Đó là chủ đề Ngày Thế giới Chống lao năm 2012 do Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra cùng với khẩu hiệu “Hãy cùng nhau ngăn chặn bệnh lao trong cuộc sống của chúng ta”.
Xem hình
PGS.TS. Đinh Ngọc Sỹ phát biểu tại buổi gặp mặt

Hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng chống lao (tháng ba) và ngày Thế giới Chống lao (24/3), sáng 6/3/2012, tại Hà Nội, Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương phối hợp với Chương trình Chống lao Quốc gia và Tổ chức PATH đã tổ chức  gặp mặt phóng viên các cơ quan báo chí. Tham dự buổi gặp mặt có PGS.TS. Đinh Ngọc Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Lao quốc gia; BS. Đặng Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương; BS. Vũ Ngọc Bảo, Giám đốc Chương trình lao của Tổ chức PATH.

Theo báo cáo của Chương trình Chống lao quốc gia, Việt Nam xếp thứ 12 trong 22 nước có số bệnh nhân lao nhiều nhất thế giới, xếp thứ 14 trong 27 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao trên toàn cầu. Mỗi năm Chương trình Chống lao quốc gia phát hiện 100 nghìn bệnh nhân và chữa khỏi cho 92% số bệnh nhân mới phát hiện. Tuy nhiên, tỷ lệ lao đa kháng thuốc vẫn ở mức cao 2,7%. Mục tiêu tổng quát của Chương trình Chống lao quốc gia là: Giảm 50% số bệnh nhân hiện mắc so với ước tính năm 2000; Khống chế tỷ lệ bệnh nhân lao kháng đa thuốc bằng mức năm 2010 bằng cách phát hiện sớm, nhiều nhất tất cả các thể lao; Duy trì tỷ lệ điều trị khỏi cao; Tiến tới thanh toán bệnh lao ở Việt Nam vào năm 2030.  

Phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí, PGS.TS. Đinh Ngọc Sỹ cho biết: Năm nay, nhân dịp Ngày thế giới Chống lao 24/3, Chiến dịch vận động, truyền thông phòng chống lao đã được Chương trình Chống lao Quốc gia chuyển từ một ngày thành Tháng hành động Quốc gia phòng chống lao với mong muốn huy động toàn xã hội cùng thực hiện công tác phòng, chống lao, nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh lao.

PGS.TS. Đinh Ngọc Sỹ khẳng định, bệnh lao là bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu chúng ta hiểu và đầu tư đúng. “Vì một thế giới không còn bệnh lao”, hãy hành động ngay từ ngày hôm nay. 

Các thông điệp chính truyền thông về phòng chống lao

Ngân sách hàng năm đầu tư cho công tác phòng chống và điều trị bệnh lao vẫn là quá ít, vì vậy, đến nay vẫn có người tử vong vì lao – một bệnh có thể chữa được.

Con người là vốn quý của xã hội. Hãy coi những người bệnh lao là trung tâm của công tác phòng và chống bệnh lao.

Hãy sớm mang những tiến bộ y học mới nhất liên quan đến phòng chống bệnh lao để chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.

Trẻ em là tương lai của đất nước! Không để trẻ em mắc lao và chết vì bệnh lao.

Không để người nhiễm HIV mắc bệnh lao. Hãy phát hiện sớm và điều trị cho họ.

Những hoạt động nhân đạo là những hoạt động hướng về người nghèo, những người đang chịu thiệt thòi, những người dễ bị tác động của các bệnh xã hội - Lao và HIV.

Lợi nhuận trong kinh doanh, sản xuất sẽ có giá trị hơn khi đầu tư cho chất lượng cuốc sống của xã hội, cho người lao động.

Các đoàn thể, các tổ chức xã hội hãy tích cực tham gia vào công tác phòng chống bệnh lao. 

 

 

Tác giả: Trung tâm TT GDSK