm HIV tham gia BHYT; tạo thuận lợi cho bệnh nhân dễ tiếp cận ARV nhưng vẫn tôn trọng nhu cầu bệnh nhân chọn cơ sở khám chữa bệnh phù hợp và tiến tới bình thường hóa HIV/AIDS như một bệnh truyền nhiễm./.

Tác giả: Thu Trang