Năm nay, Tháng hành động vì Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) triển khai từ 15-4 đến 15-5. Ban chỉ đạo Liên ngành về VSATTP đã tiến hành kiểm tra một số cơ sở, qua đó xử lý nghiêm những trường hợp vị phạm và đề xuất giải pháp tăng cường, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này từ tỉnh đến cơ sở
Xem hình
Đoàn kiểm tra Liên ngành của tỉnh tiến hành lấy mẫu ở một số cơ sở

Một cán bộ chuyên trách về công tác VSATTP thành phố Ninh Bình cho biết: Trên địa bàn thành phố hiện có trên 1.300 cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, nhà hàng, khách sạn, quán ăn lớn…, nhưng cán bộ làm công tác quản lý về VSATTP quá ít nên việc kiểm tra, kiểm soát là rất khó. Trong khi các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi. Mặt khác, các hình thức xử phạt như phạt tiền, tiêu huỷ hàng hoá không đảm bảo chất lượng không đáng gì so với lợi nhuận thu được nên tình trạng vi phạm VSATTP vẫn tiếp diễn, nhất là vào các dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên đán….

Điển hình như dịp Tết Nguyên đán vừa qua, lường trước được giá cả các mặt hàng sẽ tăng cao vào dịp Tết, nhiều cơ sở kinh doanh đã “găm” hàng từ trước đó rất lâu. Thịt lợn, thịt bò… được bỏ tủ đá bảo quản quá lâu nên đã chuyển màu, bốc mùi hôi nhưng vẫn được sử dụng chế biến giò, chả. Đoàn thanh tra liên ngành tỉnh đã phát hiện một số cơ sở sản xuất, kinh doanh giò, chả với số lượng lớn đã vi phạm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Điển hình như cơ sở chế biến giò, chả Vinh Hoa ở phường Phúc Thành (thành phố Ninh Bình) có hàng chục kg thịt xay đã dùng hàn the để làm giò chả, đây là chất phụ gia nghiêm cấm cho vào thực phẩm, là chất ngoài danh mục cho phép sử dụng nhưng vì hám lợi cơ sở này vẫn đưa vào chế biến để kiếm lời. Đoàn thanh tra liên ngành cũng phát hiện vẫn còn khá nhiều cơ sở sử dụng hàn the trong chế biến giò, chả, người tiêu dùng nếu sử dụng loại giò, chả này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ.

Trước tình hình vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng năm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyền truyền về cả hình thức và nội dung nhằm cảnh báo, răn đe các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người tiêu dùng. Đồng thời tăng cường công tác tập huấn kiến thức VSATTP cho các đối tượng là cán bộ y tế tuyến huyện, thị, xã, phường, hội, đoàn thể, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Năm 2010 đã mở 61 lớp tập huấn (đạt 120% kế hoạch) cho trên 4.500 người tham dự, trong đó tập huấn cho cán bộ y tế thôn, bản tuyến xã 14 lớp với trên 1.300 người tham gia; cho các cán bộ quản lý và nhân viên biên chế tại bếp ăn tập thể các trường mầm non, tiểu học 7 lớp với 500 người tham dự; tập huấn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể 12 lớp với trên 1 nghìn người tham dự…

Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về VSATTP được tăng cường nên đã mang lại hiệu quả và có những chuyển biến nhất định. Ngoài duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát VSATTP tại các tuyến, vào 3 dịp trọng điểm trong năm như Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì chất lượng VSATTP và Tết Trung thu, Đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh đã tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm nâng cao ý thức cho người kinh doanh, kiên quyết xử phạt nghiêm minh các lỗi vi phạm, xử lý dứt điểm các vụ việc nổi cộm, tiêu huỷ hàng loạt các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, góp phần chấn chỉnh và đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm vào thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Năm 2010, có trên 5.400 lượt cơ sở được thanh, kiểm tra, trong đó có 717 cơ sở sản xuất, 2.573 cơ sở kinh doanh và 2.150 cơ sở dịch vụ ăn uống. Kết quả có 926 cơ sở vi phạm, xử phạt cảnh cáo 192 cơ sở, đình chỉ sản xuất 7 cơ sở và phạt tiền 73 cơ sở, với tổng số tiền phạt gần 80 triệu đồng. Có 29 cơ sở bị huỷ sản phẩm, gồm 195 kg hạt dưa chứa phẩm màu công nghiệp, 263 kg giò, chả, mọc có hàn the, 53 kg thịt ôi thiu, 37 chai bia và 20 gói mì chính hết hạn sử dụng và nhiều hộp bánh đậu xanh, kẹo, bánh… bị mốc, không rõ nguồn gốc.

Thực tế cho thấy, việc kiểm tra, xử lý trong các đợt thanh tra, kiểm tra hàng năm chỉ là giải pháp tình thế để ngăn chặn một phần những trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm; bởi trong thực tế còn khá nhiều hàng hoá, thực phẩm trôi nổi không thể kiểm soát, ngăn chặn được. Vì vậy người tiêu dùng nên sáng suốt lựa chọn những sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, để bảo vệ sức khoẻ cho chính mình và người thân.