Nâng cao chất lượng hoạt động khám, chữa bệnh (KCB) luôn là yêu cầu bức thiết đặt ra đối với các cơ sở y tế trong tỉnh nhằm góp phần làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Xem hình
Bệnh viện Đa khoa tỉnh được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại để phục vụ công tác khám

Nhất là vừa qua tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về việc đề nghị phê duyệt mức giá các dịch vụ KCB áp dụng tại các cơ sở KCB của Nhà nước trên địa bàn tỉnh thì sự quan tâm của dư luận xã hội đã đặt ra cho ngành Y tế cần phải chú trọng hơn nữa việc nâng cao chất lượng KCB để tương xứng với những chi phí mà người bệnh phải chi trả, đảm bảo quyền lợi người bệnh.

Làm việc với lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chúng tôi được biết thêm: Để tạo thuận lợi và rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh, cùng với hệ thống xếp hàng tự động, Bệnh viện còn quy định thời gian trả kết quả xét nghiệm cận lâm sàng tại các khoa cận lâm sàng, bố trí Khoa khám bệnh, bộ phận xét nghiệm tại Khoa khám bệnh, Khoa chẩn đoán hình ảnh buổi sáng hàng ngày đi làm sớm hơn 30 phút. Chia tách và hoạt động ở địa điểm mới từ tháng 4-2007, với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh được đánh giá là bệnh viện tuyến tỉnh có quy mô hiện đại nhất trong khu vực và cả nước.

Từ năm 2009 đến nay, thông qua việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 1816, cử cán bộ chuyên môn luân phiên về hỗ trợ tuyến dưới nhằm từng bước nâng cao chất lượng KCB, Bệnh viện đã tổ chức kết hợp với các bệnh viện tuyến Trung ương để khảo sát nhu cầu cần hỗ trợ, cử cán bộ tại các khoa, phòng nhận kỹ thuật được chuyển giao và có các chính sách đãi ngộ phù hợp đối với những cán bộ, bác sỹ tham gia thực hiện chuyển giao… Do đó, mỗi năm tại Bệnh viện có từ 30 - 35 kỹ thuật mới được phát triển.

Từ năm 2009 đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận 13 đoàn bác sỹ các bệnh viện Trung ương về chuyển giao kỹ thuật ở 31 lĩnh vực chuyên môn với 104 kỹ thuật được chuyển giao. Đã có 28.562 lượt bệnh nhân được khám và điều trị, số bệnh nhân nặng được cứu chữa là 2.388 người, thực hiện được 651 ca phẫu thuật, 637 ca thủ thuật... Đội ngũ cán bộ, bác sỹ của Bệnh viện đã tiếp cận, học hỏi và làm chủ được nhiều kỹ thuật, trong đó có kỹ thuật chụp hệ thống mạch máu toàn bộ cơ thể trên máy chụp cắt lớp 64 lát cắt của CHLB Đức - là một trong những máy móc hiện đại mới được trang bị.

Cho đến nay, với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bệnh viện tuyến trên, bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, hàng trăm kỹ thuật mới Bệnh viện đã tự làm và duy trì thực hiện ứng dụng thành công, hiệu quả trong khám, điều trị, chăm sóc người bệnh. Với việc thực hiện được gần 80% kỹ thuật của tuyến II và 46 kỹ thuật vượt tuyến, Bệnh viện đã góp phần giảm số bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên hàng năm: năm 2009 tỷ lệ chuyển tuyến là 6,2%, đến năm 2011 còn 2,1%.

Là một trong những bệnh viện tuyến huyện được tiếp nhận các kỹ thuật mới từ các bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh chuyển giao, đến nay Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan đã làm chủ được nhiều kỹ thuật mới mà trước kia phải chuyển bệnh nhân lên tuyến tỉnh như: đặt cathete tĩnh mạch trung tâm cứu chữa cho bệnh nhân mất nước nặng, truyền máu hoàn hồi, mổ lấy thai có vết sẹo mổ cũ, mổ đóng đinh, nẹp vít các xương đùi, xương cẳng chân, xương cẳng tay, xương đòn.

Những năm qua, Bệnh viện đã tạo điều kiện để các bác sỹ đi đào tạo tại các trường đại học y khoa về các chuyên ngành: Cấp cứu hồi sức, ngoại, sản, nội. Cử các bác sỹ lên bệnh viện tuyến tỉnh học tập, chuyển giao một số kỹ thuật mới trong khám và điều trị cho bệnh nhân theo hình thức "cầm tay chỉ việc". Tiếp nhận các đoàn bác sỹ thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh về chuyển giao kỹ thuật theo Đề án 1816...

Những nỗ lực của Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan đã góp phần hạn chế được tình trạng bệnh nhân chuyển tuyến, giảm bớt khó khăn cho bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo. Nhiều năm nay, Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều bệnh nhân trên địa bàn huyện Nho Quan và ở các địa phương lân cận như: Hòa Bình, Thanh Hóa cũng tin tưởng tìm đến khi có nhu cầu KCB.

Theo đánh giá từ Sở Y tế, những năm gần đây, công tác KCB tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực, các đơn vị đều hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được giao, công suất sử dụng giường bệnh bình quân hàng năm luôn vượt trên 130%.

Cùng với việc các cơ sở y tế được tỉnh và ngành y tế quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới cơ sở vật chất, mua sắm các trang, thiết bị hiện đại, các đơn vị đã chú trọng đề ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng KCB thông qua việc triển khai ứng dụng có hiệu quả nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao vào khám, chẩn đoán và điều trị cho người bệnh như: Phẫu thuật cắt tử cung qua nội soi, phẫu thuật thay chỏm xương đùi, phẫu thuật nội soi tai-mũi-họng, tán sỏi tiết niệu ngoài cơ thể, cấp cứu và hồi sức sơ sinh, xét nghiệm miễn dịch học và đông máu, nuôi thành công trẻ sơ sinh nặng từ 700g - 1.000g…

Đặc biệt, với việc triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 1816 của Bộ Y tế về đưa bác sỹ từ tuyến trên về tăng cường cho tuyến dưới, đã góp phần quan trọng để nhiều kỹ thuật mới được chuyển giao và triển khai, giải quyết được những ca bệnh khó, giảm đáng kể chi phí KCB cho người dân, tạo cơ hội cho người nghèo được hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao từ các bác sỹ có trình độ chuyên môn vững vàng, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương.