Dự án “Hỗ trợ y tế các tỉnh Đông Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng” (gọi tắt là Dự án Norred) là một trong những dự án lớn của ngành Y tế với mục tiêu dài hạn hỗ trợ thực hiện các mục tiêu y tế quốc gia nhằm cải thiện tiếp cận của người tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu phù hợp với các chiến lược và chính sách quốc gia về phát triển hệ thống y tế, đặc biệt là việc chống quá tải và chính sách bảo hiểm y tế toàn dân thông qua nâng cao năng lực cung ứng các dịch vụ y tế có chất lượng tại tuyến tỉnh và tuyến huyện.
Xem hình
Thăm, khám bệnh tại Bệnh viện đa khoa huyện Yên Mô. Ảnh: Minh Quang

Đối với Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Mô, việc triển khai thực hiện Dự án Norred trong những năm qua đã góp phần nâng cao tay nghề cho đội ngũ y, bác sỹ và chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người bệnh ngày càng được đảm bảo.

Bệnh nhân Nguyễn Văn Minh, 66 tuổi, xã Yên Phong cấp cứu vào Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Mô trong tình trạng hôn mê, nguy kịch đến tính mạng. Nếu như trước đây, những bệnh nhân như ông Nguyễn Văn Minh đều phải chuyển lên tuyến trên, thì nay cùng với các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại và việc ứng dụng thành thạo các kỹ thuật xét nghiệm, cấp cứu nội tuần hoàn, sốc phản vệ, đặt nội khí quản, chủ động về đường thở...., bệnh nhân Minh đã qua được cơn nguy kịch, sức khỏe dần ổn định.

Bà Nguyễn Thị Giáp, vợ bệnh nhân Nguyễn Văn Minh cho biết: Chúng tôi rất vui mừng khi bệnh viện tuyến huyện ngày càng được quan tâm đầu tư trang thiết bị hiện đại, đảm bảo chữa trị những ca bệnh nặng, không phải chuyển lên tuyến trên. Đối với những gia đình bệnh nhân như chúng tôi, việc phải đi lên tuyến trên, xa nhà để chăm sóc người thân không may bệnh tật rất vất vả và tốn kém.

Còn đối với bà Phạm Thị Dần, 80 tuổi ở xã Yên Lâm thì bệnh tai biến của bà như đỡ đau hơn khi được nằm tại khoa cấp cứu trên chiếc giường cấp cứu đa năng. Người nhà của bà Dần cũng đỡ vất vả trong quá trình chăm sóc, vận chuyển bà đi lại, ăn uống, vệ sinh và thăm khám bệnh. Những chiếc giường đa năng được Dự án Norred trang bị tại Khoa cấp cứu đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho cả y, bác sĩ, bệnh nhân và người nhà của họ.

Dự án Norred hướng tới 3 mục tiêu cụ thể, đó là: Tăng cường năng lực chuyên môn và quản lý của hệ thống cung cấp dịch vụ y tế tại tuyến tỉnh, huyện để nâng cao chất lượng dịch vụ tại 5 nhóm chuyên khoa: Ung bướu, tim mạch, sản, nhi và chấn thương; mở rộng phạm vi bao phủ của BHYT cho đối tượng người cận nghèo; nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật của các bệnh viện trong tỉnh thuộc Dự án. Dự án gồm 3 hợp phần, trong đó, BHYT là một trong những nội dung của hợp phần “Giảm các rào cản tài chính trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế của các đối tượng thiệt thòi về kinh tế”, bao gồm hoạt động hỗ trợ trực tiếp mua thẻ BHYT cho đối tượng cận nghèo; hoạt động hỗ trợ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cao tại các bệnh viện tuyến tỉnh và Trung ương cho người cận nghèo đã mua thẻ BHYT và hoạt động hỗ trợ hoạt động thông tin- giáo dục- truyền thông về BHYT.

Được hưởng lợi từ Dự án, Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Mô đã ứng dụng thành công nhiều tiến bộ khoa học trong chẩn đoán và điều trị, giúp cho người dân trên địa bàn được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao một cách thuận lợi, tiết kiệm, không phải đi lên tuyến trên. Theo bác sĩ Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Mô: Bệnh viện là một trong 5 bệnh viện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình được thụ hưởng từ Dự án Norred. Hiện bệnh viện đã được Dự án đầu tư 2 máy thở CPAP cho trẻ em và trẻ sơ sinh, 5 máy theo dõi chức năng, 6 giường cấp cứu đa năng, máy giặt vắt công nghiệp, máy sấy đồ vải..., tổng trị giá gần 4 tỷ đồng, góp phần nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, khám và điều trị bệnh cho Khoa cấp cứu, Khoa sản và Khoa ngoại tại Bệnh viện.

Đặc biệt, được thụ hưởng từ Dự án Norred, Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Mô đã cử nhiều cán bộ đi tham dự các lớp đào tạo chuyển giao kỹ thuật tại các bệnh viện tuyến Trung ương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh; trong đó, chủ yếu là các lớp về tim mạch, sản khoa, phẫu thuật xử lý chấn thương, chăm sóc bệnh nhân hồi sức cấp cứu; các kỹ thuật như kỹ thuật xử lý rối loạn nhịp tim, ghi và đọc điện tâm đồ, kết hợp 2 xương cẳng tay gãy, kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện... Nhiều kỹ thuật mới được ứng dụng thành công tại bệnh viện, như kỹ thuật mổ cắt trĩ và mổ thoát vị bẹn..., tạo niềm tin cho người bệnh, hạn chế đáng kể tình trạng chuyển tuyến. Cùng với đó, Bệnh viện còn nỗ lực trong đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho những người sử dụng thẻ BHYT và BHYT hộ cận nghèo đến khám, điều trị bệnh.

Hạnh Chi