Trong năm 2011, bệnh than đã xuất hiện lẻ tẻ trở lại ở Điện Biên, Lai Châu. Ngành y tế địa phương đã vào cuộc nhanh chóng. Tuy nhiên, đầu năm 2012, bệnh than vẫn trở lại. Vì sao lại có tình trạng này?

Hai lần mắc bệnh

 

Mặc dù đã được cảnh báo về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh than (nhiệt thán), song vì “tiếc của” người dân ở một số xã của huyện Than Uyên, Lai Châu vẫn tham gia giết mổ và ăn thịt gia súc ốm chết. Nghiêm trọng hơn, vào những ngày đầu tháng 2 vừa qua, tại bản Mùi II, xã Khoen On, huyện Than Uyên, Lai Châu đã phát hiện 3 ca mắc bệnh nhiệt thán.

 

Khi đến bản Mùi II, nhìn nét mặt của người dân, chúng tôi vẫn cảm nhận được nỗi bàng hoàng trước việc tái diễn bệnh dịch “chết người” - nhiệt thán. Được biết, ngày 7/2, khi con ngựa của gia đình ông Lò Văn Cán ốm chết trên lán nương, ông đã mang về rồi nhờ các anh: Hoàng Văn Pum, Lò Văn Loán, Lò Văn Sung (cùng bản) mổ thịt. Sau đó, ông Cán chia thịt ngựa thành 8 phần bán cho nhân dân trong bản. Đến ngày 16/2, trên người anh Hoàng Văn Pum có hiện tượng ngứa, mọc mụn nước tại mu bàn tay trái, sau đó xuất hiện các vết loét màu đen, phù nhẹ, không đau.

 

Do chủ quan nên khi bệnh có biểu hiện nặng hơn, gia đình mới đưa anh Pum đến Trung tâm y tế huyện Than Uyên điều trị. Căn cứ vào triệu chứng lâm sàng và theo dõi điều trị, các bác sĩ kết luận: anh Pum bị nhiễm bệnh than. Đây là lần thứ 2 anh Pum bị mắc bệnh này cũng do ăn thịt trâu, ngựa chết. Vào ngày 17/2, hai anh Lò Văn Loán và Lò Văn Sung cũng có những biểu hiện tương tự anh Pum. Nhưng do chủ quan nên ngày 21/2, cả hai anh được người nhà đưa vào bệnh viện trong tình trạng sức khỏe yếu.

 

Tuyên truyền vẫn chưa đủ mạnh

 

Trước thực trạng trên, Đội y tế dự phòng huyện Than Uyên đã phối hợp với trạm thú y, y tế thôn bản thành lập các tổ điều tra, xác minh nguyên nhân gây bệnh; huy động nhân lực, phương tiện, vật tư, hóa chất, thuốc chống dịch, theo dõi và điều trị những người mắc bệnh. Tiến hành khử khuẩn tại khu vực mổ và chế biến gia súc, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho người và gia súc trong bản Mùi II. Đến nay, 3 trường hợp bị nhiễm bệnh than đã được xuất viện.

 

Được biết, trong năm 2011, bệnh than đã tái xuất hiện tại 4 xã (Ta Gia, Khoen On, Mường Than, Phúc Than) và thị trấn Than Uyên của tỉnh Lai Châu làm 39 người nhiễm bệnh, trong đó 1 người tử vong. Lý do chính khiến bệnh than tái phát là kiến thức phòng chống bệnh của người dân hạn chế, chưa tự giác chấp hành việc khai báo, tiêu hủy súc vật mắc bệnh chết; việc xử lý môi trường ô nhiễm mầm bệnh, xác súc vật chết gặp nhiều khó khăn trong khi bào tử bệnh than đã phát tán, lưu hành nhiều năm trong môi trường.

 

Hiện Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch huyện Than Uyên, Lai Châu đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các địa phương nhất là các xã có bệnh than tổ chức tuyên truyền đến từng hộ về bệnh than và cách phòng chống. Đồng thời tổ chức ký cam kết giữa người dân với chính quyền về việc không giết, mổ, ăn súc vật chết ốm. Tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh ở người và gia súc tại các bản đã có tiền sử của bệnh than.

 

Do bệnh than không thể dập tắt hoàn toàn trong thời gian ngắn vì mầm bệnh  tồn tại trong môi trường từ 10-15 năm, vì vậy rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và nhất là nhân dân cần nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh than.