Không thể phủ nhận, nhờ tích cực tuyên truyền và sự ra đời của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã giúp người dân có nhận thức tốt hơn về việc hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, từ đó giảm bớt tình trạng nam giới hút thuốc lá tại gia đình và nơi công cộng.
Xem hình
Đoàn viên thanh niên huyện Hoa Lư phát tờ rơi tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ảnh: Minh Quang

Anh Vũ Văn Tăng, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) là người nghiện thuốc lá có thâm niên hàng chục năm. Mỗi ngày anh có thể hút gần 2 bao thuốc lá với số tiền phải chi trả hàng triệu đồng/tháng. Được lãnh đạo công đoàn cơ quan nơi công tác tuyên truyền, nhắc nhở, đặc biệt khi vợ mang bầu, sinh con thứ 2, anh Tăng đã quyết tâm và bỏ được thuốc lá. Sau gần 1 năm không sử dụng thuốc lá, anh Tăng cho biết, anh đã khỏe lên rất nhiều, không chỉ tăng cân, người khỏe mạnh mà các bệnh ho khan, viêm phế quản do hút thuốc lá trong mùa đông đã khỏi hẳn. “Giờ thấy tiếc sao mình không bỏ thuốc sớm hơn, hút thuốc đã chẳng bổ béo gì, không chỉ thêm bệnh mà còn tốn thêm tiền” - anh Tăng cho biết.

Anh Tăng là một trong số khá nhiều nam giới hiện nay đã bỏ được thuốc lá. Có những người tự nguyện bỏ được, nhưng nhiều người chịu tác động, áp lực của người thân, gia đình, cơ quan nên việc hút thuốc hạn chế được rất nhiều và tiến tới bỏ hẳn. Chị Nguyễn Thị Hiền, giáo viên Trường Mầm non Ninh Thắng (huyện Hoa Lư) chia sẻ: “Ông xã mình làm quản lý cho một công ty may mặc, không đến mức nghiện thuốc lá “đỏ tay” nhưng một ngày cũng hút gần 1 bao. Lấy nhau về, mình cũng đã nhắc nhở nhiều lần, có thời điểm vợ chồng “mặt nặng, mày nhẹ” nhưng ông xã cũng chỉ bỏ được vài tuần rồi lại tái hút. Khi có con nhỏ, mình tìm hiểu các tài liệu về tác hại của thuốc lá do hút trực tiếp và thụ động cho xem, đề nghị ông xã không hút thuốc trong nhà, không được bế bồng con khi vừa hút thuốc, nhờ đó ông xã đã tự nguyện bỏ thuốc lá hoàn toàn hơn 1 năm nay”.

Theo kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (GATS) do Bộ Y tế thực hiện mới đây cho thấy, tỷ lệ hút thuốc của người trưởng thành (từ 15 tuổi trở lên) có xu hướng giảm so với những năm trước. Cụ thể là năm 2010 có 47,4% nam giới hút thuốc, đến năm 2015 giảm xuống còn 45,3%. Cuộc điều tra được thực hiện thông qua hơn 9.200 hộ dân và phỏng vấn 9.000 người (hơn 50% đối tượng ở nông thôn) trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Điều đáng quan tâm hơn là tỷ lệ người tin rằng hút thuốc gây các bệnh đột quỵ, đau tim, ung thư phổi tăng từ 55,5% lên 61,2%. Tỷ lệ người tin rằng phơi nhiễm với khói thuốc thụ động gây các bệnh nguy hiểm cho người không hút thuốc tăng từ 87% lên 90%. Ngoài ra, tỷ lệ hút thuốc lá thụ động trong nhà ở tất cả các điểm công cộng giảm đáng kể từ năm 2010 đến năm 2015, bao gồm hút thuốc lá thụ động ở nhà giảm từ 73,1% còn 59,9%, ở nơi làm việc từ 55,9% còn 42,6%, ở trường học từ 22,3% còn 16,1% và trên các phương tiện giao thông từ 34,4% xuống còn 19,4%.

Thông điệp “Mọi người có quyền được sống và làm việc trong môi trường không khói thuốc lá” cần tiếp tục được tuyên truyền và nhân rộng những mô hình, đơn vị làm tốt, phấn đấu hàng năm giảm tỷ lệ người hút thuốc lá một cách bền vững, góp phần xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc, xây dựng tổ ấm không khói thuốc, vì tương lai, sức khỏe của bản thân và chính con, em mỗi người.

Hạnh Chi