Hơn 10 năm qua kể từ ca hiến tặng giác mạc đầu tiên sau khi qua đời của một cụ bà tại xã Cồn Thoi (Kim Sơn), chương trình hiến tặng giác mạc được tuyên truyền, vận động và ngày càng có thêm nhiều người dân hưởng ứng đăng ký hiến tặng sau khi qua đời và đặc biệt nhiều gia đình sau khi có người thân không may qua đời đã chủ động liên hệ với tổ chức Hội Chữ thập đỏ và Ngân hàng Mắt Việt Nam để thực hiện theo di nguyện của người đã mất.
Xem hình
Lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ, các Bác sỹ Ngân hàng Mắt và gia đình dành 1 phút mặc niệm trước anh linh người quá cố

Cuối tháng 8/2017, khi anh Phạm Văn Đức, xóm 6, xã Kim Trung (Kim Sơn) không may qua đời. Thực hiện di nguyện của anh trước đó đã đăng ký hiến tặng giác mạc của mình sau khi qua đời, người thân của anh đã thông báo đến Hội Chữ thập đỏ các cấp và Bệnh viện Mắt Trung ương để thực hiện việc tiếp nhận đôi giác mạc hiến tặng. Tại lễ tôn vinh và ghi nhận tấm lòng của người hiến tặng giác mạc, đại diện Hội Chữ thập đỏ tỉnh, huyện Kim Sơn và các bác sĩ của Ngân hàng Mắt - Bệnh viện Mắt Trung ương đã dành một phút mặc niệm người quá cố và bày tỏ lòng biết ơn, ghi nhận tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp của bản thân người hiến và gia đình, mong rằng sẽ có thêm nhiều người nữa tiếp tục hiến tặng giác mạc của mình sau khi qua đời để cứu giúp những người bị mù lòa được nhìn thấy ánh sáng, có cuộc sống hạnh phúc hơn.

          Một người thân của gia đình anh Nguyễn Văn Đức chia sẻ: Anh và nhiều người thân trong gia đình đã chủ động đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời từ nhiều năm trước. Bởi từ trước đó, được sự tuyên truyền, vận động của các tình nguyện viên chữ thập đỏ, của các cha xứ, nhận thấy cuộc sống của mỗi người “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay” và đặc biệt họ có nhận thức rằng, dù không còn được sống nhưng vẫn để lại cho đời một đôi mắt, đem lại ánh sáng, mở ra cuộc đời mới cho người khiếm thị, như thế nghĩa là làm một việc thiện cuối cùng của một đời người. Do vậy không chỉ những người trong gia đình mà trong thôn, trong xóm, trong xã đều tuyên truyền cho nhau và hiện xóm 6 có đến gần 1 nửa người dân đã đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời.

          Ông Bùi Trọng Kỳ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: Trường hợp của anh Nguyễn Văn Đức là người thứ 22 trên địa bàn huyện Kim Sơn từ đầu năm 2017 đến nay và là người thứ 256 của tỉnh Ninh Bình trong hơn 10 năm qua đã hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, giúp cho gần 500 người mù lòa ở khắp nơi trong cả nước có cơ hội được nhìn thấy ánh sáng, sống một cuộc sống ý nghĩa hơn. Kết quả, từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 25 ca hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, nâng tổng số ca hiến giác mạc toàn tỉnh lên 256/360 ca trong toàn quốc. Trong đó huyện Kim Sơn chiếm trên 90% số ca, tiếp đến là các địa phương khác như thành phố Ninh Bình, huyện Gia Viễn, Yên Khánh, Yên Mô, mỗi nơi có từ vài người đến hàng chục người đã hiến tặng giác mạc. Toàn tỉnh đã có gần 20 nghìn người đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, trở thành một chương trình có ý nghĩa xã hội, ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong các cấp hội chữ thập đỏ.

          Cũng theo ông Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, có được kết quả như trên là do công tác tuyên truyền, vận động người dân, nhất là đồng bào theo đạo Công giáo đăng ký hiến giác mạc khi qua đời được các cấp, các ngành liên quan thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Đặc biệt, các cộng tác viên, tình nguyện viên là chánh trương, trùm trưởng đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các cấp đến từng hộ gia đình có người già yếu thăm hỏi, động viên kết hợp tuyên truyền giúp nhiều người hiểu được việc làm cao cả này và tiếp tục vận động những người thân trong gia đình, họ hàng, làng xóm cùng tham gia đăng ký hiến tặng giác mạc. Bản thân đội ngũ cán bộ Chữ thập đỏ, cộng tác viên cũng rất nhiệt tình hưởng ứng chương trình bằng chính việc làm thiết thực là chủ động và tự nguyện đăng ký hiến tặng giác mạc và vận động người thân cùng tham gia.

          Cùng với đó, để có những kiến thức trong việc tuyên truyền, vận động hiến tặng giác mạc, Hội Chữ thập đỏ các cấp đã phối hợp với Ngân hàng Mắt Việt Nam hàng năm tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng vận động truyền thông hiến tặng giác mạc cho các tình nguyện viên, cộng tác viên chữ thập đỏ tỉnh, trong đó có nhiều tình nguyện viên là người Công giáo và Phật giáo như các vị Linh mục, Chánh trương, Trùm trưởng, chức sắc chức việc Công giáo và các vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức tăng ni Phật giáo…

          Đặc biệt, đội ngũ tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ các cấp đã tổ chức tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, trong đó tích cực xuống tận khu dân cư, vận động tư vấn cho người dân về ý nghĩa nhân đạo, cao đẹp của phong trào, trong đó quan tâm đến đối tượng là những người cao tuổi, người mắc bệnh hiểm nghèo, thường xuyên gần gũi, chia sẻ những khó khăn, nắm bắt tâm tư, giải thích cặn kẽ cho người dân về những điều mà họ quan tâm như việc hiến tặng các bộ phận cơ thể người, trong đó có hiến tặng giác mạc, từ đó giúp nhiều người hiểu, nhiệt tình hưởng ứng và vận động con cháu dòng họ cùng tham gia.

          Thêm vào đó, đối với những người dân khi qua đời đã hiến tặng giác mạc, Hội Chữ thập đỏ tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể cùng gia đình tổ chức lễ mai táng theo phong tục địa phương, trong phần đọc tiểu sử công lao đóng góp cho xã hội của người quá cố có những nội dung ca ngợi việc làm đầy ý nghĩa, nghĩa cử cao đẹp của họ trong việc hiến tặng giác mạc nhằm tuyên truyền cho những người tham dự lễ tang và thể hiện sự quan tâm, trân trọng của toàn xã hội đối với gia đình người quá cố khi có người thân hiến tặng giác mạc…