Những năm qua, ngành Y tế Ninh Bình đã chú trọng làm tốt công tác cán bộ, từ khâu tuyển dụng đến đào tạo, bồi dưỡng, thu hút đội ngũ trí thức có trình độ cao về công tác, góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành.

Cách làm của Viện Sản- Nhi.

Năm 2010, sau khi chia tách từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong bộn bề khó khăn, thiếu thốn của một bệnh viện chuyên ngành mới, Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh còn gặp khó khăn do thiếu bác sỹ. Đội ngũ bác sỹ ở lại công tác tại bệnh viện chỉ có 32 người cùng với 2 dược sỹ đại học, tập trung chủ yếu ở hai khoa cũ là khoa Sản và khoa Nhi.

Để giải quyết tình trạng thiếu nguồn nhân lực, được sự cho phép của Sở Y tế, Bệnh viện đã mạnh dạn tiếp nhận các bác sỹ trẻ chưa được tuyển dụng vào biên chế vào làm việc theo hình thức ký hợp đồng chờ tuyển dụng. Cùng với cách làm đó, Bệnh viện còn quan tâm, tạo mọi điều kiện để đội ngũ cán bộ, y bác sỹ tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi nghiệp vụ. Riêng các bác sỹ trẻ đều được cử đi học chuyên khoa định hướng: sản, nhi, tai-mũi-họng… Với các bác sỹ đã có thời gian công tác được thu xếp tham gia các lớp đào tạo chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, thạc sỹ. Từ năm 2010 đến nay, Bệnh viện đã có 15 người theo học bác sỹ điều dưỡng, 1 bác sỹ theo học bác sỹ nội trú, 2 bác sỹ chuyên khoa cấp I, 30 bác sỹ định hướng và hàng chục lượt đi đào tạo ngắn hạn theo hình thức chuyển giao kỹ thuật tại các bệnh viện tuyến Trung ương… Thuận lợi trong việc tuyển dụng bác sỹ trẻ về công tác tại Bệnh viện Sản - Nhi là đã tuyển dụng được nhiều trường hợp tốt nghiệp đại học loại giỏi, bằng khá được kết nạp Đảng trong nhà trường. Đặc biệt, tại Bệnh viện Sản - Nhi đang có một trường hợp bác sỹ theo học chương trình đào tạo bác sỹ nội trú tại Bệnh viện Y dược Trung ương Huế. Đây là trường hợp bác sỹ trẻ khi mới về công tác đã thi và trúng tuyển khóa đào tạo bác sỹ nội trú chuyên ngành nhi.

Đáp ứng nguyện vọng được học tập của bác sỹ trẻ, Bệnh viện đã tạo điều kiện để bác sỹ này được theo học khóa học, được hưởng đầy đủ các khoản lương, chế độ theo quy định như những người đang công tác. Bên cạnh đó, để “giữ chân” các bác sỹ sau đào tạo, các trường hợp gửi đi đào tạo đều làm giấy cam kết khi về phải phục vụ tại Bệnh viện tối thiểu 10 năm và tự nguyện nộp lại bằng tốt nghiệp đại học bản chính. Với cách làm này, từ khi thành lập Bệnh viện đến nay, đội ngũ bác sỹ tại Bệnh viện từng bước được tăng cường, từ 32 bác sỹ (năm 2010) đã tăng lên 69 bác sỹ (năm 2012). Theo bác sỹ Phạm Cầm Kỳ, Giám đốc Bệnh viện: Với số lượng và trình độ của đội ngũ bác sỹ thời điểm hiện tại của Bệnh viện đã góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám và điều trị của người bệnh thuộc 2 chuyên khoa chính là sản và nhi. Đây cũng là lực lượng nòng cốt để Bệnh viện thành lập thêm một số chuyên khoa mới như: truyền nhiễm, tiêu hóa, hô hấp…

Trong hướng phát triển của Bệnh viện những năm tới, với việc thực hiện kế hoạch về giường bệnh được tỉnh giao từ 300 lên 400 giường bệnh, nhưng thực tế phải kê đến 450- 500 giường bệnh, Bệnh viện cần bổ sung thêm 50 bác sỹ mới đáp ứng được. Theo kế hoạch của Bộ Y tế, Ninh Bình có hai bệnh viện tuyến tỉnh là Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh sẽ trở thành bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện tuyến Trung ương thì chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức của Bệnh viện nói chung, đội ngũ bác sỹ nói riêng sẽ là điều kiện tiên quyết để Bệnh viện đảm nhiệm được trọng trách này.

Đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong khám, chữa bệnh.

Thực tế trong nhiều năm qua, nhân lực ngành y tế Ninh Bình vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ, dược sĩ đại học. Số lượng bác sĩ thiếu rất nhiều nhất là ở các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh như: Tâm thần, Lao, Điều dưỡng, phục hồi chức năng; các trung tâm y tế thuộc hệ dự phòng và Bệnh viện tuyến huyện.

Để giải quyết tình trạng thiếu bác sỹ tại các cơ sở y tế, ngành y tế đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh làm việc với Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Y tế và các trường đại học y, dược để đăng ký chỉ tiêu đào tạo bác sỹ, dược sỹ hệ chính quy theo địa chỉ sử dụng, tổ chức tuyển sinh theo chỉ tiêu được giao để bổ sung bác sỹ, dược sỹ đại học cho ngành. Với cách làm này, đến nay đã có 171 học sinh theo học đại học tại các trường đại học y, dược, khóa đầu tiên sẽ ra trường vào năm 2013. Như vậy, trong khoảng thời gian 4 năm nữa sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu về bác sĩ tại các đơn vị trong ngành.

Bên cạnh đó, ngành cũng phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố cử các cán bộ y tế xã đi học bác sĩ liên thông hệ 4 năm để đảm bảo nhân lực cho tuyến xã. Đồng thời, việc thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức được ngành hết sức chú trọng để có được nguồn nhân lực chất lượng cao. Sở đã phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chính sách thu hút đối với bác sỹ, dược sỹ đại học về công tác tại tỉnh nhà. Việc tuyển dụng được thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, theo phân cấp và quy định của UBND tỉnh, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, khách quan và đúng pháp luật. Do đó, thông qua công tác tuyển dụng đã lựa chọn được đúng đối tượng đáp ứng các yêu cầu của vị trí làm việc.

Từ năm 2009 đến nay, ngành đã tuyển theo chính sách thu hút, khuyến khích tài năng được 47 bác sỹ và nhiều dược sỹ, kỹ thuật viên đại học, điều dưỡng đại học. Trong 2 năm gần đây, toàn ngành đã thu hút được trên 80 bác sĩ mới ra trường về công tác. Định kỳ 2 lần/năm thực hiện việc thanh toán kinh phí hỗ trợ đào tạo cho công chức, viên chức sau khi tốt nghiệp kịp thời, đúng quy định với tổng kinh phí chi cho hỗ trợ đào tạo 4 năm qua là 1.017 triệu đồng. Từ năm 2008 đến nay, Sở Y tế đã cử nhiều lượt cán bộ đi nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị… Các cơ sở y tế trong tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, y, bác sỹ trong đơn vị, cử cán bộ tham gia tập huấn, chuyển giao kỹ thuật để ứng dụng các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao trong khám, điều trị cho người bệnh. Kết quả đào tạo những năm qua đã có 2 người được đào tạo tiến sỹ, 8 người được đào tạo chuyên khoa cấp II, 14 người có trình độ thạc sỹ, 56 chuyên khoa cấp I, 38 bác sỹ và hơn 100 trường hợp đào tạo đại học ở các chuyên ngành khác. Tính đến nay, toàn ngành đang quản lý 3.264 biên chế và lao động, trong đó tỷ lệ nhân lực có trình độ từ cao đẳng trở lên tăng từ 29% (2008) lên 39% (2012); tỷ lệ nhân lực có trình độ từ đại học trở lên tăng từ 25% (2008) lên 33% (2012)… Với nguồn nhân lực hiện có, đội ngũ cán bộ, viên chức ngành Y tế đã vươn lên làm chủ được nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.