Từ năm 2005 đến nay, sau nhiều năm đầu tư, củng cố, ngành y tế Ninh Bình hiện có 23 đơn vị, bao gồm hai Chi cục, sáu trung tâm y tế chuyên ngành và dự phòng, bảy bệnh viện tuyến tỉnh, tám trung tâm y tế tuyến huyện và 146 trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Xem hình

Hằng năm, cứ đến đầu tháng 2,  Nguyễn Văn Bình, bạn tôi lại làm mâm cơm mời mấy người bạn thân. Anh tâm sự: Ðể ghi nhớ công ơn của các bác sĩ đã cứu sống vợ con anh thoát khỏi cánh tay của tử thần. Hồi ấy cách đây năm năm, chị Loan vợ anh mang thai cháu Nguyễn Hoàng Anh. Ngôi thai ngược, chị Loan lại gày yếu khi vỡ ối mà thai chưa ra, khiến người mẹ kiệt sức ngất lịm, tưởng rằng mất cả mẹ lẫn con. Lúc ra đời,  đứa trẻ đã tím tái, tim ngừng đập. Các y, bác sĩ phải thổi ngạt, hô hấp nhân tạo mãi cháu mới bật tiếng khóc chào đời. Còn người mẹ bị băng huyết phải cấp cứu gần một tháng mới hồi phục sức khỏe. Bây giờ cháu Anh đã bước sang tuổi thứ năm, to khỏe, khiến cả gia đình vô cùng phấn khởi. Ðó chỉ một trong rất nhiều trường hợp  nhờ sự tận tâm, trình độ cao của các thầy thuốc mà đã cứu sống nhiều bệnh nhân khi sự sống chỉ còn trong gang tấc.

Ninh Bình có nhiều xã nghèo vùng sâu, vùng xa như  Nho Quan, Kim Sơn, Yên Mô, Gia Viễn. Trước đây việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân gặp nhiều khó khăn, bởi hệ thống y tế tuyến cơ sở nghèo nàn về trang, thiết bị, cán bộ y tế  rất thiếu.  Người dân phải đi hàng chục cây số mới tới được cơ sở khám, chữa bệnh.  Từ năm 2005 đến nay, sau  nhiều năm đầu tư, củng cố, ngành y tế Ninh Bình hiện có 23 đơn vị, bao gồm hai Chi cục, sáu trung tâm y tế chuyên ngành và dự phòng, bảy bệnh viện tuyến tỉnh, tám trung tâm y tế tuyến huyện và 146 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Toàn ngành có gần ba nghìn cán bộ, công chức, viên chức và lao động trong đó 473 bác sĩ, 24 dược sĩ đại học. ''Chúng tôi quan tâm tới việc mở rộng mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở. Chú trọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại cộng đồng. Hiện nay, 100% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh có trạm y tế, trong đó 86,3% cơ sở đạt chuẩn quốc gia về y tế, trung bình đạt 22,16 giường bệnh và 6,9 bác sĩ/10 nghìn dân, bằng mức bình quân chung của cả nước''-  Giám đốc Sở Y tế Tống Quang Thìn cho biết. 

Cùng với việc mở rộng mạng lưới và bố trí bộ máy hoạt động từ y tế cơ sở đến tỉnh là các dịch vụ y tế tại địa phương ngày một đa dạng, với nhiều  trang bị, thiết bị mới, kỹ thuật hiện đại, như chụp CT 64 lát cắt, phẫu thuật pha-cô, phẫu thuật cấp cứu trong chấn thương sọ não, phẫu thuật nội soi trong ngoại khoa, v.v. Ðặc biệt là đã cấp cứu và nuôi thành công ba cháu bé sơ sinh nặng gần một kg, trong đó một cháu chỉ nặng 800 gam và hai cháu nặng 900 gam... Những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm Bệnh viện Ða khoa tỉnh quy mô 700 giường, xây dựng trên khuôn viên 18 ha bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, đưa vào sử dụng 4-2010. Bệnh viện Sản - Nhi quy mô 400 giường; Bệnh viện Mắt quy mô 50 giường đi vào hoạt động. Bệnh viện Ung bướu quy mô 300 giường bệnh phục vụ người bệnh trong tỉnh và bệnh nhân khu vực Nam Sông Hồng được thành lập, dự kiến năm 2015 sẽ đón người bệnh đến điều trị. 

Từ lâu, Ninh Bình luôn quan tâm xây dựng các chính sách ưu đãi, thu hút bác sĩ, cán bộ y tế có trình độ cao về công tác tại địa phương. Chú trọng xây dựng môi trường công tác tốt để các y, bác sĩ làm việc hết khả năng chuyên môn, tận tâm phục vụ người bệnh. Các bệnh viện bố trí người có trình độ chuyên môn cao giúp đỡ người trình độ còn thấp. Thường xuyên  tổ chức các buổi tọa đàm trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, gửi đào tạo các cán bộ y tế tại các trường, chăm lo đời sống của cán bộ công chức trong ngành... Nhờ vậy, ngành y tế Ninh Bình đã thu hút được nhân lực bổ sung cho đội ngũ cán bộ chuyên môn  ở địa phương. Nếu giai đoạn 2000-2005, mỗi năm ngành chỉ tuyển dụng mới được từ 12  đến 15 bác sĩ thì trong năm 2010, đã tuyển dụng được 45 bác sĩ chính quy từ nhiều trường đại học. Từ năm 2006 đến nay, ngành tham mưu với UBND tỉnh tổ chức tuyển sinh bác sĩ, dược sĩ chính quy theo địa chỉ sử dụng để gửi học tại các Trường đại học Y Thái Nguyên, Y Hà Nội, Y Thái Bình, Y Hải Phòng. UBND tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí cho cán bộ đi học, hiện nay đã có 134 sinh viên đào tạo theo hình thức này, để sau khi học xong sẽ về công tác tại  tỉnh.  Ngành còn cử các cán bộ đi học định hướng chuyên khoa, chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, thạc sĩ, tiến sĩ. Hiện nay toàn ngành có một tiến sĩ, 26 thạc sĩ, 15 bác sĩ chuyên khoa cấp II, 150 bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa cấp I ...

Tuy nhiên, ngành y tế Ninh Bình vẫn còn đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn. Ðó là: việc phân cấp ở một số nơi chưa hợp lý, còn nhiều bất cập dẫn đến khó khăn trong quản lý, điều hành. Chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến xã chưa  tốt, nguồn nhân lực phân bố chưa hợp lý. Ở tuyến huyện, các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, các đơn vị y tế dự phòng còn thiếu bác sĩ. Mức giảm sinh chưa vững chắc, vùng núi, ven biển tỷ lệ sinh và tỷ lệ sinh con thứ ba còn cao, tỷ số giới tính khi sinh mất cân bằng (115 trẻ em trai/100 trẻ em gái).  Một số nơi thiếu nguồn bác sĩ thay thế đội ngũ cán bộ đến tuổi về hưu.

Trong thời gian tới, Ninh Bình tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu: Củng cố và nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, nhất là bệnh viện tuyến huyện. Nâng cao năng lực, trình độ cán bộ y tế, bảo đảm triển khai tốt các kỹ thuật theo phân tuyến của Bộ Y tế. Chú trọng phát triển hệ thống y học cổ truyền, kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền trong công tác điều trị. Thường xuyên giáo dục y đức cho đội ngũ cán bộ y tế, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, mỗi thầy thuốc phấn đấu ''giỏi y thuật, sáng y đức''. Phát triển nguồn nhân lực bảo đảm đủ về số lượng, chất lượng cao, cơ cấu và phân bố cân đối hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành; tham mưu cho tỉnh tiếp tục thực hiện Ðề án đào tạo bác sĩ chính quy theo địa chỉ sử dụng, phấn đấu đến năm 2015 đạt 8,9 bác sĩ/10 nghìn dân.

Đỗ Tấn - Báo Nhân Dân