Năm 2010 là năm thứ tư thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Xem hình
Ứng dụng kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi

Đây là chủ trương lớn của Đảng, hợp với lòng dân; vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa lâu dài nhằm xây dựng đạo đức cách mạng theo tư tưởng tấm gương đạo đức của Bác Hồ trong cán bộ, Đảng viên và nhân dân. Qua đó ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước.

Thực hiện điều 36 của Luật phòng chống tham nhũng và sự chỉ đạo của Chính Phủ, ngày 18/8/2008, Bộ trưởng Bộ Y Tế cũng đã ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ viên chức ngành Y Tế trong các đơn vị sự nghiệp. Quy tắc ứng xử của cán bộ viên chức ngành Y tế chính là một nội dung quan trọng trong việc cụ thể hoá việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Nhận thức sâu sắc và xác định rõ triển khai cuộc vận động là nhiệm vụ xuyên suốt trong mọi hoạt động của cấp uỷ, chính quyền cơ quan đơn vị. Ban chỉ đạo, tổ chức thực hiện đã được thành lập ở sở Y Tế và tất cả các đơn vị. Ban chỉ đạo tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kịp thời nghiêm túc. Để tư tưởng tấm gương đạo đức của Bác thấm sâu trong những việc làm hằng ngày của mỗi cán bộ, Đảng viên không phải là công việc một sớm một chiều, đòi hỏi phải có thời gian và sự quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo và viên chức trong ngành; đặc biệt là không ngừng sáng tạo, tìm tòi mô hình, cách làm phù hợp với thực tiễn và vô cùng phong phú ở từng đơn vị, từng cá nhân cán bộ, Đảng viên

Từ thực tiễn 4 năm thực hiện “Cuộc vận động” và 2 năm thực hiện Quy tắc ứng xử có thể khái quát một số kết quả nổi bật và có ý nghĩa quan trọng trong ngành Y Tế Ninh Bình như sau;

Về lý luận: Ngay từ những ngày đầu tổ chức triển khai cuộc vận động, câu hỏi được đặt ra cho ngành Y tế là học gì và làm gì. Bởi vì tấm gương đạo đức của Bác Hồ vô cùng cao cả và rộng lớn. Học mãi mãi, học cả cuộc đời chúng ta không bao giờ hết được. Tuỳ theo nhiệm vụ, vị trí của từng cá nhân, của từng đơn vị mà xác định rõ nội dung học tập cho cụ thể sát thực với nhiệm vụ và có hiệu quả. Qua các hội nghị thảo luận từ cơ sở đã xác định rõ Học và Làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đối với ngành Y tế chính là thực hiện tốt những điều Bác nêu trong thư Người gửi ngành Y tế ngày 27/2/1955 và được cụ thể hoá bằng 12 điều Quy định về Y đức; bằng Quy chế giao tiếp; bằng Quy tắc ứng xử của nhân viên Y tế mà Bộ Y tế đã ban hành. Tất cả đều tựu trung bởi hai yếu tố cấu thành trong một con người cán bộ Y tế hiện đại đó là đạo đức nghề Y và trình độ năng lực chuyên môn hay nói cách khác là Đức và Tài trong mỗi con người. Chúng ta cần phải học nhiều ở Người, song điều quan trọng hơn tất cả là Học rồi thì phải làm theo, làm theo Bác mới là cái đích cần mong đợi ở mỗi con người chúng ta. Nhân dân cần chúng ta làm theo Bác chứ không chỉ nói lý thuyết sáo rỗng.

Sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta luôn luôn quan tâm tới việc rèn luyện Đức và Tài đối với đội ngũ cán bộ cách mạng. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Đức và Tài là hai phạm trù cơ bản nhất, có mối quan hệ biện chứng, tác động lẫn nhau, trong đó Đức là gốc Tài là trọng. Bàn về phẩm chất của người cách mạng, Bác nói: Có Đức mà không có Tài thì làm việc gì cũng khó. Ngược lại, có Tài mà không có Đức dễ trở thành kẻ tham ô, vụ lợi cá nhân, hại dân hại nước, là người vô dụng. Là người cán bộ cách mạng phải vừa hồng vừa chuyên. Hồng là cái tâm cái đức của con người, chuyên là trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên ngành mà mình đảm nhiệm. Chính vì vậy mà việc rèn luyện đạo đức và thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn phải luôn được coi trọng trong mỗi con người.

Về thực tiễn: Thấm nhuần lời dậy của Người, chữ  Đức chính là đạo đức của cán bộ Y tế đối với mọi người trong xã hội mà điển hình nhất là của người cán bộ Y tế làm nhiệm vụ trực tiếp khám chữa bệnh và phục vụ người bệnh. Chữ Tài gắn với trình độ chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ của mỗi cán bộ Y tế trong cương vị của mình. Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao đạo đức của người thày thuốc, coi đó là cội rễ bền vững hình thành y đức thực sự chân chính.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí minh về Đức và Tài vào trong ngành Y tế  chúng ta càng thấy rõ cái gốc của Đức và cái quan trọng của Tài. Tuy Đức là gốc nhưng muốn chữa được bệnh phải có chuyên môn, phải có cơ sở hạ tầng và trang thiết bị đáp ứng nhu cầu của người dân và sự phát triển của khoa học ngành Y Tế. Chỉ có Đức tốt thôi thì chưa đủ. Khác với nhiều lĩnh vực khác, việc khám chữa bệnh cho nhân dân không có quyền được thử nghiệm, sai sót và chậm trễ. Bởi lẽ đằng sau các chẩn đoán, các mệnh lệnh điều trị của thày thuốc là sức khoẻ, là tính mạng con người. Vì vậy chữ Tài đồng nghĩa với khoa học, chữ Đức đồng nghĩa với cái lương tâm của người thày thuốc. Bác Hồ đã dạy chúng ta: Lương y phải như từ mẫu nghĩa là thày thuốc phải như người mẹ hiền, từ đó hướng về một mục đích nhân văn cao quý là làm người cán bộ Y tế phải tận tâm, tận lực để cứu người, giành lại sự sống cho con người, đảm bảo sức khoẻ cho nhân dân .

Người cán bộ Y tế bất kể làm việc gì, ở cương vị nào từ Giám đốc đến người lao công đều phải thường xuyên rèn luyện đạo đức cho bản thân. Y đức phải được thể hiện bằng cử chỉ, lời nói, hành động cụ thể hàng ngày từ khâu tiếp đón, thăm khám điều trị và chăm sóc người bệnh. Người bệnh khi đau yếu đến bệnh viện thường khó chịu trong người nên tính tình bất thường hay cáu gắt, tủi thân, mặc cảm. Họ lo lắng cho sức khoẻ và sự an toàn tính mạng nên sẵn sàng chấp nhận mọi điều kiện dù khó khăn đến mấy hoặc giả không có đủ khả năng. Người thày thuốc phải thấu hiểu tâm trạng và hoàn cảnh ấy mà thông cảm, chia sẻ tất cả những khó khăn, đau đớn đó của người bệnh. Từ những lời nói khi tiếp đón đến việc hướng dẫn giải thích về bệnh tình cần phải thể hiện tấm lòng tôn trọng người bệnh, thông cảm với những gì mà người bệnh và gia đình họ đang phải gánh chịu. Không để người bệnh có mặc cảm là nhân viên Y tế “Vô cảm”.

Từ những lý luận thu được thông qua việc tổ chức học tập các chuyên đề về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho toàn thể cán bộ Đảng viên trong ngành và thực tiễn triển khai thực hiện làm theo Bác. Đặc biệt là hằng năm đều kiểm điểm lại việc thực hiện thư Bác gửi ngành Y Tế ngày 27/2; thực hiện ứng xử giao tiếp với người bệnh. Các đơn vị đồng loạt nghiên cứu xắp xếp lại khu đón tiếp, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, loại bỏ các bước trung gian, giảm phiền hà cho người bệnh. Các bệnh viện không thực hiện khám hết giờ mà thực hiện khám hết người bệnh mới nghỉ. Người bệnh được khám trong buổi, trả kết quả xét nghiệm trong ngày. Bệnh viện Đa khoa tỉnh là đơn vị điểm xây dựng Đề án cải cách hành chính được UBND tỉnh phê duyệt. Đơn thư của người bệnh giảm nhiều hằng năm, năm 2010 chỉ có 3 đơn của người bệnh liên quan đến kỹ thuật chuyên môn, không có đơn thư về tinh thần thái độ phục vụ của nhân viên Y Tế trong toàn ngành. Nhiều kỹ thuật mới được đưa vào áp dụng trong chẩn đoán và điều trị như phẫu thuật nội soi Ngoại, Sản, Tai Mũi Họng, phẫu thuật sọ não, cắt gan bán phần, thay ổ khớp háng, mổ Phaco mắt, vá màng nhĩ, tán sỏi qua nội soi, lọc máu nhân tạo, xét nghiệm đông máu và miễn dịch, chụp cắt lớp vi tính 64 dãy..... Bệnh viện huyện đã có nội soi, siêu âm, xét nghiệm bán tự động và triển khai những phẫu thuật cơ bản. Trình độ năng lực cán bộ nâng cao. Nhiều cán bộ có trình độ tiến sỹ, chuyên khoa II. Tuyến huyện đã có nhiều thạc sỹ và chuyên khoa I. Nhiều y tá điều dưỡng đã có trình độ thạc sỹ và đại học. Người bệnh đến các cơ sở Y tế tuyến xã, huyện ngày một nhiều, công suất giường bệnh các bệnh viện đều đạt từ 120-135%, niềm tin của người dân đối với y tế được nâng cao.

Các cơ sở điều trị tổ chức tốt công khai các khoản thu mà Nhà nước quy định và chỉ những người được Giám đốc giao nhiệm vụ thu viện phí mới được thu tiền của người bệnh. Có quy định rõ ràng, rành mạch cho người bệnh biết: Không thu bất kỳ khoản tiền nào tại các khoa. Thu viện phí đúng đối tượng, đúng quy định, vào một đầu mối là phòng tài vụ. Người mặc áo choàng trắng không được thu tiền, người được phép thu tiền không mặc áo choàng trắng. Mọi nhân viên Y tế làm nhiệm vụ tiếp xúc với người bệnh đều phải đeo thẻ ghi rõ họ tên, chức danh để người bệnh giám sát. Công khai thuốc tại đầu giường bệnh. Công khai hướng dẫn quy trình khám bệnh trên bảng treo tại khu khám bệnh để người bệnh rõ. Không nhận phong bì, quà biếu trước khi bệnh nhân ra viện. Người lãnh đạo từ Trưởng khoa, Giám đốc, các phòng chức năng giúp việc cho ban Giám đốc bố trí sắp xếp nhân viên có kỹ năng giao tiếp ứng xử làm việc tại khoa khám bệnh và nơi đón tiếp ban đầu ở các khoa; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các quy định trên. Thực hiện thưởng phạt nghiêm minh những người làm tốt hoặc vi phạm.

Đã có nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến nổi lên trong phong trào thi đua trong 4 năm qua như Bệnh viện Đa khoa tỉnh; TTYT huyện Yên Mô; Nho Quan; Tam Điệp; Kim Sơn; TT Chăm sóc SKSS và nhiều tập thể, cá nhân khác. 

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một vài cơ sở Y tế, một bộ phận cán bộ khi nói với người bệnh dùng nhiều câu không có chủ ngữ, trống không, chỉ dẫn giải thích cho người bệnh hoặc người nhà qua loa thậm chí còn cáu gắt. Người bệnh đến bệnh viện là vạn bất đắc dĩ chứ đâu có hiểu biết tất cả các quy định của bệnh viện  mà thực hiện đầy đủ. Trách nhiệm của nhân viên bệnh viện là phải hướng dẫn, giải thích những gì người bệnh chưa biết, chưa hiểu. Chỉ một lời nói thôi cũng có thể làm cho cơn đau của người bệnh giảm đi hoặc tăng lên. Cử chỉ lời nói của người thày thuốc ân cần, nhẹ nhàng thì kể cả khi bệnh quá nặng, chúng ta không giúp gì được người bệnh, họ cũng hài lòng và chấp nhận. Các bệnh viện cần chú trọng thường xuyên nâng cao kỹ năng giao tiếp và văn hoá ứng xử cho cán bộ nhân viên đối với người bệnh. Người bệnh đến bệnh viện phải được phục vụ như “khách hàng”. Chất lượng phục vụ của bệnh viện phải được đánh giá thông qua sự hài lòng của “khách hàng”.

Để Cuộc vận động Học và Làm theo Bác, thực hiện Quy tắc ứng xử  với nhân dân của cán bộ Y tế tiếp tục đi vào cuộc sống và việc làm có hiệu quả, trong giai đoạn tới cấp uỷ, lãnh đạo đơn vị phải chính mình xác định vai trò trách nhiệm của bản thân gương mẫu thực hiện trong công việc và tác phong lối sống; phải thực sự vào cuộc, chỉ đạo và tổ chức triển khai bằng các nội dung nghị quyết hằng tháng và hoạt động cụ thể; phải giao việc cho các bộ phận và từng con người chứ không khoán trắng cho tổ chức đoàn thể nào bằng các phong trào thi đua; không được quên kiểm tra, giám sát, đôn đốc nhắc nhở; Phải tuyên truyền giáo dục thường xuyên, liên tục theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Bố trí cán bộ phải lựa chọn các vị trí đón tiếp ban đầu tại khoa khám bệnh, cận lâm sàng và tiếp đón đầu tiên tại các khoa lâm sàng vì đây là nơi tạo ấn tượng tốt đầu tiên của người bệnh khi đến viện. Trong ứng xử, giao tiếp của nhân viên y tế với người bệnh và người nhà cần chú trọng những trường hợp nhạy cảm đặc biệt như người bệnh đến bệnh viện không đủ giấy tờ, trái tuyến, nghèo không đủ tiền viện phí, hết giờ hành chính, có ý kiến thắc mắc, vô tình vi phạm nội quy bệnh viện.... Cần phải nêu gương các cá nhân, tập thể làm tốt và chưa tốt trên các buổi giao ban, hội họp hằng ngày của đơn vị.   

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã được đánh giá tổng kết sau 4 năm triển khai. Thực hiện lời Bác dạy trong thư Người gửi ngành Y tế ngày 27/2 và thực hiện Quy tắc ứng xử chính là làm theo Bác. Chúng ta đã có nhiều bài học kinh nghiệm cho cả thành công và hạn chế tồn tại. Toàn ngành Y Tế Ninh Bình quyết tâm đoàn kết, nỗ lực vượt khó; thông qua các bài học kinh nghiệm, tiếp tục thực hiện “Cuộc vận động”  và Quy tắc ứng xử, coi đây là việc làm thường xuyên, trọng tâm trong chiến lược phát triển ngành. Cán bộ nhân viên ngành Y Tế xác định:  Bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân là một công việc đặc biệt, liên quan đến tài sản vô giá đó là sinh mệnh con người. Chúng ta phải không ngừng rèn luyện, gắn kết Đức và Tài, phải có cái tâm trong sáng mới làm tròn được nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao cho./.

                                                             Bs.  Vũ Văn Cẩn - PGĐ Sở Y tế Ninh Bình

 

 


Tác giả:                                                              Bs.  Vũ Văn Cẩn - PGĐ Sở Y tế Ninh Bình