Sau 6 năm triển khai chương trình chăm sóc bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng tại 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, đến nay hiệu quả của chương trình đã góp phần quan trọng giúp người bệnh hòa nhập với gia đình và cộng đồng.

Chúng tôi về Trạm y tế xã Khánh Hoà (Yên Khánh) đúng vào ngày bác sĩ phụ trách chương trình tâm thần đang tổ chức truyền thông trực tiếp về bệnh tâm thần cho người nhà và bệnh nhân trên địa bàn xã. Khánh Hoà là một trong những xã đầu tiên được Bệnh viện Tâm thần tỉnh triển khai mô hình điểm chương trình bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ tâm thần tại cộng đồng.

Hiện nay trên địa bàn xã đang quản lý hồ sơ 39 bệnh nhân (trong đó 20 bệnh nhân bị mắc bệnh tâm thần phân liệt, còn lại bệnh nhân bị mắc bệnh động kinh). Nếu như những năm trước, khi chưa có dự án chăm sóc bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng, trong tổng số bệnh nhân bị mắc bệnh thì Khánh Hoà có đến trên 60% bệnh nhân tâm thần mắc bệnh nặng thường xuyên gây huyên náo tại cộng đồng, ảnh hưởng đến trật tự trị an, gia đình họ phải tốn kém về kinh tế để đưa bệnh nhân đi điều trị nội trú.

Từ khi chương trình được triển khai, bệnh nhân mắc bệnh tâm thần được quản lý ngay tại cộng đồng. Bệnh nhân và gia đình người bệnh được tuyên truyền sâu rộng về bệnh tâm thần và các biện pháp phòng, chống. Cán bộ Trạm y tế còn hướng dẫn gia đình bệnh nhân cách chăm sóc cho người bệnh, biện pháp phục hồi chức năng tại gia đình, nhắc nhở, đôn đốc bệnh nhân uống thuốc đúng liều, đúng giờ nên sức khoẻ của bệnh nhân tâm thần đã hồi phục, các trường hợp bệnh nhân rối loạn tâm thần không phải đưa đi điều trị.

Trường hợp ông Vũ Văn Quy ở xóm Nội, xã Khánh Hoà bị mắc bệnh tâm thần phân liệt là một điển hình. Từ khi chương trình chăm sóc bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng được triển khai tại xã, ông Quy cũng như những bệnh nhân khác được hưởng lợi từ dự án. Hàng tháng, ông Quy được người nhà đưa đến Trạm y tế xã khám bệnh, điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp và được các bác sỹ, y tá tư vấn về việc uống thuốc, cách giao tiếp, sinh hoạt hàng ngày, phương thức lao động phù hợp với sức khỏe bản thân. Sau nhiều năm duy trì uống thuốc theo đúng chỉ định của các bác sỹ, đến nay bệnh tâm thần phân liệt của ông Quy đã giảm, sức khoẻ của ông đã hồi phục tốt. Hiện nay, ông Quy đã 51 tuổi nhưng vẫn lao động bình thường, với công việc hàng ngày tại xưởng mộc của gia đình do chính ông làm chủ và còn tạo việc làm cho 3 người cùng xóm. Tâm sự với chúng tôi, ông Vũ Văn Quy cho biết: “Tôi bị mắc bệnh từ năm 17 tuổi. Trước đây, tôi phải lên tận tỉnh để lấy thuốc uống, nhưng những năm gần đây tôi không phải đi xa nữa mà được khám bệnh và lĩnh thuốc ngay tại Trạm y tế xã. Đến nay, bệnh tình của tôi đã phục hồi, tôi có đủ sức khoẻ để tham gia công việc lao động tại gia đình”.

Chị Trịnh Thị Tằm cũng ở xã Khánh Hoà bị mắc bệnh tâm thần phân liệt khi ở độ tuổi 32. Được sự quan tâm hướng dẫn điều trị của các bác sỹ, y tá Trạm y tế và y tế thôn; sự quan tâm chăm sóc, động viên của gia đình và người chồng, hiện tại, bệnh của chị Tằm đã thuyên giảm, chị có thể đi chợ bán rau, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Anh Phan Văn Vở, chồng của chị Tằm tâm sự: “Vợ tôi mắc bệnh đã lâu, sau khi điều trị bệnh trên tỉnh một đợt thì được về Trạm y tế xã lĩnh thuốc uống. Thật phấn khởi vì bây giờ sức khoẻ của vợ tôi đã ổn định. Đây là chỗ dựa tinh thần cho bố con tôi”.

Toàn tỉnh hiện đang quản lý 4.647 bệnh nhân tâm thần, trong đó bệnh nhân tâm thần phân liệt là 1.396 người, loạn thần nặng khác là 1.242 người và động kinh là 2.009 người. Sau nhiều năm triển khai chương trình chăm sóc bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng đã có 70,4% người bệnh hòa nhập với gia đình và cộng đồng, tỷ lệ tái phát bệnh còn 3-3,5%. Hoạt động này còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết phải quan tâm, chăm sóc sức khỏe tâm thần và có những hiểu biết nhất định về căn bệnh này để phối hợp cùng cơ sở y tế trong việc điều trị khi có người thân mắc phải những rối loạn về tâm thần.

 

 

Tác giả: Thuý Hà - Trung tâm TT GDS