Ngày Hen toàn cầu (WAD) là một sự kiện nâng cao nhận thức hàng năm được hỗ trợ bởi Tổ chức Chiến lược toàn cầu về Hen (GINA) và Viện Tim phổi và Máu Quốc gia Hoa Kỳ (NHLB) và Quỹ Hen Thế giới. Mục đích của ngày hen toàn cầu hàng năm là nâng cao nhận thức về bệnh hen phế quản và những ảnh hưởng của bệnh hen phế quản đối với người bệnh nói riêng và cả cộng đồng nói chung. 

Bệnh hen phế quản là một bệnh mạn tính của đường hô hấp. Khi xuất hiện cơn hen, lớp niêm mạc của ống phế quản sẽ phù nề (sưng lên), viêm nhiễm và dễ bị kích ứng. Sự co thắt và viêm nhiễm sẽ làm thu hẹp các đường dẫn khí, làm giảm lưu lượng không khí ra vào phổi. Khi tình trạng phù nề trở nên nghiêm trọng, đường dẫn khí bị tắc nghẽn, khiến người bệnh sẽ phải đối mặt với tình trạng khó thở, thở khò khè, đau ngực hoặc ho,.…

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hen phế quản là bệnh có tầm quan trọng lớn tới sức khỏe cộng đồng. Mặc dù cho đến nay, hen phế quản là bệnh chưa chữa khỏi hoàn toàn nhưng bệnh có thể thuyên giảm và phòng ngừa được các cơn hen cấp xảy ra.Nếu bệnh hen phế quản được kiểm soát thì người bệnh có thể sống một cuộc sống bình thường, dù có thể phải tránh một số tác nhân gây bệnh. Vì vậy, giáo dục và hiểu biết là chìa khóa để kiểm soát hiệu quả bệnh hen phế quản/hen suyễn.

 
 


Ngày Hen toàn cầu năm 2022 diễn ra vào ngày 3 tháng 5với chủ đề  “Khép lại khoảng cách trong chăm sóc bệnh hen”.

 

Hiện nay, trong chăm sóc bệnh hen phế quản vẫn còn tồn tại một số khoảng cách cần được can thiệp. Qua đó giảm bớt những tổn thất có thể ngăn ngừa được và các chi phí phát sinh do điều trị bệnh hen phế quản không được kiểm soát gây ra. Nhân Ngày hen toàn cầu (ngày 03/5/2022) với chủ đề "Thu hẹp khoảng cách trong chăm sóc bệnh hen suyễn" đã đặt ra những thách thức cho cộng đồng quốc tế về bệnh hô hấp. Chúng ta cần làm việc cùng với đồng nghiệp, bệnh nhân và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe để xác định và thu hẹp khoảng cách trong chăm sóc bệnh hen. Đồng thời giúp thực hiện và chia sẻ các giải pháp sáng tạo tại địa phương và trên toàn cầu.

Những khoảng cách hiện tại trong chăm sóc bệnh hen suyễn cần được thu hẹp bao gồm:

- Khả năng tiếp cận bình đẳng với chẩn đoán và điều trị của người bệnh.

- Quan tâm đến các nhóm tuổi, dân tộc và kinh tế xã hội khác nhau của đối tượng bệnh nhân mắc hen phế quản.

- Trong giao tiếp và giáo dục được cung cấp cho những người mắc bệnh hen.

- Kiến thức về bệnh hen phế quản và nhận thức về bệnh hen giữa các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

- Ưu tiên giữa bệnh hen phế quản và các bệnh lý mạn tính khác.

- Giữa việc kê đơn thuốc hít và theo dõi sự tuân thủ và khả năng sử dụng các thiết bị này.

- Tồn tại đối với nhận thức và hiểu biết của công chúng (người không mắc bệnh hen phế quản) và chuyên gia chăm sóc sức khỏe rằng hen là một bệnh mạn tính (không cấp tính).

Hãy cùng chung tay để hỗ trợ những người mắc bệnh hen hiểu rõ hơn về bệnh hen, nâng cao nhận thức và giúp họ có thể hòa nhập cuộc sống bình thường tốt hơn.

 

Bs. Nguyễn Thị Nhàn - TTKSBT