Kinh tế ngày càng phát triển, mức sống ngày càng nâng cao, mọi người càng có điều kiện tốt hơn trong việc thực hiện VSATTP và yêu cầu về chất lượng VSATTP cũng đặt ra ngày càng cao hơn, khắt khe hơn nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Xem hình
Đoàn kiểm tra Liên ngành tiến hành lấy mẫu ở một số cơ sở tại Tp. Ninh Bình. Ảnh: Phạm Trường

Những năm gần đây, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân, của toàn xã hội. Công tác bảo đảm VSATTP ngày càng được các cơ quan chức năng chú trọng thực hiện và đạt kết quả đáng phấn khởi.

Ở Ninh Bình, những năm qua công tác bảo đảm VSATTP được triển khai rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở và đạt được sự chuyển biến tích cực trên hầu hết các mặt hoạt động. Bên cạnh việc tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về ý nghĩa của VSATTP trong đời sống tỉnh Ninh Bình cũng hết sức coi trọng công tác tổ chức, chỉ đạo, điều hành, khẳng định vai trò và hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước đối với việc đảm bảo VSATTP; thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về VSATTP cho các đối tượng là cán bộ y tế, cán bộ hội, đoàn thể, cán bộ, nhân viên các bếp ăn tập thể, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm...; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về VSATTP; duy trì công tác hậu kiểm, giám sát mối nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, kiểm nghiệm chất lượng VSATTP; tiến hành nghiêm việc cấp giấy chứng nhận; triển khai nghiên cứu khoa học và xây dựng mô hình điểm về VSATTP...

Nhiều năm qua, Ninh Bình không để xảy ra các vụ ngộ độc lớn. Năm 2010 cả tỉnh chỉ xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm với 16 người mắc, số vụ và số người ngộ độc trong năm qua đều thấp hơn so với trung bình giai đoạn 2006-2009 (3,5 vụ, 89,5 người mắc/năm) và quan trọng là không có trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm.

Tuy vậy, VSATTP vẫn là vấn đề được các cơ quan chức năng và người tiêu dùng hết sức quan tâm, bởi dù có giảm nhưng tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn còn và luôn có nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào. Trong năm 2010, qua tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành ở 5.441 cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn còn 926 cơ sở vi phạm, trong đó 192 cơ sở bị xử phạt cảnh cáo, 7 cơ sở bị đình chỉ sản xuất; 29 cơ sở bị hủy sản phẩm do kinh doanh hạt dưa nhuộm phẩm màu công nghiệp; giò, chả, mọc có hàn the, thịt bị ôi hỏng; bia, mì chính hết hạn sử dụng; kẹo, bánh bị mốc và không rõ nguồn gốc...

Để công tác bảo đảm VSATTP ngày càng được nâng cao chất lượng, đạt hiệu quả và tính bền vững ngày càng cao hơn, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của các cấp chính quyền, đoàn thể, các cơ quan chức năng và đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân (cả người tiêu dùng và người sản xuất, kinh doanh thực phẩm). Hưởng ứng “Tháng hành động vì chất lượng VSATTP” năm nay được phát động từ 15-4 đến 15-5 với chủ đề “Sản xuất - kinh doanh - sử dụng thực phẩm theo Luật An toàn thực phẩm” và thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia bảo đảm VSATTP năm 2011, Ban chỉ đạo liên hành về VSATTP tỉnh đã triển khai kế hoạch hoạt động, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Tổ chức triển khai đồng bộ các hoạt động từ tuyến tỉnh, huyện đến các xã, phường, thị trấn trong Tháng hành động, trong đó đặc biệt chú ý đến các hoạt động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả cộng đồng bao gồm trách nhiệm của Nhà nước, trách nhiệm của doanh nghiệp, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm chất lượng VSATTP, nhất là nhận thức đầy đủ và thực hiện các quy định của Luật An toàn thực phẩm và văn bản quy phạm pháp luật về VSATTP; tăng cường và phát huy hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP các cấp; phát huy hơn nữa vai trò và hiệu quả của công tác thông tin, giáo dục, truyền thông; xây dựng và hoàn thiện hệ thống kiểm nghiệm tại các tuyến...Tiến tới hình thành ý thức tự giác trong nhân dân về thực hiện VSATTP thì chất lượng công tác đảm bảo VSATTP mới thực sự bền vững và ngày càng đạt hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
                                                                                                                                                                                                                                                           Đỗ Ngọc Phan