Dịch HIV/AIDS đã chững lại và không tăng nhanh như những năm trước đây, người nhiễm HIV/AIDS đã chủ động công khai danh tính ngày càng nhiều, hiểu biết của cộng đồng về HIV/AIDS ngày càng nâng cao, ... đó là thành công lớn, là kết quả xứng đáng cho những cố gắng của các cán bộ đã và đang đồng hành cùng chương trình phòng chống HIV/AIDS tỉnh Ninh Bình.
Xem hình
Ảnh minh họa

Gần 3.000 người sống chung và đã chịu những ảnh hưởng bởi dịch HIV/AIDS - đó là con số mà Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Ninh Bình đã ghi nhận được đến cuối tháng 6 vừa qua. Trong số đó, hơn 20% đã tử vong và vẫn còn hơn 2.200 người đang sống chung với căn bệnh thế kỷ cần được sự quan tâm của chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

So sánh với thời điểm cùng kỳ năm 2011, các trường hợp nhiễm mới, chuyển sang giai đoạn AIDS và tử vong do AIDS đều giảm đáng kể. Đây là một tín hiệu cho thấy những cố gắng của công tác giám sát phát hiện trong những năm trước đây. Đồng thời, nó thể hiện hiệu quả của công tác truyền thông - chăm sóc, điều trị người nhiễm - can thiệp giảm thiểu tác hại.

6 tháng đầu năm, công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng chống HIV/AIDS được triển khai rộng rãi và có hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Khoảng hơn 5.000 lượt người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV - người nghiện chích ma tuý và nhân viên nhà hàng đã được các cán bộ trực tiếp tư vấn, hướng dẫn phòng lây nhiễm; Hàng nghìn tờ rơi, sách mỏng và tài liệu truyền thông (6.276  tài liệu) đã được phân phát đến người dân để nâng cao kiến thức cùng hơn 1.050 cuốn tạp chí chuyên san về AIDS được cấp phát định kỳ cho cán bộ y tế các tuyến để cập nhật, bổ sung kiến thức chuyên môn một cách thường xuyên.

Bên cạnh đó, mạng lưới cộng tác viên, đồng đẳng viên chương trình trao đổi BKT, phân phát bao cao su được phát triển nhằm tăng cường độ bao phủ về địa bàn và đối tượng tiếp cận. Can thiệp giảm tác hại là quả đấm thép trong phòng, chống HIV/AIDS tuy nhiên việc triển khai chương trình trên thực tế thực sự gặp khó khăn do hiểu biết của các bên liên quan và đối tượng của chương trình. Song với các giải pháp đồng bộ từ trên xuống, hiện nay chương trình đã được thực hiện khá rộng rãi:  5/8 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Yên Khánh, huyện Yên Mô, huyện Nho Quan) đang triển khai hoạt động trao đổi bơm kim tiêm và 7/8 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Yên Khánh) triển khai hoạt động phát bao cao su miễn phí. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, mạng lưới đồng đẳng viên, cộng tác viên của chương trình đã phát được trên 207.224 chiếc bao cao su cho các nhà nghỉ, khách sạn (gấp đôi so với số liệu cùng kì năm 2011) và 247.568 chiếc bơm kim tiêm sạch cho người nghiện chích ma túy, số liệu này cùng kì năm 2011 là 64.370 chiếc (cao hơn khoảng 4 lần), thu về 160.646 chiÕcBKT bẩn. Đặc biệt, trong thời gian tới, đối tượng tiêm chích ma tuý được tham gia vào chương trình điều trị nghiện bằng chất thay thế Methadone nhằm làm giảm sự lây nhiễm do sử dụng chung bơm kim tiêm/chích chung với bạn chích.

Việc quản lý, hỗ trợ, chăm sóc, điều trị người nhiễm là một khâu quan trọng để ngăn ngừa sự lây nhiễm của dịch ra cộng đồng đã được thực hiện triệt để từ việc thiết lập hệ thống đến điều trị.

Về hệ thống: Tại tuyến cơ sở: mỗi xã/phường/thị trấn đều có 01 cán bộ chuyên trách/bán chuyên trách hoạt động phòng, chống AIDS trong đó chủ yếu là hoạt động tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng và gia đình. Nhìn chung mạng lưới này hoạt động tốt đặc biệt là ở các xã phường trọng điểm, mạng lưới định kỳ được tuyến tỉnh hoặc tuyến huyện tổ chức đào tạo và đào tạo lại các kiến thức, kỹ năng liên quan.

Tại tuyến huyện và tỉnh: Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc và điều trị bệnh nhân AIDS, phòng khám ngoại trú đã được thành lập, triển khai điều trị tại trụ sở trung tâm phòng, chống HIV/AIDS; đồng thời triển khai các điểm điều trị, khám và cấp thuốc ARV hàng tháng cho bệnh nhân tại TTYT Kim Sơn, TTYT Hoa Lư.

Với sự kết hợp chặt chẽ giữa các tuyến, 100% các bệnh nhân đang quản lý đến giai đoạn lâm sàng đều được tham gia điều trị và hỗ trợ thích hợp. Hiện nay có 480 bệnh nhân đang được điều trị ARV  (tăng 135 bệnh nhân so với cùng kỳ 2011) nâng tổng số người đã từng được điều trị ARV lên 544 người.

Bên cạnh việc điều trị cho bệnh nhân AIDS, việc điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cũng được chú trọng. Hàng năm, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, bệnh viện Sản nhi và các TTYT huyện tổ chức tư vấn xét nghiệm tự nguyện để sàng lọc các trường hợp nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ có thai, đưa vào điều trị dự phòng cho 100% các trường hợp nhiễm được phát hiện. Riêng 6 tháng đầu năm, có 3 trường hợp trẻ em sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV được phát hiện và tất cả đều được tham gia điều trị dự phòng ARV và được cấp phát sữa thay thế.

Như vậy, những nỗ lực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS là sự nỗ lực toàn diện từ công tác dự phòng như truyền thông, can thiệp giảm tác hại đến công tác chăm sóc, điều trị. Và trong gần 2 quý đầu năm, cả công tác dự phòng và chăm sóc, điều trị đều đạt được sự tiến bộ so với thời điểm cùng kì của năm 2011. Với sự cố gắng không ngừng cùng những giải pháp hữu hiệu và bền vững, chúng ta cùng hy vọng một kết quả tốt đẹp cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS trong những năm tới, đó là “một Ninh Bình không có người nhiễm mới”.

           Nguyễn Thị Nương

Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Ninh Bình

 

 

Tác giả:            Nguyễn Thị Nương