Ngày 13/7, Viện Sức khỏe Sinh sản và Gia đình (một tổ chức phi chính phủ), Cơ quan hợp tác và phát triển Thụy Sỹ tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án “Tăng cường sự tham gia của nam giới và trẻ em trai vào phòng chống bạo lực gia đình với phụ nữ và trẻ em tại tỉnh Ninh Bình”.
Xem hình
Quang cảnh Hội thảo

Nghiên cứu khảo sát về tình trạng bạo lực gia đình và thái độ của cán bộ y tế đối với nạn nhân của của bạo lực gia đình ở huyện Nho Quan và huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình) do Viện Sức khỏe Sinh sản và Gia đình tiến hành vào năm 2000 cho thấy, bạo lực gia đình đối với phụ nữ là tình trạng  khá phổ biến, không kể giàu nghèo, thành phố hay nông thôn, nghề nghiệp và trình độ văn hóa cao hay thấp. Hậu quả của bạo lực gia đình ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất, tinh thần, sức khỏe sinh sản, tình dục cũng như đời sống gia đình và an ninh xã hội.

Dự án “Tăng cường sự tham gia của nam giới và trẻ em trai vào phòng chống bạo lực gia đình với phụ nữ và trẻ em tại tỉnh Ninh Bình” đã được triển khai từ tháng 7/2007 đến tháng 6/2011 tại các xã của 2 huyện Nho Quan và Gia Viễn với mục đích góp phần cải thiện bình đẳng giới tại Việt Nam. Dự án đã thực hiện khoảng 15.000 lượt thông tin về bình đẳng giới và bạo lực gia đình thông qua loa truyền thanh xã, thôn; tổ chức 140 buổi sinh hoạt Cậu lạc bộ “Nam giới không nghiện rượu” với trên 4.000 lượt nam giới tham dự; 92 buổi thảo luận nhóm “Nam giới gây bạo lực gia đình” với khoảng 200 người tham dự; 140 buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Phụ nữ giúp phụ nữ” với khoảng 7.000 lượt phụ nữ tham dự; 92 buổi thảo luận nhóm “Nạn nhân bị bạo lực gia đình” cho 250 nạn nhân; thành lập 14 góc thông tin thân thiện tại các trường trung học cơ sở và 14 đội tuyên truyền viên với 300 em từ lớp 7 đến lớp 9; tổ chức 04 lớp tuận huấn về bình đẳng giới, quyền trẻ em, bạo lực gia đình, kỹ năng lồng ghép giới cho 112 giáo viên mầm non và thành lập 14 góc đồ chơi tại 14 trường mầm non. Dự án cũng thành lập: 14 Đội can thiệp Phòng chống bạo lực gia đình với 7 thành viên/đội; mạng lưới tuyên truyền viên thôn bản với 20 thành viên/xã; mạng lưới không gây bạo lực gia đình với 10 thành viên/xã; 14 phòng tư vấn tại các trạm y tế xã…

Kết quả, 100% người tham gia vào các hoạt động của Dự án đều biết rõ các hình thức, biểu hiện cụ thể của bạo lực gia đình và lên án những hành vi bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em. Khoảng trên 400 nạn nhân của bạo lực gia đình được can thiệp và hỗ trợ, tư vấn tâm lý. Trên 50 trường hợp được sơ cứu, chăm sóc y tế và cấp thuốc miễn phí bởi các trạm y tế xã. 100%  nam giới và thủ phạm gây bạo lực gia đình đã được thảo luận các kiến thức về bình đẳng giới, bạo lực gia đình và được thực hành, sắm vai các biện pháp/kỹ năng giải quyết xung đột thông qua các tình huống cụ thể. Khoảng 40 số thủ phạm gây bạo lực gia đình đã có những thay đổi tích cực về các hành vi bạo lực gia đình và đã trở thành những tuyên truyền viên tại nơi sinh sống. Hầu hết phụ nữ tham gia vào các hoạt động Dự án, đặc biệt là những phụ nữ bị bạo lực gia đình đã mạnh dạn trao đổi về bạo lực gia đình và những vấn đề trong cuộc sống, gia đình. Những phụ nữ bị bạo lực gia đình đã thành lập các nhóm để hỗ trợ nhau khi cần thiết. Giáo viên, học sinh và người dân tham gia tích cực vào hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và bạo lực gia đình. Các trường mần non bắt đầu tham gia vào quá trình giáo dục bình đẳng giới và quyền trẻ em cho các bé từ 4 tuổi đến 6 tuổi – hoạt động sáng tạo và có ý nghĩa quan trọng trong quá trình can thiệp sớm để hình thành các hành vi phi bạo lực và thái độ tôn trọng, chia sẻ công việc ở trẻ…

Tác giả: Trung tâm TTGDSK