7h sáng một ngày cuối năm, trời mùa đông nhưng chỉ hơi se lạnh, tôi đến phòng khám sớm hơn mọi ngày vì đúng theo lịch hẹn hôm nay là ngày cấp thuốc ARV cho một nhóm bệnh nhân HIV/AIDS trong tháng.

Vừa đến cổng cơ quan tôi đã thấy chị Tám - Y sỹ của phòng khám đã đến tự bao giờ đang lúi húi quét dọn và lau bàn ghế nơi phòng chờ của bệnh nhân, miệng tươi cười chào hỏi một bệnh nhân ở xa sợ nhỡ xe nên đến sớm.

Vào phòng, tôi nhìn lịch làm việc, buổi sáng: Khám bệnh và cấp thuốc ARV định kỳ cho bệnh nhân nhóm 6, buổi chiều: Tư vấn nhóm tuân thủ điều trị lần 3. “Một ngày bận rộn đây” – tôi nói như muốn lấy thêm sinh lực.

7h15phút, các Y bác sỹ ở các bộ phận tiếp đón, khám bệnh, xét nghiệm, tư vấn, cấp thuốc của Phòng khám đã có mặt và sẵn sàng để phục vụ bệnh nhân. Nhớ ngày đầu Trung tâm mới thành lập Phòng khám năm 2008, trụ sở còn đi mượn, nhân lực hầu như là kiêm nhiệm, nguồn thuốc thì eo hẹp, bệnh nhân phải trả hầu hết các chi phí khám chữa bệnh ngoại trừ thuốc ARV,  ngày ấy toàn tỉnh mới chỉ có 30 liều, rồi tăng lên gần 100 liều, trong khi đó nhu cầu điều trị của bệnh nhân lại gấp nhiều lần con số đó, thuốc mua ngoài thì đắt nên hầu hết bệnh nhân đều buông xuôi hoặc phải tìm ra Hà Nội hay vào tận Sài Gòn để có thuốc điều trị, nhưng do khó khăn đi lại và tuân thủ kém nên phần lớn bệnh nhân bỏ trị giữa chừng, tỷ lệ tử vong cao. Từ ngày Trung tâm chuyển ra trụ sở mới, lại được sự hỗ trợ của Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS tỉnh Ninh Bình, phòng khám đã có đủ phòng ốc, nhân lực, các loại thuốc men và các trang thiết bị hiện đại như máy siêu âm, điện tim, xét nghiệm sinh hoá máu - nước tiểu…  để phục vụ tốt nhất cho người bệnh. Đặc biệt, mọi chi phí liên quan đến khám, tư vấn, xét nghiệm, điều trị, kể cả các loại thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội và tăng sức đề kháng cho bệnh nhân hiện nay đều được Dự án tài trợ miễn phí . Do vậy, phòng khám ngày càng thu hút được nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị. Hiện số bệnh nhân đang được điều trị và cấp thuốc tại phòng khám lên đến gần 400 bệnh nhân, trong đó có một số bệnh nhi mới được đưa vào điều trị, chưa kể số bệnh nhân là người Kim Sơn đã từng điều trị tại đây nay được chuyển về Phòng khám ngoại trú - Trung tâm Y tế huyện Kim Sơn để tiện cho bệnh nhân trong việc đi lại khám bệnh và lấy thuốc hàng tháng. Ngoài ra, Phòng khám còn tổ chức điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, điều trị dự phòng nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, rủi ro trong sinh hoạt. Đến nay, tất cả trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV sau khi được điều trị dự phòng đều âm tính với HIV, 100% các trường hợp tai nạn rủi ro trong nghề nghiệp như các chiến sỹ công an, các cán bộ y tế và sinh viên trường y hay người dân bị phơi nhiễm trong sinh hoạt, sau khi được uống thuốc dự phòng đều tránh được nhiễm HIV.

7h30 phút, nhiều bệnh nhân đã có mặt. Tôi mở tập hồ sơ bệnh án và mời lần lượt từng người vào. Ngồi trước tôi là P. cô gái người Gia Viễn tôi còn nhớ như in ngày đầu cô đến khám cách đây khoảng 6 tháng, thái độ e dè, sợ sệt, người gày gò ốm yếu, cơ thể bị một số bệnh nhiễm trùng nặng, tay cầm tờ giấy xét nghiệm, chỉ số tế bào miễn dịch CD4 chỉ còn 25 tế bào/mm3máu (người bình thường có CD4 từ 800 – 1200 tế bào/ mm3máu), P. được Ban xét duyệt điều trị của Trung tâm đưa vào diện xét điều trị khẩn cấp. “Tháng này em tăng được 2 kg chị ạ, không còn buồn nôn, chóng mặt như ngày đầu uống thuốc nữa, ăn khoẻ hẳn ra, à hôm qua em mới xin đi làm lại ở nhà máy gạch chị ạ…” P. hồ hởi tâm sự khi tôi vừa hỏi chuyện vừa khám bệnh cho P. Đúng là do tuân thủ điều trị tốt, P. đã có đáp ứng tốt với thuốc, hết các bệnh  nhiễm trùng cơ hội, tăng cân… Tôi ghi vào bệnh án của P. và kê đơn thuốc, cô cười tươi rồi nói cảm ơn rối rít khi tôi nhắc nhở em nhớ uống thuốc đúng giờ, tháng sau đến khám, lấy thuốc đúng ngày và dặn dò vấn đề dinh dưỡng, lao động sao cho hợp lý. Nụ cười của P. làm tôi ấm lòng…

Mở hồ sơ của C. bệnh nhân nam 32 tuổi, vào điều trị đã được 3 năm, mọi chỉ số sức khoẻ của C. lâu nay đều duy trì ổn định như một người bình thường nhờ sự tuân thủ điều trị tốt, có lối sống lành mạnh, từ bỏ hẳn “nàng tiên nâu”, tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, nhìn C. chững chạc, nhanh nhẹn, tự tin, khoẻ mạnh đúng là ra dáng của một trưởng nhóm tự lực của người có HIV khác hẳn với dáng tiều tuỵ, chán nản, phải có người nhà dìu đến đây để khám bệnh những ngày đầu. Nhận đơn thuốc tôi kê, C. vội vã sang phòng cấp thuốc, vừa chào tôi vừa khoe“Sáng nay em còn phải tập hợp nhóm để tập văn nghệ, sắp đến ngày Thế giới phòng chống AIDS rồi, ở huyện họ mời nhóm em tham gia, mời riêng em phát biểu trước hội nghị nữa…”. C. chỉ là một trong hàng trăm trường hợp bệnh nhân đã được chúng tôi tư vấn, điều trị đã lấy lại được tinh thần và niềm tin vào cuộc sống, tích cực với hoạt động đồng đẳng, giới thiệu và vận động được nhiều người cùng cảnh đến với Phòng khám, đặt niềm tin vào các Y bác sỹ ở đây và giúp nhau cùng tiến bộ. 

 11h, tập hồ sơ bệnh án tôi phụ trách ngày hôm nay đã vơi dần. Gặp mỗi bệnh nhân tôi đều tìm thấy một niềm vui. Bên phòng bác sỹ Lan  tôi nghe rộn tiếng cười, bác sỹ Lan đang tiễn bệnh nhân và người nhà ra tận cửa phòng, miệng vừa tươi cười vừa nói với bệnh nhân “Được rồi, em yên tâm, lần sau đi công tác dưới xã nhất định chị sẽ ghé thăm mẹ con em”, nhìn họ cứ ngỡ là người nhà chẳng ai nghĩ đó lại là thầy thuốc và bệnh nhân.

11h15 phút, tôi rà soát lại danh sách bệnh nhân đến khám. Còn thiếu Hoàng Bích T., nữ 34 tuổi, TX. Tam Điệp. Tôi bấm số điện thoại liên lạc… Nhận ra tôi, T. khóc nức nở “Chồng em vừa mất, em không thiết sống nữa, em không điều trị nữa đâu… ”. Sống mũi tôi cay cay, mới tuần trước T. còn gọi điện xin tư vấn cách chăm sóc chồng, chồng T. làm việc và điều trị ở tận Sơn La, nhưng do bận việc hay quên uống thuốc, lại không có người thân hỗ trợ điều trị bên cạnh, chồng T. đã nhanh chóng suy kiệt… Sau một hồi được tôi động viên an ủi, nhắc lại kế hoạch tương lai của T. với 2 đứa con mà T đã vạch ra khi tâm sự và thảo luận cùng chúng tôi, T. như lấy lại được tinh thần và hứa đầu giờ chiều sẽ lên lấy thuốc…

11h30, H. bệnh nhân nữ 22 tuổi người Nho Quan ôm con, tay cầm tờ giấy xét nghiệm, hớt hải chạy vào phòng tôi “Chị ơi, chị ơi.., con em…” rồi H. nắm chặt tay tôi khóc oà không nói nên lời. Tôi đọc phiếu “Bùi Thị Q., 18 tháng tuổi, kết quả xét nghiệm HIV Âm tính, “Chúc mừng, chúc mừng mẹ con em” – Người tôi cũng nhẹ đi như vừa trút bỏ được một nỗi lo canh cánh. H. bị nhiễm HIV từ chồng, hơn 2 năm trước có thai đi khám mới biết, H. cùng bao phụ nữ mang thai nhiễm HIV khác trong tỉnh được chúng tôi điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, trẻ sinh ra cũng được cấp sữa ăn thay thế sữa mẹ đến hết 12 tháng tuổi, tất cả đều hoàn toàn miễn phí. Mỗi khi nhận phiếu kết quả xét nghiệm âm tính với HIV như của bé Q. thế này, chúng tôi như có được phần thưởng vô giá cho công sức của mình. Chỉ mong sao, mọi phụ nữ có nguy cơ khi mang thai đều nhận thức tốt và tìm đến các cơ sở xét nghiệm tự nguyện để được tư vấn và điều trị dự phòng, tránh được lây nhiễm HIV sang cho con như mẹ con H.

Hết giờ làm buổi sáng, tôi trở về nhà lòng hân hoan nghĩ đến những nụ cười, cả những giọt nước mắt vui sướng và ánh mắt tin yêu của bệnh nhân và gia đình dành cho chúng tôi, lòng tự hứa sẽ cố gắng hơn nữa để không phụ lòng tin ấy của người bệnh.

Chiều nay, sau buổi tập huấn tư vấn tuân thủ điều trị, một nhóm bệnh nhân mới lại được cập nhật vào điều trị ARV, các y bác sỹ phòng khám chúng tôi lại bận rộn hơn song đổi lại là sức khoẻ và niềm hạnh phúc của bao nhiêu người. Đó là niềm tự hào của chúng tôi. Hi vọng ngày càng nhiều người biết và tìm đến với phòng khám khi có nhu cầu hay khi gặp rủi ro, mọi bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt, phối hợp chặt chẽ với thầy thuốc, có người nhà và cộng đồng hỗ trợ  giúp họ hoà nhập xã hội, tham gia tích cực các hoạt động phòng chống HIV/AIDS để mọi người, mọi nhà đều có cuộc sống tốt đẹp hơn./.

Bs. Ngô Thị Hồng Trung tâm PCHIV/AIDS

 

 


Tác giả: Bs. Ngô Thị Hồng Trung tâm PCHIV/AIDS