Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam (27-2) Báo Ninh Bình giới thiệu những bác sĩ, dược sĩ, y tá luôn say mê với công việc, suy nghĩ, làm theo lời Bác dạy “Lương y như từ mẫu”.

Luôn trao dồi đạo đức nghề nghiệp

Sinh ra và lớn lên tại xã Quang Thiện, nhưng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh Trần Văn Phú đã luôn mơ ước trở thành bác sỹ để có thể cứu chữa và giúp đỡ cho nhiều người. Để đạt được ước mơ đó, anh đã miệt mài học tập và quyết thi đỗ vào trường Đại học Y Hà Nội vào năm 1982. Tốt nghiệp ra trường, năm 1989, Trần Văn Phú được điều về công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Sơn với nhiệm vụ chuyên môn là bác sỹ gây mê, rồi phụ trách bộ phận phẫu thuật - gây mê - hồi sức. Đến năm 2005, bác sỹ Phú được cử đi học nội soi tại Đại học Y Huế, rồi phụ trách thêm buồng nội soi tiêu hóa của Bệnh viện.

Kể từ ngày được khoác lên mình màu áo trắng, anh luôn ý thức được trọng trách của mình, hết lòng gắn bó với công việc, tận tâm với người bệnh. Bác sỹ Trần Văn Phú còn được biết đến là người rất say mê học tập. Anh cho rằng, đã bước chân vào nghề y thì không thể bằng lòng với những gì mình đã đạt được. Và anh đã miệt mài tự học qua sách vở, tự tìm tòi các tài liệu qua mạng Internet và cập nhật các thông tin mới nhất về thành tựu khoa học liên quan đến ngành Y để nâng cao trình độ chuyên môn… Có tay nghề vững vàng nhưng điều mà bác sỹ Phú “khắc cốt ghi tâm” là phải trau dồi đạo đức nghề nghiệp. Anh nói: “Nghề nào cũng cần có lương tâm và trách nhiệm, nhưng đối với ngành Y còn liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người nên càng cần thiết. Lúc nào tôi cũng tâm niệm: Là người thầy thuốc, khi tiếp xúc với bệnh nhân phải có thái độ niềm nở, tận tình, tạo niềm tin với bệnh nhân, giải thích cặn kẽ tình trạng bệnh để người nhà và bệnh nhân yên tâm phối hợp cùng điều trị”.

Với bản tính kiên trì, chịu khó, đầy trách nhiệm với công việc, anh liên tục được bổ nhiệm các cương vị quan trọng của Bệnh viện, từng là phó khoa, trưởng phòng kế hoạch - nghiệp vụ, nay là ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc trung tâm y tế huyện. Ở cương vị nào, anh cũng sát cánh cùng đồng nghiệp của mình khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chuyên môn.

Tận tâm trách nhiệm với công việc, bác sỹ Trần Văn Phú đã được tặng thưởng danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, liên tục đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở. Năm 2010, anh vinh dự được tặng Bằng khen của UBND tỉnh.

Người thầy thuốc của dân

Năm 1987, thiếu tá Lê Ngọc Lam, Bác sĩ, chủ nhiệm khoa Nội đông y, Quân y Viện 5 (Quân khu 3) nghỉ hưu tại số nhà 236, phố Phúc Thịnh, phường Phúc Thành, TP Ninh Bình.

Với vốn kiến thức và kinh nghiệm chữa bệnh trong quân ngũ, bác sỹ Lê Ngọc Lam đã tham gia công tác khám, chữa bệnh ở nơi cư trú, ông mở phòng khám tại nhà để tiếp tục cống hiến, phục vụ nhân dân… Ngày nào cũng có bệnh nhân đến tìm bác sỹ Lam, người đến khám bệnh, có người đến chỉ để hỏi ông cách dùng thuốc sao cho hợp lý. Năm nay, ông Lam đã ở tuổi 79, các con của ông đều đã thành đạt, mong ông nghỉ ngơi vì ông cũng là thương binh. Nhưng ông luôn tâm niệm làm cho người ta bớt bệnh, bớt đau thì niềm vui của ông được nhân lên.

Hiện nay, ông còn trồng một vườn cây thuốc quý trên sân thượng với trên 50 cây thuốc quý, nhằm giới thiệu những tác dụng của cây thuốc cũng như hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, nhân giống cho các trạm y tế.

Hiện ông Lam là Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, Chủ tịch Hội Đông y, châm cứu thành phố Ninh Bình, tổ trưởng tổ tư vấn sức khoẻ cho Người cao tuổi thành phố. Ngay từ đầu bước vào ngành Y, ông đã tự nhủ lòng phải thấm nhuần tư tưởng: “Lương y phải như từ mẫu”. Sự nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm của bác sĩ Lam trong việc chữa bệnh cứu người đã khiến nhiều người biết đến và cảm phục, gọi ông với cái tên trìu mến: “Thầy thuốc của dân”. Với những cống hiến cho ngành Y tế hơn 60 năm qua, bác sĩ Lê Ngọc Lam đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Đặc biệt là danh hiệu Thầy thuốc ưu tú và mới đây nhất là giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông do Bộ Y tế trao tặng

Người điều dưỡng tận tuỵ

 Nhiều lần bị bầm tím mặt do bệnh nhân lên cơn kích động, chống đối không nằm viện điều trị đã đánh chửi y, bác sĩ, nhưng với tình yêu nghề, gắn bó, cảm thông với bệnh nhân đã giúp chị vượt qua khó khăn, vẫn ân cần thuyết phục, động viên, an ủi bệnh nhân giúp bệnh nhân yên tâm dùng thuốc cùng hợp tác điều trị.

Thu Huế chia sẻ: Đến với nghề y tôi đã thấm nhuần câu nói của Bác Hồ "Lương y như từ mẫu", vì thế chưa một lần tôi thấy nản vì nghề. Cùng với tình yêu nghề và sự sẻ chia của đồng nghiệp về khó khăn của nghề nên tôi không bao giờ chạnh lòng, thực sự thấy gắn bó và có trách nhiệm với những bệnh nhân bởi họ đã quá thiệt thòi...

Bác sĩ Vũ Văn Vang, Trưởng Khoa nam, Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết: Thu Huế là một y tá cần mẫn với công việc, chăm sóc bệnh nhân chu đáo ở các buồng bệnh cũng như tất cả bệnh nhân trong khoa. Là người nhanh nhẹn, hoàn thành mọi công việc được giao, luôn luôn tận tâm, tận tình, gần gũi với bệnh nhân.

Người dược sĩ say mê sáng tạo khoa học

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội năm 1990, chị Đinh Thị Bẩy gắn bó với những mẫu dược phẩm, mỹ phẩm gần 20 năm nay. Hiện chị Bẩy là phó Giám đốc Trung tâm kiểm nghiệm dược phẩm – mỹ phẩm Ninh Bình, chị Bẩy đã thành công với 3 đề tài khoa học cấp ngành, có ứng dụng thiết thực trong đời sống, đó là đề tài "Đánh giá thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chất lượng thuốc trên địa bàn tỉnh Ninh Bình", với mục tiêu khảo sát, đánh giá thực trạng hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm nghiệm chất lượng thuốc, từ đó tìm ra những điểm mạnh, điểm yếu, những khó khăn, thách thức của thị trường thuốc, bước đầu nghiên cứu xây dựng một số giải pháp về quản lý, kỹ thuật và kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc trên địa bàn tỉnh. Năm 2008 có đề tài "Khảo sát chất lượng một số loại viên bao tan trong ruột chứa acid Acetyl salicylic lưu hành trên địa bàn tỉnh Ninh Bình từ năm 2006-2008", bước đầu đưa ra một số kiến nghị với các nhà sản xuất, phân phối dược phẩm nhằm đảm bảo chất lượng thuốc, an toàn và hiệu quả cho người sử dụng. Năm 2010 có đề tài "Nuôi cấy chủng vi sinh vật Saccharomyces cerevisiae dùng trong kiểm nghiệm các chế phẩm có chứa Nystatin”.

Chị Bẩy chia sẻ: Là người trực tiếp làm công tác chuyên môn kiểm nghiệm và nghiên cứu kiểm nghiệm, giám sát chất lượng các loại thuốc, mỹ phẩm, nguyên liệu làm thuốc và mỹ phẩm trên địa bàn tỉnh, để đảm bảo sức khoẻ cho nhân dân, đòi hỏi cán bộ làm công tác kiểm nghiệm nỗ lực hơn nữa, nhất là công tác nghiên cứu khoa học, nhằm thúc đẩy các mặt hoạt động của công tác kiểm soát, kiểm nghiệm dược ở địa phương, phục vụ cho yêu cầu nâng cao chất lượng thuốc, mỹ phẩm, góp phần bảo về sức khoẻ nhân dân.                Đồng chí Đinh Văn Thâu, Giám đốc TTKNDP &MPNB cho biết: Đồng chí Đinh Thị Bẩy là người có năng lực chuyên môn rất vững, đặc biệt với những sáng tạo khoa học đã có ứng dụng thiết thực trong đời sống, không chỉ trong tỉnh mà được ứng dụng trong toàn ngành Y tế. Không những thế, trong công tác đồng chí còn là người nhiệt tình chỉ bảo, giúp đỡ đồng nghiệp, gương mẫu trong mọi công việc...

Với những kết quả trong hoạt động chuyên môn, năm 2008 chị Bẩy đã được công nhận đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Năm 2009 được tặng Bằng khen của UBND tỉnh và Bằng khen của Công đoàn ngành Y tế Việt Nam. Năm 2010 được tặng Bằng khen của Bộ Y tế.

 

 

Tác giả: Nhóm PV