Trong những năm qua, công tác phòng chống HIV/AIDS ở Ninh Bình đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đến nay Ninh Bình đã cơ bản kiểm soát được tình hình, kiềm chế, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi nguy cơ về AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm, góp phần thiết thực vào các thành tựu phát triển bền vững của đất nước và sự bình yên của nhân dân. Bên cạnh nhiều giải pháp, tỉnh Ninh Bình đặc biệt chú trọng tới phương pháp truyền thông để nâng cao nhận thức toàn cộng về HIV/AIDS, chung tay từng bước thanh trừ đại dịch này

Có dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt luôn rạng ngời nụ cười trên môi, hoạt bát, nhanh nhẹn ít ai có thể nghĩ rằng chị Vũ Thị Bích- xã Kim Chính- huyện Kim Sơn đang mang trong mình một căn bệnh thế kỉ HIV mà cách đây 12 năm chị lây nó từ người chồng quá cố của mình.

Tâm sự với chúng tôi, chị Bích nói: Lần đầu đi xét nghiệm, khi cầm trên tay tờ giấy thông báo kết quả dương tính với HIV, đất như sụt dưới chân chị vì như đang cầm bản án tử hình. Nhưng nhờ sự quan tâm giúp đỡ tận tình của các chị y tế thôn, chị đã tự tin vượt qua chính mình 

Có hoàn cảnh tương tự, chị Trần Thị Chi- xóm 4 xã Gia Sinh huyện Gia Viễn, chúng tôi cảm nhận được từ trái tim chị một khát khao được sống và sống có ích cho chính những người thân của mình. Rôm rả tiếp chuyện chúng tôi chị như khoe rằng tôi là người bị nhiễm HIV nhưng tôi vẫn khoẻ mạnh, lạc quan yêu đời và vẫn lao động hăng say như bao người bình thường khác. Và chị được như ngày hôm nay là nhờ sự đùm bọc yêu thương của gia đình nhà chồng, sự tư vấn, truyền thông những kiến thức về HIV từ các anh chị ở trạm y tế xã nhà.  

Chị Bích và chị Chi là 2 trong rất nhiều trường hợp bị nhiễm H trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và đã sớm vượt lên bệnh tật để hòa nhập với cộng đồng. Họ đã tin vào những gì mình được tuyên tuyền và tin vào tương lai, sống tích cực hơn. Ở họ có một ý chí, nghị lực phi thường vượt lên cả bản thân, những tự ti, mặc cảm để hoà nhập cộng đồng. Những người như họ nay không bị xa lánh, kì thị, bên họ còn có gia đình, bạn bè, hàng xóm.

Mặc dù diễn biến của HIV/AIDS vẫn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, khó lường đặc biệt là trong nhóm người tiêm chích ma túy và phụ nữ bán dâm. Song, năm 2011 luỹ tích phát hiện nhiễm HIV/AIDS của toàn tỉnh Ninh Bìnhlà trên 2700  trường hợp, trong đó bệnh nhân AIDS giảm 12 trương hợp, giảm 11 trường hợp tử vong do AIDS so với năm 2010,  Kết quả trên là sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành trong toàn tỉnh Ninh Bình, trong đó phải kể tới sự chuyển biến tích cực trong việc truyền thông cho cộng đồng về phòng chống HIV/AIDS.

Thực tế cho thấy, người bị nhiễm HIV/AIDS luôn có thái độ mặc cảm, có lúc, có nơi trong xã hội đã có sự kì thị về họ, vì thế họ gặp khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng. Xác định rõ vài trò nhiệm vụ của mình, trong thời gian qua, đội ngũ cán bộ tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Ninh Bình luôn làm tốt công tác tuyên truyền cho đối tượng và quần chúng nhân dân về căn bệnh, từ đó nâng cao hiểu biết phòng chống. Bên cạnh công tác tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan treo panô, áp phích, quản cáo  thì các hình thưc tư vấn luôn được chú trọng như : tư vấn tại trung tâm, qua điện thoại, thư… để những người không may bị nhiễm H cảm thấy được gần gũi, được chia sẽ, có tâm lý tốt hơn và yên tâm điều trị. Tạicác địa bàn trọng điểm, nhóm đối tượng nguy cơ cao được truyền thông trực tiếp, phổ biến kiến thức về ma túy và HIV/AIDS. Đặc biệt là  thông qua 18 mô hình điểm  phòng chống HIVđã huy động được các ban ngành đoàn thể vào cuộc, có thể nói đó là những nhân tố tích cực tuyên truyền cho cộng đồng những kiến thức về HIV.

Tỉnh Ninh Bình đặc biệt chú trọng tới việc nâng cao kỹ năng truyền thông HIV cho các các cộng tác viên  thông qua các lớp tập huấn, các buổi hội thảo chuyên đề...Và điều đáng nói ở đây là các cộng tác viên phải có sự nhiệt tình, chu đáo, tâm huyết với công việc. Chia sẻ với chúng tôi về công tác tuyên truyền phòng chống HIV ở địa phương, chị Phạm Thị Khuyên- Cộng tác viên y tế xã Trường Yên cho biết địa bàn chị phụ trách còn gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền các đối tượng bị nhiễm H vì thái độ mặc cảm với xã hội, những đối tượng như này chị phải nỗ lực với phương châm " mưa dầm thấm lâu" để họ có thể hòa nhập cộng đồng một cách sớm nhất. Bên cạnh đó, bản thân chị cũng không ngừng học hỏi, trau dồi kỹ năng truyền thông, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào  phong trào phòng chống HIV tại địa phương. 

Bên cạnh đó, chính những người bị nhiễm H hơn ai hết họ lại là những người tích cực trong công tác tuyên truyền. Hàng trăm thành viên từ6 câu lạc bộ đồng đẳng trong phòng chống HIV/AIDS như: “ Vì ngày mai tưoi sáng”, “ khát vọng tình thương”…đã phát huy được hiệu quả hoạt động trong công tác tuyên truyền phòng chống HIV tại cộng đồng. Qua đó làm thay đổi cách nhìn nhận của xã hội về người nhiễm H, giúp họ không còn mặc cảm, tâm lý tự ti, động viên chính  họ tích cực tuyên truyền cho những người cùng cảnh, các bạn trẻ biết cách phòng tránh HIV và sự lây nhiễm. Giờ đây, chính họ là những con người năng động, hăng hái nhiệt tình trong các phong trào thi đua nơi cư trú và tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con ngoan học giỏi…, Nhiều người trong số họ trở thành những thành viên tiêu biểu trong công tác phòng chống HIV tại địa phương và được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp - đó là niềm động viên an ủi có ý nghĩa với những người nhiễm HIV.  Anh Ngô Văn Công- Chủ nhiệm câu lạc bộ “ Bồ câu trắng” ở Xã Trường Yên là người như thế.  Anh tâm  sự những tấm bằng khen không làm anh tự hào về nó, mà anh cho rằng sự cố gắng của những người như anh  đã được ghi nhận,  họ vẫn còn có giá trị đối với cuộc đời và xã hội. Cái mà anh thấy tự hào hơn đã tìm lại được chính mình và tích cực giúp đỡ  những người có hoàn cảnh như mình. Và để mỗi người nhiễm H có được suy nghĩ ấy , để cả xã hội chung tay chống lại đại dịch như hôm nay, có thể khẳng định - công tác truyền thông tuyên truyền góp phần quan trọng làm chuyển biến nhận thức cả cộng đồng xã hội về HIV/AIDS.

Cho dù ở điều kiện hoàn cảnh nào, công tác tuyên truyền vẫn luôn có giá trị, và trong công tác phòng chống HIV/AIDS cũng vậy. Ông Hoàng Huy Phương- Giám đốc TT PC HIV tỉnh Ninh Bình khẳng định: Công tác truyền thông về phòng chống HIV luôn được trú trọng và trong thời gian tới để làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền này trung tâm phòng chống HIV tiếp tục củng cố mạng lưới y tế thôn bản , tạo mọi điều kiện thuận lợi để họ nâng cao năng lực truyền thông, tuyên truyền kiến thức về phòng chống HIV tới cộng đồng dân cư dưới nhiều hình thức đẻ huy động mọi nguồn lực, ban ngành đoàn thể chung tay chung sức cùng tham gia thanh trừ đại dịch HIV/AIDS.

Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những số phận nhiễm H bị kỳ thị, xa lãnh, bị coi là khối u của xã hội….đó cũng chính là một phần trách nhiệm của một số ban nghành đoàn thể địa phương chưa thực sự nỗ lực vì an sinh xã hội. Đâu đó vẫn còn những nhân tố chưa tích cực vì một xã hội an sinh. Thiết nghĩ nếu được mọi tấng lớp nhân dân tích cực tham gia vào công tác này ,tin chắc rằng một ngày mai tưoi sáng sẽ tới với mọi số phận không may mắn bị nhiễm Hvà họ thật sự sẽ là những người “đôi lúc quên đi mình là người nhiễm H”- đó mới chính là ý nghĩa nhân văn và là một trong những hiệu quả vô cùng ý nghĩa mà chúng ta đạt đựoc trong công tác truyên thông về phòng chống HIV/AIDStại tỉnh Ninh Bình nói riêng vàtoàn thế giới nói chung. Đó cũng là điều kiện cần và đủ để tìm đáp án của bài toán “ làm thế nào để công tác phòng chống HIV/AIDS đạt hiệu quả ”./.

 

 

Tác giả: Thu Minh