Theo báo cáo công tác DS -KHHGĐ huyện Gia Viễn năm 2011, tỷ lệ sinh tự nhiên được duy trì ổn định, đặc biệt, tỷ lệ sinh con thứ 3 đã giảm 0,5% so với năm 2010. Đặc biệt, có 139/265 địa bàn từ 2 đến trên 17 năm không có người sinh con thứ 3 trở lên..
Xem hình
Phụ nữ xã Gia Phong (Gia Viễn) đang đọc tờ rơi về chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại chiến dịch

Trong bối cảnh công tác dân số -kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ) đang phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay thì đây là kết quả rất đáng ghi nhận. 

“Cách đây chừng 5 năm, chúng tôi đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị B ở thôn Bình Minh, xã Gia Lập. Vợ chồng chị sinh cả thảy … 8 đứa con. Tôi hỏi chị B, vì sao “có nếp, có tẻ” rồi mà vẫn còn đẻ nhiều? Chị cười ngượng, vì bố mẹ chồng chị bắt đẻ nhiều cho có …phúc. Vậy là cái “phúc” của gia đình chị cứ thế được đắp đầy. Hệ luỵ nhìn thấy rõ nhất từ việc sinh nhiều con, đó là kinh tế của các gia đình rất khó khăn. Hầu hết, họ phải “gồng” lưng mà gánh cái “phúc” quá nặng của gia đình. Trời sinh “voi” nhưng …chưa kịp sinh “cỏ”, cả gia đình mười mấy người mà chỉ biết trông chờ vào mấy sào ruộng. Không có nghề phụ, các “trụ cột” gia đình đành khăn gói lên đường đi làm ăn xa, để vài sào ruộng cho vợ ở nhà cày cấy. Nỗ lực là vậy mà nào có đủ ăn? Chồng chị B đi làm ăn xa, ở nhà chị phải gánh vác mọi việc. Làm quá sức nên chị B đau ốm luôn, phải bán dần tài sản để lấy tiền mua thuốc. Ngôi nhà gia đình chị ở trống hoác, chẳng có vật dụng gì. Trời mưa, bão …mẹ con chị phải ôm nhau nép dưới gầm bàn để …tránh mưa. Con cái không được chăm sóc nên đứa nào cũng ốm nhách, quấy khóc suốt ngày...”

Bà Đinh Thị Thúy, Giám đốc Trung tâm dân số huyện Gia Viễn bắt đầu cuộc trao đổi với chúng tôi bằng một câu chuyện thực tiễn. Bà Thúy trầm ngâm: Những câu chuyện đã gặp trong các chuyến đi thực tế khiến chúng tôi rất trăn trở. Rõ ràng, tư tưởng lạc hậu là một trở ngại lớn trong việc thực hiện các chính sách về dân số.

Song, bên cạnh đó, cũng phải nhìn nhận rằng, nhiều cán bộ cơ sở vẫn chưa có cái nhìn đầy đủ, thấu đáo về công tác dân số. Bởi thế, muốn thay đổi nhận thức của người dân về công tác DS, KHHGĐ, trước hết phải tạo được sự chuyển biến trong nhận thức của một bộ phận cán bộ ở cơ sở. Và đây, mới chính là chiếc “chìa khóa mở” cho thành công của công tác DS, KHHGĐ.

Theo đó, Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch chỉ đạo cụ thể đối với công tác DS -KHHGĐ theo từng thời điểm. Bên cạnh đó, Huyện cũng chỉ đạo Trung tâm DS -KHHGĐ mở các lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động cho đội ngũ cán bộ làm công tác DS -KHHGĐ ở cấp xã, đội ngũ cộng tác viên. Huyện đã thành lập Ban chỉ đạo công tác DS -KHHGĐ. Theo đó, Ban có nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành nhằm tổ chức, huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, qua đó, thực hiện có hiệu quả công tác DS -KHHGĐ trên địa bàn huyện. Các thành viên của Ban chỉ đạo được phân công phụ trách các xã, thị trấn nhằm đi sâu, đi sát nắm bắt tình hình dân số ở cơ sở để chỉ đạo các xã, thị trấn điều tra thông tin về dân số. Từ đó, nắm bắt được thực trạng về só lượng trẻ em, số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh để...để tập trung vận động và triển khai các biện pháp tránh thai cho những đối tượng này. Đặc biệt, huyện đã phát động phong trào thi đua giảm tỷ lệ sinh và sinh con thứ 3 trên phạm vi toàn huyện. Những cách làm hiệu quả trong công tác giảm sinh con thứ 3 (đã được chứng minh trong thực tế) của các thôn, xã sẽ được tập hợp, trở thành “cẩm nang” cho các xã khác tham khảo …

Huyện luôn gắn kết công tác truyền thông, giáo dục với đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định những trường hợp vi phạm chính sách DS -KHHGĐ. Đưa công tác DS -KHHGĐ thành một nội dung quan trọng trong chương trình công tác trọng tâm hàng năm, lấy kết quả thực hiện mục tiêu DS -KHHGĐ là một trong các tiêu chuẩn để đánh giá mức độ chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước của các tập thể cá nhân... Trong các đợt triển khai chiến dịch, Ban chỉ đạo đã ban hành các văn bản và các nội dung hoạt động cho chiến dịch. Lập kế hoạch và phân bổ các chỉ tiêu thực hiện trong chiến dịch cho từng cơ sở, đồng thời chỉ đạo các cơ sở căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương để chủ động triển khai chiến dịch đảm bảo thời gian và đạt hiệu quả cao nhất.

Một nét mới trong công tác DS, KHHGĐ của huyện Gia Viễn là đã thu hút được sự tham gia của nam giới. Bà Đinh Thị Thúy phân tích: từ trước tới nay, nói tới việc thực hiện KHHGĐ không ít người nghĩ ngay rằng đó là “việc của chị em”. Vai trò của người đàn ông dường như mờ nhạt, thậm chí nhiều người nghĩ họ vô can. Song, trên thực tế nam giới lại là người quyết định việc có hay không sử dụng các biện pháp KHHGĐ. Tỷ lệ nạo phá thai ở tỉnh ta khá cao và hơn 90% lượng khách của các chương trình SKSS -KHHGĐ là phụ nữ. Điều đó chứng tỏ, trách nhiệm của nam giới trong việc thực hiện KHHGĐ chưa cao. Chúng tôi xác định, công tác DS -KHHGĐ chỉ thành công và thành công một cách bền vững khi những “trụ cột” thay đổi nhận thức và quan niệm cho rằng đây chỉ là việc của chị em.Bởi thế, chúng tôi coi sự tham gia của nam giới vào việc KHHGĐ là một chiến lược, hứa hẹn giải quyết một số vấn đề bức bách hiện nay về dân số. Cụ thể, ngay từ đầu chiến dịch chúng tôi đã phát động các đơn vị phải tập trung hướng đến đối tượng tham gia đình sản là nam giới nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và sự cảm thông chia sẻ của người chồng đối với vợ trong việc thực hiện KHHGĐ.